Phát triển CNTT&TT ở Đà Nẵng: Hướng đến một thành phố “đáng sống, đáng làm việc”

(ICTPress) - Đà Nẵng là thành phố có sức hấp dẫn đối với bất kỳ ai đã từng đặt chân đến đó. Sự hấp dẫn trước hết đến từ cảnh quan và môi trường, nhưng nếu chỉ có vậy thì còn nhiều địa danh khác ở Việt Nam cũng không hề thua kém Đà Nẵng. Sự hấp dẫn khác biệt của Đà Nẵng đến từ những dấu ấn thành công trong những quyết sách phát triển đô thị bền vững hợp lòng dân của Lãnh đạo Đảng và Chính quyền Thành phố với vai trò không thể phủ nhận của Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh.

Bài viết này không có tham vọng đề cập đến tất cả những dấu ấn thành công của Đà Nẵng mà chỉ tập trung ghi nhận những kết quả ấn tượng mà Đà Nẵng đã gặt hái được trong lĩnh vực Công nghệ Thông tin và Truyền thông (CNTT&TT).

Chặng đường quan trọng đầu tiên và dấu ấn để lại

10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 58-CT/TW ngày 17/10/2000 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển Công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa” và Quyết định số 81/2001/QĐ-TTg ngày 24/5/2001 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt “Chương trình hành động triển khai Chỉ thị số 58-CT/TW của Bộ Chính trị” là một chặng đường dài đầu tiên có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với CNTT&TT của Đà Nẵng. Chính trong giai đoạn này, nền móng CNTT&TT của Thành phố đã được thiết kế và thi công một cách đồng bộ từ cơ sở hạ tầng, ứng dụng, công nghiệp và đào tạo nguồn nhân lực.

- Về Cơ sở hạ tầng CNTT&TT: Nhìn chung, hạ tầng CNTT-TT tại TP. Đà Nẵng đã có những bước phát triển vượt bậc, đã được mở rộng theo hướng dịch vụ đa dạng, phong phú với chất lượng ngày càng cao tạo nền tảng cho công tác xây dựng chính quyền điện tử. Đà Nẵng là một trong 03 điểm kết cuối quan trọng nhất của mạng đường trục quốc gia và điểm kết nối trực tiếp đi quốc tế. Tại Đà Nẵng, 100% cơ quan nhà nước có kết nối Internet; 100% thôn, tổ có mạng lưới điện thoại hữu tuyến, vô tuyến và kết nối Internet; Khu Công viên phần mềm đã đi vào hoạt động hiệu quả; Khu CNTT tập trung, Trung tâm dữ liệu (Data Center), Trung tâm giao dịch (Contact Center), Trung tâm đào tạo và nghiên cứu CNTT đã được xây dựng và chuẩn bị đi vào hoạt động v.v…

- Về Ứng dụng CNTT: Đà Nẵng đã quan tâm phát triển đồng bộ các ứng dụng CTTT&TT trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và trong các hoạt động kinh tế - xã hội của Thành phố. Các phần mềm ứng dụng dùng chung và phần mềm chuyên ngành; các dự án trong Quyết định 43, 36 loại dịch vụ công mức 3 (18 dịch vụ công xây dựng mới trên Cổng Thông tin điện tử, 18 dịch vụ công trên các Trang thông tin điện tử Sở ngành), dự án Thí điểm mô hình một cửa hiện đại tại trung tâm hành chính Quận Thanh Khê đã phát huy hiệu quả thiết thực trong công tác hằng ngày. Nhờ đó các các đơn vị đã nâng cao năng suất, chất lượng công việc, mang nhiều thuận lợi đến cho người dân và đặc biệt là góp phần tích cực cho công tác cải cách hành chính trên địa bàn Thành phố.

- Về Công nghiệp CNTT&TT: Công nghiệp phần mềm đã hình thành và đạt được những kết quả ban đầu đáng ghi nhận. Sau 5 năm đầu tư phát triển đã xuất khẩu được 22 triệu USD (năm 2009 tăng hơn 20 lần so với năm 2005). Ngành công nghiệp CNTT của thành phố cũng đã có những bước phát triển vượt bậc với tốc độ tăng trưởng bình quân trong 5 năm qua là 25%/năm và gần đây nhất là việc đưa vào khai thác Khu công viên phần mềm đã thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư hơn 700 tỷ đồng, tạo ra hơn 2000 việc làm.

- Về Đào tạo nguồn nhân lực CNTT&TT: Nguồn lực CNTT trong cơ quan nhà nước tăng đáng kể, cả về số lượng lãnh đạo CNTT (CIO) cũng như số lượng cán bộ chuyên trách CNTT đạt chất lượng. Toàn thành phố có hơn 70/% cán bộ chuyên viên sử dụng máy tính để phục vụ công tác chuyên môn. Hằng năm, các cơ sở đào tạo tại Thành phố cho ra trường hơn 2500 sinh viên CNTT, cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu hiện tại của Thành phố. Thành phố cũng luôn đầu tư xây dựng các chủ trương nhằm xây dựng nguồn lực CNTT phải đủ về số lượng và đạt về chất lượng để đáp ứng được nhu cầu ứng dụng, phát triển CNTT và thị trường nhân lực CNTT đặc biệt khi Khu CNTT tập trung đi vào hoạt động.

Những kết quả của chặng đường 10 năm này đã được ghi nhận và liên tục trong 5 năm (2005 - 2009), Đà Nẵng được xếp hạng là một trong 5 địa phương có Chỉ số sẵn sàng ứng dụng và phát triển CNTT-TT (ICT Index) cao nhất nước. Đến năm 2009, Đà Nẵng đã được xếp vị trí thứ nhất ICT Index đã góp phần xứng đáng đưa Đà Nẵng 2 năm liền đứng đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thành (PCI).

Chặng đường tiếp theo và kỳ vọng của những người trong cuộc

Từ trên nền móng ban đầu mới được xây dựng sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 58-CT/TW của Bộ Chính trị, Lãnh đạo Đà Nẵng đã vạch ra những bước đi chiến lược cho chặng đường 10 năm tiếp theo để đến mốc 2020, Đà Nẵng sẽ là một đô thị hoạt động theo mô hình chính quyền điện tử ở mức tiên tiến và CNTT&TT trở thành ngành kinh tế kỹ thuật quan trọng có tỷ lệ đóng góp lớn vào sự tăng trưởng GDP của Thành phố, với các 4 mục tiêu cụ thể:

- Về Cơ sở hạ tầng CNTT&TT: Bảo đảm hạ tầng để vận hành tốt cho mô hình Chính quyền điện tử, triển khai thành công nhiều dịch vụ công qua mạng ; số máy tính trong cộng đồng đạt 0,7 máy tính/hộ; 70% hộ gia đình kết nối Internet, tiếp tục triển khai chương trình quang hoá đến với các hộ gia đình tại các các chung cư, các đô thị mới đạt tỷ lệ 90%...

- Về Ứng dụng CNTT&TT: Bảo đảm cung cấp hầu hết các dịch vụ công của đề án 30 (tương tác 2 chiều) với 90% ứng dụng ở mức 3; 50% ở mức 4; tỷ lệ 50% các bệnh viện sử dụng bệnh án điện tử, 80% các trường phổ thông sử dụng học bạ điện tử; 80% doanh nghiệp ứng dụng ERP, thương mại điện tử để quản lý và điều hành sản xuất, kinh doanh.

- Về Công nghiệp CNTT&TT:  Hình thành và phát triển các khu CNTT tập trung có quy mô vừa, đa dạng trong phương thức đầu tư, phù hợp theo tiêu chuẩn quốc tế, tạo bước phát triển đột phá cho Công nghiệp CNTT của Thành phố trong những năm tiếp theo. Phấn đấu tổng doanh thu công nghiệp phần mềm đạt 1.200 tỷ đồng vào năm 2015 và đến năm 2020 đạt 2.500 tỷ đồng.

- Về đào tạo nguồn nhân lực CNTT&TT: Bảo đảm cho nhu cầu ứng dụng và phát triển CNTT, đặc biệt nguồn nhân lực cho Khu Công nghệ cao, Khu CNTT tập trung và Đô thị công nghệ cao FPT. Phấn đấu đến năm 2015, tổng số nhân lực CNTT&TT (từ trung cấp đến đại học) được đào tạo tại các trường và cơ sở đào tạo trên địa bàn Thành phố đạt từ 4000 đến 5000 người và hướng đến 2020 đạt 8.000 đến 10.000 người/năm, đưa Đà Nẵng trở thành địa chỉ tin cậy trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao về CNTT&TT cho cả nước và khu vực.

Những năm đầu của chặng đường 10 năm tiếp theo này, Đà Nẵng đã thể hiện sự chủ động vốn có để tìm kiếm nguồn đầu tư thực hiện lộ trình hướng đến các mục tiêu xác định. Thành phố đã tận dụng tối đa các cơ hội đầu tư từ Trung ương thông qua các dự án và chương trình quốc gia.

Tiểu dự án “Phát triển CNTT-TT tại Đà Nẵng” với tổng vốn đầu tư là 27.310 triệu USD, là một phần của Dự án có tên gọi đầy đủ là “Dự án phát triển CNTT-TT Việt Nam” có quy mô quốc gia do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ, được triển khai tại 3 địa phương (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng) và 2 đơn vị (Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Tổng cục Thống kê thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Trong khuôn khổ Tiểu dự án này, Đà Nẵng đã tập trung nguồn vốn được đầu tư vào các hạng mục trực tiếp  phục vụ cho mục tiêu xây dựng Chính quyền điện tử của Thành phố, nổi bật là các gói thầu “Xây dựng và triển khai các ứng dụng CNTT&TT cho các cơ quan chính quyền” (DNG6+7) và “Thiết kế, cung cấp, lắp đặt, kiểm thử và vận hành thử nghiệm Trung tâm Dữ liệu Đà Nẵng” (DNG8b) vừa mới được khởi công trong tháng 8/2012.

Lễ ký hợp đồng giữa Sở TT&TT Đà Nẵng và Hyundai Information Technology LTD thực hiện gói thầu “Xây dựng và triển khai các ứng dụng CNTT-TT cho các cơ quan chính quyền của TP. Đà Nẵng”

Đà Nẵng cũng đã kịp thời xây dựng các dự án của Thành phố trong khuôn khổ các chương trình và dự án quốc gia như “Chương trình Phát triển công nghiệp phần mềm” và “Chương trình Phát triển nội dung số”, “Dự án Đầu tư xây dựng Khu CNTT tập trung”,… Tuy nhiên, cho đến thời điểm này nguồn vốn được cấp từ Trung ương còn rất khiêm tốn so với nguồn vốn đối ứng của địa phương.

Đà Nẵng cũng đã chủ động tìm kiếm các nguồn tài trợ khác thông qua các đề án, chương trình hợp tác với nước ngoài, đặc biệt là với các tập đoàn công nghệ hàng đầu như: Chương trình Thành phố phát triển kinh tế, sinh thái bền vững (với Cisco), Chương trình Phát triển Đà Nẵng trở thành thành phố thông minh hơn (với IBM), Đề án Xây dựng Hệ thống kết nối không dây giám sát và giảm thiểu thiên tai (với Panasonic), Đề án Xây dựng Hệ thống thông tin địa lý cho Đà Nẵng (với Hitachi) và Chương trình Xây dựng Khung Chính phủ điện tử cho Đà Nẵng (với NIA - Cơ quan Thông tin Xã hội quốc gia Hàn Quốc).

Lễ ký hợp đồng giữa Sở TT&TT Đà Nẵng và Công ty cổ phần công nghệ Sao Bắc đẩu thực hiện gói thầu “Thiết kế, cung cấp, lắp đặt, kiểm thử và vận hành thử nghiệm Trung tâm Dữ liệu Đà Nẵng”

 Mặc dù gặp nhiều khó khăn về vốn và nguồn nhân lực, Đà Nẵng tiếp tục gặt hái những kết quả được ghi nhận về phát triển CNTT&TT. Trao đổi với tôi, Cục trưởng Cục Ứng dụng CNTT (Bộ TT&TT) Nguyễn Thành Phúc đánh giá: “TP. Đà Nẵng luôn là địa phương đứng đầu trong việc triển khai ứng ứng dụng CNTT, đặc biệt là trong công tác quản lý điều hành và phục vụ người dân và doanh nghiệp (2010: xếp thứ 2/63 tỉnh thành phố, 2011: xếp thứ 1/63 tỉnh thành phố - theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông). Trong hoạt động của cơ quan nhà nước, ứng dụng CNTT được triển khai sâu, rộng tới tất cả các Sở, ban ngành và các quận huyện. 100% cán bộ công chức Đà Nẵng thường xuyên sử dụng thư điện tử phục vụ công việc. Các hệ thống ứng dụng CNTT được triển khai đồng bộ, có thể trao đổi, liên thông dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước. Đối với việc phục vụ người dân và doanh nghiệp, Đà Nẵng là 1 trong 2 địa phương (cùng TP. Hồ Chí Minh) đã triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 để phục vụ người dân và doanh nghiệp. Nhiều dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đã đi vào cuộc sống, được nhiều người sử dụng và đem lại hiệu quả thiết thực”.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng cũng đánh giá cao các kết quả phát triển CNTT&TT của Đà Nẵng, không chỉ về ứng dụng CNTT mà còn cả về phát triển công nghiệp phần mềm và nội dung số, xây dựng các khu CNTT tập trung,… đặc biệt là sự quan tâm và chỉ đạo hiệu quả của Lãnh đạo Thành phố.

Tiếp xúc với Lãnh đạo Sở TT&TT Đà Nẵng, tôi hiểu rõ các anh đã phải dồn hết tâm sức như thế nào mới có được những suy nghĩ và hành động quyết liệt góp phần quan trọng vào những thành quả hôm nay và đối diện với những thách thức to lớn sẽ phải vượt qua để hướng đến những mục tiêu kỳ vọng.

Suy nghĩ của người ngoài cuộc: cần có một quan điểm tiếp cận “made in Da Nang”?

Tôi đã có cơ hội được đọc nhiều đề án phát triển và ứng dụng CNTT&TT ở cấp quốc gia cũng như của các bộ, ngành, địa phương. Một đặc điểm chung dễ thấy là sự trùng lặp đến nhàm chán về khuôn mẫu và nội dung của các đề án này, đặc biệt là các đề án của các tỉnh, thành phố. Trên thực tế đã từng có chuyện một nhóm chuyên viết thuê đề án cho vài tỉnh một lúc nên chúng chỉ khác nhau tên địa phương, còn nội dung chủ yếu bên trong là “sao y bản chính”. Điều hết sức nguy hiểm là mỗi địa phương đều tự coi mình như một quốc gia và cái gì cũng muốn làm. Có những địa phương thuộc diện vùng sâu, vùng xa hết sức khó khăn nhưng trong đề án CNTT vẫn “hồn nhiên” đặt ra mục tiêu xuất khẩu phần mềm. Những bài học đắt giá trong quá trình triển khai Chương trình Quốc gia về CNTT giai đoạn 1996 - 2000 (IT to 2000) và Đề án 112 trên thực tế chưa được cảnh báo nghiêm túc trong các đề án tiếp theo. Có nhiều lý do, trong đó không loại trừ tính cục bộ và lợi ích nhóm.

Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hay Đà Nẵng cho dù đều là những thành phố lớn nhưng cũng  không thể phát triển CNTT&TT như một quốc gia độc lập. Mỗi địa phương cần chọn hướng đi phù hợp và đặc thù, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội lớn nhất. Nếu địa phương nào cũng phát triển theo mô hình “quả mít”, cái gì cũng là mục tiêu “mũi nhọn” thì sự lãng phí tiền đóng thuế của dân sẽ không thể đo đếm được. Bức tranh CNTT&TT của Đà Nẵng cho dù có nhiều mảng sáng hơn thì vẫn cũng là trên nền một phác thảo khuôn mẫu chung cho Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hay thậm chí cho cả quốc gia! Bức tranh nào cũng có đầy đủ các mảng: xây dựng hạ tầng Chính phủ điện tử, ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước, xuất khẩu phần mềm, khu công nghiệp CNTT tập trung, công viên phần mềm, vườn ươm doanh nghiệp CNTT, phát triển ứng dụng phần mềm mã nguồn mở,…Sự dàn trải tất yếu sẽ dẫn đến tình trạng thiếu vốn, thiếu nhân lưc triền miên ảnh hưởng đến lộ trình đã vạch ra. Và hậu quả là các Sở TT&TT, vốn có chức năng chủ yếu là quản lý nhà nước, sẽ ôm đồm thêm nhiều hoạt động, bao gồm cả các hoạt động sản xuất và thương mại (ví dụ: các công viên phần mềm).

Viết đến đây tôi lại nhớ đến slogan nổi tiếng của Steve Jobs đã góp phần quan trọng đưa Apple đến những thành công ngoạn mục hôm nay: “Think Different” (Nghĩ khác). Nếu không có được sự khác biệt trong tư duy công nghệ và kinh doanh thì Apple sẽ không có được những sáng tạo làm đổi thay cả thế giới như vậy! Và không phải ngẫu nhiên mà khi phát biểu vận động tranh cử cho chồng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng đang trong giai đoạn nước rút, Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ Michelle Obama đã nói: “Đối với Barack, thành công không nằm ở việc bạn kiếm được bao nhiêu tiền mà ở chỗ sự khác biệt mà bạn tạo ra cho cuộc sống của mọi người.

Rõ ràng những thành công đã làm nên “thương hiệu” cho Đà Nẵng hôm nay có được cũng là nhờ những khác biệt trong tư duy và hành động của các nhà quản lý ở cấp cao nhất của Thành phố. Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh và các cộng sự của ông khi có cơ hội đã không ngần ngại từ bỏ lối mòn tư duy cũ kỹ, lạc hậu (nhưng an toàn) để tìm kiếm những giải pháp đột phá (có thể bị “thổi còi” vì phạm luật hiện hành) để xây dựng và phát triển Đà Nẵng. Sự khác biệt đó, theo tôi chính là quan điểm tiếp cận thực sự “vì dân” và “từ dân” trong các quyết sách của Chính quyền Thành phố. Nói “vì dân” thì dễ (và người ta đã nói rất nhiều đến mức lạm dụng) nhưng những việc làm thực sự vì dân mang lại sự thay đổi tích cực trong cuộc sống của người dân và tạo được lòng tin của người dân đối với chính quyền thì không có địa phương hay bộ, ngành nào làm được như Đà Nẵng! Bởi vậy mà, mặc dù chưa có tổ chức nào công bố nhưng qua ý kiến của các chuyên gian và người dân trong và ngoài nước (trong đó có người viết bài này), Đà Nẵng được coi là thành phố “đáng sống” nhất ở Việt Nam!. Nhưng có lẽ kỳ vọng của Chính quyền và nhân dân Thành phố không chỉ dừng lại ở đó. Đà Nẵng phải trở thành một thành phố không chỉ “đáng sống” mà còn “đáng làm việc” hàng đầu ở Việt Nam và trong khuc vực. Kéo người ta đến sống (để du lịch, an dưỡng) không khó, nhưng kéo được những người có trí tuệ và tay nghề cao đến sống làm việc (thậm chí không cần đến sống mà chỉ cần làm việc) cho Thành phố mới khó, thậm chí rất khó.

Phải chăng, đối với CNTT&TT, sự khác biệt sẽ có nếu chiến lược phát triển được xây dựng từ cách tiếp cận “trên xuống” (top-down), từ mục tiêu bao trùm “đáng sống, đáng làm việc” sẽ hình thành các mục tiêu dài hạn và ngắn hạn cho Thành phố? CNTT&TT sẽ góp phần như thế nào để làm cho Đà Nẵng trở thành thành phố “đáng sống, đáng làm việc”? Đà Nẵng khác hẳn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh về quy mô và đặc thù địa lý, môi trường. Đà Nẵng chỉ có 6 quận và 2 huyện nhưng trong đó lại có một huyện đảo Hoàng Sa, và do vậy nếu nhìn trên bản đồ sẽ thấy một Đà Nẵng hoành tráng với đầy đủ đất liền, biển, đảo bao la. Bởi vậy, ngoài những việc mà Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh phải làm, Đà Nẵng còn phải lo chuyện phòng chống thiên tai và bảo vệ chủ quyền biển đảo để làm an lòng những người đến sống, làm việc và đầu tư. Sự khác biệt sẽ xuất hiện nếu giải quyết tốt bài toán tối ưu trong đầu tư về CNTT&TT, tập trung nguồn vốn và nhân lực vào những vấn đề cấp thiết nhất của Thành phố, theo tôi đó là: chính quyền điện tử, phòng chống thiên tai và giám sát chủ quyền biển đảo, khu CNTT tập trung. Tôi tin là Lãnh đạo Thành phố, Lãnh đạo Ngành hiểu rõ điều đó và sẽ sớm tạo ra sự khác biệt  “made in Da Nang” trong lộ trình phát triển CNTT&TT để Đà Nẵng thực sự “đáng sống, đáng làm việc”, trước hết là đối với các kỹ thuật viên tay nghề cao, các chuyên gia giỏi về CNTT&TT và các nhà đầu tư giàu tiềm năng trong nước và quốc tế.

Khi cố gắng tìm kiếm tới một địa danh nào đó trên thế giới có những nét tương đồng và gây ấn tượng đến mức trở thành kỳ vọng cho một Đà Nẵng tương lai, cuối cùng tôi đã dừng lại ở California, một tiểu bang của nước Mỹ nằm ở bờ bên kia của Thái Bình Dương. Nói đến California, dân công nghệ sẽ nghĩ ngay đến Thung lũng Silicon - đại bản doanh của hầu hết các “đại gia” CNTT&TT thế giới như Apple, Cisco, Intel,  Google, HP, Oracle, Sun, Yahoo, AMD, Juniper, Adobe, Symantec, Xilinx… Nói đến California, người ta sẽ nghĩ đến những bãi biển tuyệt đẹp chạy dài từ Vịnh San Francisco (có cây cầu treo Golden Gate nổi tiếng) tới San Diego, đến thành phố Los Angeles phồn hoa với Holywood - kinh đô điện ảnh của thế giới.

Dĩ nhiên, so sánh Đà Nẵng với một tiểu bang có gần 40 triệu dân và diện tích còn rộng hơn cả nước ta là khập khiễng, nhưng tôi vẫn mong rằng một ngày nào đó, Đà Nẵng sẽ là một hình ảnh thu nhỏ của California, trở thành miền đất “đáng sống, đáng làm việc” đến mức thu hút các “đại gia” công nghệ quy tụ vào một “Thung lũng Silicon” ở Hoà Vang và các “đại gia” giải trí kéo về bán đảo Sơn Trà - kinh đô điện ảnh của Việt Nam và khu vực!

Một giấc mơ lãng mạn nhưng không hề viển vông!

GS. TS. Nguyễn Thúc Hải

Tin nổi bật