"Báo chí đang "lãng mạn hóa" tự tử"
Đó là chia sẻ của ông Trista, chuyên gia tâm lý học lâm sàng tại hội thảo “Truyền thông với vấn đề tự tử” do Trung tâm Phòng chống khủng hoảng tâm lý PCP tổ chức ngày 7/9 tại Hà Nội.
Ông Tristan phát biểu tại hội thảo |
Theo ông, hiện nay một số tờ báo đang đưa tin một cách dễ dãi, thiếu cân nhắc về hệ lụy của vấn đề tự tử, thậm chí, một số bài báo còn "lãng mạn hóa" hành vi này khiến nó trở nên bình thường, đôi khi là nghĩa cử đẹp để làm theo.
Theo nghiên cứu của PCP, tại Việt Nam, tự tử là một trong mười nguyên nhân hàng đầu dẫn đến cái chết. Hiện nay, tỷ lệ các bạn trẻ từng nghĩ đến chuyện tự tử và từng tìm cách kết thúc cuộc sống của mình đã tăng cao hơn gấp đôi so với 5 năm trước.
Về mối quan hệ truyền thông với vấn đề tự tử ông Trista cho rằng, báo chí hiện đang cố diễn giải quá sâu vào hành vi tự tử, sắp xếp những bài về hành động này một cách nổi bật để gây chú ý.
Đồng thời, từ việc viết cặn kẽ phương thức, địa điểm tới việc dùng hình ảnh người thân nạn nhân để minh họa… là điều đáng lo ngại.
“Khi độc giả đọc nhiều những thông tin này, họ sẽ chọn cách giải quyết tiêu cực nhất khi gặp khó khăn trong cuộc sống” – ông Trista cảnh báo.
Th.S Việt Hà, Giảng viên khoa Báo chí truyền thông, ĐH KHXH&NV Hà Nội chia sẻ: "Nhiều phóng viên định kiến rằng công chúng khao khát những tin "cướp, giết, hiếp", việc đưa tin các vụ tự tử cũng nằm trong nhóm tin giật gân này. Chính suy nghĩ ấy đang ảnh hưởng nhiều tới cách viết của nhiều phóng viên".
“Trên thực tế, tôi đã từng làm báo và theo dõi lượng click, tỉ lệ truy cập vào những bài báo tử tế, những vấn đề hay, việc tốt cũng không kém gì tin giật gân. Nhưng điều đó phụ thuộc rất lớn vào cái tâm của mỗi người làm báo. Nếu tưởng tượng người đọc báo là người thân của chúng ta, họ sẽ có những bài viết đúng mực hơn" - Th.S Việt Hà kết luận./.
Phạm Mỹ