Mê cung mới của CNN
Với tất cả những PV, BTV, cổ đông và những khán giả yêu mến hãng truyền hình cáp Mỹ CNN, ngày 27/7/2012 là một ngày "giông bão".
Ngày đó, Chủ tịch Jim Walton, người đã góp công đầu trong việc vực dậy CNN khỏi cơn suy thoái trong những năm 1990- 2004, bất ngờ tuyên bố từ chức. "Gã khổng lồ" của làng truyền hình Mỹ đang đứng chơi vơi trong mê cung của sự bế tắc về đường hướng phát triển.
Dấu ấn Jim Walton
Với CNN, Jim Walton - người đứng trên cương vị Chủ tịch Hãng gần 10 năm qua - thực sự là vị cứu tinh.
Đầu năm 2003 - thời điểm Jim Walton chính thức tiếp quản CNN từ tay Walter Isaacson, CNN thực sự đang trong cơn bĩ cực, lạc lối trong mê cung phát triển. Từ vị thế kênh tin tức số 1 nước Mỹ, với lượng khán giả kỷ lục 1 tỷ người xem/ngày, CNN bị Fox News vượt về tỷ lệ khán giả ngay cả trong lĩnh vực tin tức – thế mạnh của CNN.
Trong khoảng ba năm, từ 2000 đến 2003, hoạt động kinh doanh của CNN hầu như không mang lại lợi nhuận nếu không nói là còn phải chịu lỗ. Time Warner – công ty mẹ của CNN đã từng thất vọng tới mức tính đến khả năng sát nhập CNN và ABC News, thậm chí còn có ý định bán đứt CNN.
Bất chấp mọi hoài nghi, vượt qua mọi e ngại, người cựu phóng viên xuất sắc của CNN, bằng sự thấu hiểu đến gan ruột hãng truyền hình mà mình yêu mến gắn bó, bằng bản lĩnh, tài năng và sự quyết đoán, đã cải tổ CNN đến cùng.
Tháng 09/2003, chín tháng sau khi trở thành người đứng đầu CNN, Walton chính thức khẳng định trước Hội đồng quản trị Time Warner rằng mình hoàn toàn đủ sức làm sống lại CNN. Walton liên tiếp thực hiện nhiều kế hoạch cải tổ sâu sắc, trong đó phải kể đến việc phát triển CNN ở thế ba gọng kìm: mạng lưới truyền hình và lĩnh vực tin tức và Internet. Bên cạnh đó là sắp xếp hợp lý hóa công tác quản lý về nhân sự cũng như công việc.
Lợi nhuận của CNN liên tục tăng, năm này cao hơn năm trước. Từ năm 2004, mức tăng trưởng bình quân hàng năm của đế chế CNN ở mức 20% - một con số đáng nể. Và từ đó cho đến khoảng thời gian 2008, 2010, lợi nhuận mỗi năm tăng từ 200 triệu USD lên gần 400 triệu USD. CNN cũng đã trở lại vị trí thượng phong quen thuộc trong lĩnh vực cập nhật tin tức.
Năm 2007, CNN dồn sức cho mặt trận thu hút cư dân mạng. Đó là lý do CNN.com. Ngay lập tức, trang web này một mình làm mưa làm gió trên mạng. Một thời, cư dân Internet đã dành thời gian ghé thăm CNN.com vượt mặt cả Wikipedia, Yahoo News và MSNBC.com.
"Với vai trò người dẫn dắt CNN, Walton đã giúp hãng "tăng gấp ba thu nhập, nhân đôi lợi nhuận và đưa mức tăng trưởng hàng năm của CNN lên 15%", Jeff Bewkes - Chủ tịch kiêm tổng giám đốc Time Warner – cho hay.
"CNN phải thay đổi tư duy"
Chủ tịch Walton đã nhấn mạnh như vậy trong email "giã biệt" gửi tới đội ngũ nhân viên của CNN. Lá thư có đoạn: "Tôi đã gắn bó với công việc hiện tại trong suốt 10 năm qua và đã đến lúc phải thay đổi. CNN cần một tư duy mới. Việc thay thế người đứng đầu sẽ mang lại cho CNN một quan điểm mới, một kinh nghiệm mới và một kế hoạch mới, đồng thời sẽ tạo nền tảng tuyệt vời cho CNN trong tương lai".
Động thái từ chức và lời nhắn nhủ thống thiết này cho thấy một nhà lãnh đạo can trường, vị thánh cứu tinh của CNN một thời, rốt cuộc cũng bất lực trước thực trạng tồi tệ hiện nay của CNN. Những "chiêu trò" vô cùng hữu dụng mà Walton tung ra cho CNN cách đây 4,5 năm dường như vô nghĩa lý trước những bế tắc hiện thời của CNN.
Tính đến tháng 7/2012, lượng người xem của CNN chỉ bằng 1/5 so với năm ngoái. So với số liệu thống kê trong tháng 7/2011, tổng số người xem của CNN đã giảm tới 20%, trong khi tại các chuyên mục khác, tỷ lệ người xem thậm chí còn tồi tệ hơn bao giờ hết. Theo Media Bistro, đối với nhóm người xem độ tuổi từ 24 đến 54 tuổi, CNN đã mất khoảng 23% lượng khán giả trong năm nay. Lượng khán giả chuyển kênh sang CNN trong thời gian phát sóng giờ vàng cũng giảm 26%.
Lối thoát nào để dẫn bước CNN ra khỏi mê cung của sự bế tắc, tìm về với vị thế hãng tin tức số 1 thế giới, lâu nay đang thuộc về Fox News và MSNBC? Nhiều chuyên gia truyền thông cho rằng cách đây hơn 30 năm, khi ra đời, CNN đã gây chấn động cả thế giới truyền thông khi tạo ra được cuộc "cách mạng về tin tức truyền hình", là kênh truyền hình đầu tiên chuyên phát tin tức thời sự 24h/ngày, tạo được cho khán giả cảm giác đến với CNN là đến với thế giới của tin tức vào bất kể lúc nào và về bất cứ nơi nào trên thế giới. Và bây giờ, để giành lại ngôi vị số 1, có lẽ, CNN phải tìm cách tạo lại cho những khán giả của mình cảm giác ấy, dĩ nhiên là khó hơn thời những năm 1990 rất nhiều, bởi những "kình địch" như Fox News và MSNBC cũng đã trưởng thành lên rất nhiều.
Hà Trang
(Theo Công luận)