Thay thương hiệu, Gmobile có thực sự “lột xác”?
Ở thời điểm thị trường đang dần bão hòa, nhưng mạng di động 100% vốn “nội” với thương hiệu Gmobile đến từ Bộ Công an vẫn đang ấp ủ nhiều tham vọng, không từ bỏ mục tiêu là mạng di động lớn thứ tư của Việt Nam, thậm chí còn hơn thế…
Thừa nhận Beeline Việt Nam không thành công
Với thương hiệu mới, liệu Gmobile có thực sự làm nên chuyện? |
Trong buổi ra mắt thương hiệu mới thay thế Beeline Việt Nam hôm 17/9, theo Tổng giám đốc Gtel Mobile Nguyễn Văn Dư, trong suốt ba năm có mặt trên thị trường Việt vừa qua, nếu xét về mặt doanh thu, lợi nhuận thì Beeline Việt Nam đã không thành công.
Với một thị trường viễn thông di động cạnh tranh mạnh như ở Việt Nam thời gian qua, ông Dư cho rằng, chỉ ba năm kinh doanh thì Beeline Việt Nam chưa thể có lợi nhuận được. Tuy nhiên, vị lãnh đạo của Gtel Mobile cũng cho hay, dù khẩu hiệu của mạng hiện giờ là “nghĩ mới, làm mới”, nhưng tinh thần Beeline, giá trị sản phẩm và niềm yêu mến khách hàng Việt đã dành cho Beeline chắc chắn sẽ được thương hiệu mới của GTel Mobile kế thừa trọn vẹn và phát triển.
Đại diện của Gtel Mobile cho biết, cách đi của Gmobile giờ cũng khác so với khi mang tên mình tên gọi Beeline. Không còn vốn ngoại góp, giờ là 100% vốn của doanh nghiệp Việt Nam, Gtel Mobile sẽ không đầu tư dàn trải mà đã “đổ tiền” vào đâu đều phải tính tới hiệu quả. Gtel Mobile tiếp tục đầu tư cho việc phát triển vùng phủ sóng, nâng cao chất lượng, đây là cách làm mà theo ông Nguyễn Văn Dư, ba tháng vừa qua đã phần nào chứng minh hiệu quả cho doanh nghiệp.
Và sự tự tin đó đã giúp Gmobile đặt ra mục tiêu phát triển thuê bao trong năm 2012 chắc hẳn ngay cả ba nhà mạng lớn nhất thị trường hiện nay cũng khó đạt tới. Tổng giám đốc Gtel Mobile Nguyễn Văn Dư không giấu diếm tham vọng đó là tiếp tục theo đuổi mục tiêu trở thành mạng di động lớn thứ 4 trên thị trường di động Việt, thậm chí còn cao hơn nữa. Với 3,2 triệu thuê bao có trong tay ở thời điểm này, Gmobile sẽ có được 5 triệu người dùng vào cuối năm 2012.
“Tôi biết thị trường viễn thông di động Việt Nam cạnh tranh quyết liệt, trong đó có các nhà mạng rất lớn, còn chúng tôi là mạng rất nhỏ. Nhưng theo tôi, dù lớn dù nhỏ thì vẫn còn cơ hội để cạnh tranh. Tiềm năng của thị trường viễn thông Việt Nam còn rất to lớn và vẫn đang phát triển. Với sự quyết tâm nỗ lực của mình thì chắc chắn Gtel Mobile sẽ vượt qua được thách thức hiện nay” - ông Dư nói.
Quyết tâm, nhưng có thực sự “lột xác”?
Đã từng đặt niềm tin lớn, và giờ, tinh thần lạc quan vẫn còn trong đội ngũ lãnh đạo của mạng di động Gmobile, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, những yếu tố vẫn chưa đủ để họ có thể xoay chuyển vị thế của mình trên thị trường.
Nếu nhìn vào các chính sách hiện Gmobile đang áp dụng, triển khai, vẫn chưa thấy những đột phá thực sự. Việc phát triển mạng lưới, chất lượng là điều tất yếu để một mạng di động phải có trên thị trường. Với Gmobile, dường như ai cũng nhìn thấy rằng, một phần nỗ lực này được Gmobile gửi gắm vào gói cước Tỷ phú 3 ra mắt đúng ngày công bố thương hiệu mới. Từng giành được thành công lớn từ gói cước tỷ phú, nhà mạng tiếp tục đặt niềm tin lớn vào Tỷ phú 3.
Tỷ phú 3 được bán với giá 35.000 đồng/bộ kit hòa mạng gồm 1 sim Gmobile và tài khoản 1 tỷ đồng có giá trị trong 10 năm. Khách hàng chỉ cần kích hoạt một lần để sử dụng tài khoản tỷ phú trong 30 ngày thay cho việc kích hoạt hàng ngày như các gói cước "tỷ phú" trước đây.
Gói cước tỷ phú đã từng gây sóng gió và giúp Beeline Việt Nam khi trở lại thị trường vào tháng 9/2011 có một lượng thuê bao đáng kể. Nhưng, xem ra, với mức siêu rẻ tiếp tục được áp dụng với tỷ phú 3, Gmobile có thể giành được thêm một lượng thuê bao nhất định, còn lợi nhuận đạt được thì lại là câu chuyện khác.
Không phải không có cơ sở khi một chuyên gia đến từ hãng viễn thông Thụy Điển Ericsson đã phân tích, thống kê của Bộ Thông tin & Truyền thông cho hay tổng số thuê bao di động tại Việt Nam hiện tại đang hơn 122 triệu. Với tổng dân số khoảng 88 triệu như hiện nay, bình quân mỗi người dân Việt Nam sở hữu tới 1,5 thuê bao điện thoại di động. Đây là tỷ lệ tương đối lớn so với các nước trên thế giới.
Nhưng con số 122 triệu không phản ánh số lượng người sử dụng trong thực tế bởi có rất nhiều người dân đăng ký hơn 1 số thuê bao di động. Vì thế, cơ hội để các nhà mạng nâng cao số lượng thuê bao vẫn còn nhưng không quá lớn.
Mặt khác, người sử dụng di động trong nước đã quá quen thuộc với các dịch vụ thoại (voice), tin nhắn (SMS) cơ bản mà các nhà mạng cung cấp. Nhu cầu sử dụng và số tiền họ bỏ ra cho các dịch vụ này không có khả năng thay đổi quá lớn.
Theo thống kê, ARPU (doanh nhu trung bình thu được trên mỗi đầu thuê bao) của Việt Nam khá thấp khoảng từ 3USD - 4USD và đang trên xu hướng giảm. Và khi doanh thu từ các dịch vụ thoại thông thường bị ảnh hưởng thì việc các nhà mạng phải tìm kiếm doanh thu trong việc phát triển các dịch vụ mới, khai thác các ứng dụng mới cho người dùng là điều cần thiết. Việc triển khai cung cấp các gói dịch vụ dữ liệu đang là cơ hội cho những nhà mạng trong nước tìm kiếm nguồn thu mới.
Thiết nghĩ, lời khuyên này có lẽ dành cho tất cả các mạng di động Việt, trong đó có Gmobile ở thời điểm này. Một chính sách phát triển phải thực sự đột phá mới có thể giúp những kỳ vọng lớn mà lãnh đạo nhà mạng Gmobile đã đặt ra trở thành hiện thực.
Hiền Mai
VNMedia