Sơn Trà - Một ngày khám phá
(ICTPress) - Một ngày Chủ nhật cuối hạ đến với nhóm bạn chúng tôi thật thú vị không ngờ. Trời tờ mờ sáng là cả nhóm đã hẹn nhau có mặt đầy đủ tại quán cà phê Vách Núi để bắt đầu một chuyến picnic vòng quanh Bán đảo Sơn Trà.
Không những du khách mà chính người dân Đà Nẵng cũng không nhiều người biết được cảm giác hoang sơ, thanh bình và lãng mạn của Sơn Trà - một lá phổi, một bức bình phong cho TP. Đà Nẵng và là một nàng tiên cá, một nơi bồng lai tiên cảnh của trần gian hạ giới.
Vẻ đẹp hoang sơ của bãi biển ven bán đảo Sơn Trà. Ảnh: Mỹ Dũng |
Nằm cách trung tâm TP. Ðà Nẵng chừng 10 km về hướng Ðông Bắc, Bán đảo Sơn Trà cùng với đèo Hải Vân như một vòng tay mẹ hiền bao bọc Thành phố và vịnh Đà Nẵng. Với diện tích hơn 60 km², Sơn Trà là một đặc ân mà thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho Đà Nẵng. Cùng với hệ thống núi non của ngọn đèo Hải Vân ở phía bắc, bán đảo Sơn Trà ở phía nam vây lại thành hình cánh cung tạo nên một vịnh biển trong xanh, yên bình. Do vậy, Sơn Trà như một bức bình phong vĩ đại che chắn cho Đà Nẵng khỏi sức tàn phá của những cơn bão to, gió lớn, sóng dữ.
Thời xa xưa, Sơn Trà là một hòn đảo gồm 3 ngọn núi nhô cao. Ngọn phía đông nam trông như hình con nghê chồm ra biển, nên gọi là hòn Nghê. Ngọn phía tây hình dạng như cái mỏ con diều hâu, nên nên gọi là ngọn Mỏ Diều. Và ngọn phía bắc vươn về phía ngọn Ngự Hải bên kia cửa biển dài như cổ ngựa, nên gọi là ngọn Cổ Ngựa. Qua thời gian dài, dòng nước biển chảy ven bờ đã tải phù sa đến bồi đắp dần lên tạo thành doi đất chạy từ đất liền ra đảo.
Với gần 4.000 ha rừng, trong đó một phần là đất đồi đang được phủ thêm loại cây công nghiệp, Sơn Trà là nơi giao lưu giữa hai hệ động vật và thực vật tiêu biểu của hai miền Nam - Bắc.
Bán đảo Sơn Trà ngày nay vẫn còn hoang sơ và có hàng loạt bãi tắm đẹp trải dài hàng chục km. Sau khi có con đường ven biển đi vòng quanh bán đảo, nơi đây đang phát triển các khu du lịch, nghỉ mát cao cấp. Núi Sơn Trà có Suối Tiên và suối Đá đẹp và hoang sơ. Đặt biệt nơi đây có ngôi chùa Linh Ứng Tự linh thiêng và huyền bí là điểm đến lý tưởng của những người con của Phật Giáo và ngay cả những người không theo Phật.
Trên con đường dài quanh co uốn lượn, bên trên là núi đồi, cây cối đan xen với những tảng đá hùng vĩ, phía dưới là biển xanh thăm thẳm với những bãi cát vàng và những mõm đá nhấp nhô. Mặt trời dần ló dạng, từng nhích một của hình tròn to như cái nong đỏ rực nhô lên khỏi nền nước xanh mênh mông thăm thẳm. Đón bình minh trên Sơn Trà với cảm giác tinh khôi đến lạ.
Điểm dừng chân đầu tiên của nhóm chúng tôi là con suối Đá thơ mộng bên chân núi, hòa mình vào dòng nước mát lạnh của biển. Được ngắm nhìn những bãi cát vòng quanh bán đảo sạch sẽ và mịn màng, nước triều đều đặn lên xuống hàng triệu năm bào mòn và lau sạch bóng những tảng đá chồng chất ven bờ mới thấy sự kỳ công của tạo hoá.
Trên đường đi chúng tôi không quên dừng chân tại Bãi Bụt - nơi yên tĩnh với những khu nhà nhỏ xin xắn để nghe sóng vỗ hoặc dõi theo cánh bay của những con chim yến trên phiến đá chênh vênh. Với mục đích đưa bán đảo tuyệt đẹp này phục vụ ngày một nhiều hơn cho du lịch, chính quyền thành phố đã tiến hành quy hoạch lại khu vực này với nhiều khu du lịch mới như: Bãi Rạng, Bãi Nồm, Bãi Nam, Bãi Bắc... dọc con đường lớn ven theo sườn núi. Tại đây, đã mọc lên những khu nghỉ dưỡng cao cấp và hàng ngàn biệt thự sang trọng để chúng ta có dịp đắm mình vào một không gian tuyệt đẹp của trời, mây, non, nước.
Con đường thơ mộng đã đưa chúng tôi đến cây đa ngàn năm tuổi ở tận mũi đông bắc của Bán đảo, cách Bãi Bắc - Khu resort tận cùng Bán đảo hơn 4 km. Với hệ thống rễ mọc đâm từ trên xuống giống như nhũ thạch và tán lá sum sê vươn rộng ước chừng 2 sào Trung bộ làm cho du khách cảm thấy mình rất bé nhỏ khi ngồi dưới tán cây đón từng cơn gió mát. Đây là chặng dừng chân trước khi quay về đường lên đỉnh núi.
Với độ cao gần 700m nhưng phải vượt qua con đường dài hơn 25 km xoắn ốc chúng tôi mới lên được đỉnh Bàn Cờ. Sơn Trà được xem như đài khí tượng thiên nhiên của nhân dân quanh vùng. Giống hình một cây nấm, đầu nấm là núi Sơn Trà và thân nấm là bãi cát bồi, lắng đọng, tạo nên những bãi cát vàng đẹp đẽ, trong lành. Đây còn là một khu bảo tồn thiên nhiên đa dạng và phong phú, được bảo vệ theo chế độ rừng cấm quốc gia, nổi tiếng là nơi có thảm thực vật đặc sắc với nhiều loại thú rừng quí hiếm như hươu, nai, khỉ, vượn, đười ươi, voọc chà vá, gà mặt đỏ... Phải kiên nhẫn và can đảm lắm mới đến được đỉnh nhưng chưa có cảm giác nào thấy khoan khái hơn khi được lên Đỉnh Bàn Cờ để ngắm về thành phố thân yêu. Vừa lên đến đỉnh là tâm hồn con người như bay bỗng trong không trung.
Cảm giác vui sướng khó tả làm chúng tôi chỉ biết hét lên như vô thức: “Đà Nẵng, Đà Nẵng…”. Trong những ngày trời nắng gắt, trong xanh, lên đỉnh Sơn Trà, vừa tận hưởng không khí mát dịu, trong lành của biển và núi, vừa phóng tầm mắt ra xa, toàn cảnh TP. Đà Nẵng, Ngũ Hành Sơn, đảo Cù Lao Chàm, rặng Bà Nà - Núi Chúa... như thu gọn vào trong tầm mắt của mỗi người.
Hơn 3 giờ chiều, chúng tôi bắt đầu xuống núi. Dưới phố bây giờ trời vẫn nắng đẹp nhưng đường đi từ đỉnh xuống thì sương ướt đẫm, những giọt mọng nước đọng trên lá cây và những làn khói trắng lùa qua làm mát lạnh. Khung cảnh giống như được đi trên thiên đàng trong phim Tây Du ký. Thỉnh thoảng trên đường đi, ta lại được nghe chim hót, nghe gà rừng gáy, những chú vượn, chú khỉ còn chuyền trên những tán cây rậm rạp hay phóng qua đường đùa giỡn.
Bóng chiều đã dần xuống, cuối điểm hành trình của chúng tôi là bãi tắm Tiên Sa. Cảnh vật thiên nhiên nơi đây rất quyến rũ, bóng chiều vàng rời rợi hắt ánh lên những tảng đá to lớn, bóng mượt đang trần mình tựa lưng vào mũi Tiên Sa, phía dưới là sóng biển dập dồn. Từng đàn cá tung tăng bơi lội, những chú cua lượn lờ trong từng kẽ đá, những chú vẹm bám thành chùm trên các vách đá đẹp làm sao. Dân gian đồn rằng các vị tiên từ trên trời thường chọn bãi cát nơi đây để giáng trần, tắm biển, ca múa, đánh cờ với nhau... nên có tên là Tiên Sa.
Chúng tôi kết thúc hành trình của một ngày chủ nhật bằng cách ngâm mình trong nước biển trong veo trong ánh nắng chiều vàng dịu, nghe tâm hồn dạt dào cảm xúc.
Cách Tân