Tiếc nuối một "món đặc sản" làng báo Việt

Đến kì Euro 2012 lần này, các sạp báo đã vắng đi rất nhiều tờ tin nhanh bóng đá quen thuộc, thay vào đó là tin bài trên báo truyền thống và thông tin dày đặc liên tục được cập nhật trên báo mạng.

Euro 2012 vừa đi qua sau một tháng đầy thăng trầm, buồn vui cả trên và ngoài sân cỏ. Riêng với giới hâm mộ túc cầu Việt Nam, ngoài niềm tiếc nuối cho những đội bóng yêu thích đã trượt mất cơ hội chạm đến cúp vàng danh giá, không ít người hẳn cũng bâng khuâng tiếc nuối sự "mỗi năm mỗi vắng" của một món "đặc sản" - các tờ tin nhanh bóng đá.

Một điều rất thú vị là loại báo tin nhanh này có lẽ... chỉ ở Việt Nam mới có. Vì như một nhà báo thể thao kì cựu từng có kể, anh đã thử dò hỏi tất cả bạn đồng nghiệp của mình ở  nhiều nước trên thế giới, và tất cả đều nói rằng nước họ không có loại báo nào gọi là "tin nhanh" cả, những gì liên quan đến bóng đá đều được in lên ấn phẩm báo thường ngày, hay trên các trang báo điện tử.

Vậy nên khi nhắc tới World Cup hay Euro, dù Việt Nam chưa bao giờ tham gia những ngày hội bóng đá lớn như thế, nhưng chúng ta vẫn có thể tự hào vì có món "đặc sản" tin nhanh bóng đá để khoe với thế giới.

Tính đến Euro này, tin nhanh bóng đá ở Việt Nam đã tròn 30 năm tuổi đời. Tờ tin nhanh đầu tiên là về vòng chung kết World Cup 1982 ở Tây Ban Nha của báo Thể thao & Văn hóa. Nhanh chóng nhận ra cơn khát thông tin của bạn đọc, nhiều tờ báo khác sau đó cũng vào cuộc làm tin nhanh phục vụ người hâm mộ.

Tôi nhớ cha tôi kể lại, những năm đầu tiên có tin nhanh, mỗi buổi sáng người ta xếp hàng dài trước cửa các đại lý phát hành báo. Nếu mua được thì rất mừng, còn không thì tiếc hùi hụi. Có khi một khu tập thể chia nhau lịch đi mua tin nhanh, hai ba nhà cùng đi mua để về chuyền tay nhau trong các gia đình mà đọc.

Thời ấy điều kiện còn thiếu thốn, những tờ tin nhanh in ra chất lượng còn hạn chế, thường chỉ có 4 trang hai màu đen trắng. Tuy nhiên, chúng đã thỏa mãn nhu cầu thông tin của bạn đọc thời ấy, không những thế, còn trở thành tư liệu của rất nhiều bình luận viên bóng đá nổi tiếng ngày nay.

Dần dần, khi công nghệ làm báo phát triển, những tờ tin nhanh cũng được cải tiến về chất lượng cũng như số lượng, những tờ tin nhanh màu xuất hiện nhiều hơn với nội dung phong phú, đa dạng. Tờ nào cũng phải có ít nhất một vài chuyên gia tham gia dự đoán, phân tích kèm các thông tin bên lề về văn hóa, về không khí tại nơi diễn ra.

Thời kì hoàng kim của báo tin nhanh có lẽ là dịp World Cup 2006, khi có hàng loạt các ấn phẩm tin nhanh ra đời. Vào mùa bóng, mỗi fan đều phải "lận lưng" một tờ tin nhanh World Cup. Độc giả hồi ấy cũng phải choáng với mật độ tin nhanh dày đặc như vậy, đến mức đâm phân vân khi lựa chọn một tờ tin nhanh để đọc mỗi sáng.

Đối với dân ghiền bóng đá, hồi ấy không gì thú vị hơn việc mỗi buổi sáng tụ tập quanh bàn cà phê, vừa nhấm nháp vừa cầm tờ tin nhanh theo dõi thông tin và bàn tán sôi nổi về trận đấu tối qua hay dự đoán về trận đấu sắp tới. Khuya coi bóng đá, sáng cầm tờ tin nhanh, nhâm nhi cà phê "bình loạn" với chiến hữu ở "thông tấn xã vỉa hè" đã là thói quen và thú vui của bao thế hệ mê bóng đá. Thiếu niên tụi tôi thời đó còn có thói quen chờ người nhà đọc xong báo thì xin lại để cắt hình những cầu thủ mà mình yêu thích.

Hồi đó tin nhanh vẫn còn rẻ, chỉ cần 200 hay 500 đồng là đã có một tờ tin nhanh mới ra lò còn "nồng nàn" mùi mực in. Đám thiếu niên đứa nào cũng tranh thủ dậy sớm chạy ra sạp báo gần nhà, vì không nhanh chân người ta sẽ mua hết.

Các tờ tin nhanh bóng đá dần vắng bóng trên các sạp báo. Ảnh minh họa. Nguồn: Đất Việt

Với riêng tôi, những tờ tin nhanh hồi ấy có một sức hút kì lạ, không chỉ vì hình ảnh của những Zidane hay "người ngoài hành tinh" Ronaldo, mà còn ở cách mô tả không khí ở các sân vận động làm người ta muốn đến đó ngay lập tức. Rồi thật thú vị là mục "bàn thắng đẹp", nơi mà các họa sĩ cặm cụi vẽ nhanh hình mô tả bàn thắng đẹp của lượt trận đêm hôm trước để kịp mang đi in.

Đã có thời việc làm tin nhanh bóng đá cũng đồng nghĩa là một cuộc cách mạng về kỹ thuật, phương tiện và cả phương pháp xử lý nội dung của các tờ báo giấy. Thường thì sau một kỳ World Cup hoặc EURO thì những tờ báo làm tin nhanh cũng biến chuyển đột ngột về số lượng.

Năm 1982, TTVH là tờ thể thao ra tin nhanh bóng đá đầu tiên. Tuy nhiên, làng báo cũng rất nhanh chóng bắt kịp. Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Thể Thao TP.HCM, Lao Động, Người Lao Động... sau đó đều làm tin nhanh. Kỳ World Cup 1990 ở Italia đã có hàng chục đầu báo ra tin nhanh. Các tờ tin nhanh đặc biệt sôi động ở kỳ World Cup 2006. Thời điểm ấy, người ta còn thấy cả một số đầu báo như Pháp Luật, Nông Thôn cũng không chịu đứng ngoài cuộc chơi. Gần 20 đầu báo làm tin nhanh.

Đó có thể xem như thời đỉnh cao của báo giấy khi các sạp báo tràn ngập tin nhanh. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện kỹ thuật số, kỹ thuật truyền phát sóng vệ tinh, cáp quang... truyền thông đa phương tiện đã bắt đầu cất tiếng nói của mình. Báo mạng với ưu thế thông tin nóng, nhanh chóng tạo nên sức cạnh tranh quyết liệt với báo giấy.

Bóng đá plus

Không chỉ vậy, những tờ tin nhanh còn giúp độc giả tiếp nối mạch cảm xúc còn đọng lại sau trận đấu đêm hôm trước. Người thì vui vẻ đọc bình luận trận đấu mà đội mình hâm mộ thắng trận, kẻ thì ngậm ngùi xem người ta nhận xét trận thua của đội mình yêu thích thế nào. Tôi vẫn còn nhớ cái cảm giác khi cầm tờ Tin nhanh Tuổi Trẻ World Cup 2010, đọc bài bình luận trận thua đậm 1-7 của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên trước Bồ Đào Nha, lúc đó vừa ngại ngần, vừa buồn buồn thế nào.

Đến kì Euro 2012 lần này, có lẽ vì điều kiện kinh tế khó khăn cũng như sự phát triển của báo mạng, mà số lượng tờ tin nhanh năm nay chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Các sạp báo đã vắng đi rất nhiều tờ tin nhanh quen thuộc, thay vào đó là tin bài trên báo truyền thống và thông tin dày đặc liên tục được cập nhật trên báo mạng. Tuy vậy, vẫn có những báo trung thành với tờ tin nhanh báo giấy, vẫn đều đặn ra các số tin nhanh với chất lượng hình ảnh và bài viết có đầu tư kĩ lưỡng.

Và dĩ nhiên, chúng vẫn được rất nhiều người hâm mộ đón nhận và trân trọng. Dù sự phát triển của công nghệ giúp mọi người có thể theo dõi thông tin mới nhất trên điện thoại hay máy tính, nhưng tôi tin những tờ tin nhanh vẫn có chỗ đứng trong lòng người hâm mộ. Còn gì vui bằng mỗi sáng ta bỏ vài ngàn đồng cho tờ báo, vừa theo dõi những tin tức nóng hổi nhất từ trận đấu đêm qua, vừa nhâm nhi cà phê với bạn bè và tán dóc về những đội bóng. Đơn giản, đó là một "món đặc sản" rất Việt Nam.

Giang Phạm

VietnamNet

Tin nổi bật