Tạm biệt Trường Sa - tôi càng thêm trân trọng nghề báo
(ICTPress) - Trường Sa là chuyến công tác đặc biệt đối với mỗi nhà báo. Nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6/2012, ICTPress giới thiệu đến bạn đọc, đồng nghiệp một bài viết của một nhà báo viết về nghề không phải để “khen nhau” mà như là một dịp để trao đổi nghiệp vụ.
Tạm biệt Trường Sa, tôi càng thêm trân trọng nghề báo mà mình theo đuổi, cái nghề mà nhờ nó chúng tôi có thể giúp cho người khác tin yêu những gì mình tin yêu, nhất là khi sự tin yêu ấy thật cao cả bởi chúng ta cùng nhìn về một hướng.
Trước khi ra Trường Sa, tôi tìm đọc báo chí viết về Trường Sa của lớp lớp đồng nghiệp đi trước, vừa để có những hiểu biết cơ bản, vừa để tránh lặp lại những gì họ đã viết. Càng đọc càng thấy… lo lắng, vì Trường Sa là khu vực thông tin ưu tiên của tất cả các báo, nên đã được khai thác kỹ lắm rồi, không biết mình còn gì để viết ?! Khi lên tàu, lại “choáng” vì chuyến này có tới hơn ba mươi nhà báo, nhà văn. Ấy là mới có một đoàn công tác, còn mười mấy đoàn ra Trường Sa mùa này nữa, thì nhà báo có mà… “đông hơn quân Nguyên”! Chúng tôi bảo nhau: Thế này thì gay rồi, đụng hàng chan chát cho mà xem!
Bây giờ ngồi đọc lại những gì các nhà báo có mặt trên tàu HQ 996 chuyến ấy viết, mới thấy hóa ra là không phải vậy. Bài viết nào cũng chân thực và giàu cảm xúc nhưng lại không mấy “đụng hàng”, bởi ai cũng chọn cho mình một góc nhìn riêng, vì thế mà vẫn đảo ấy, người ấy nhưng lạ mà quen, quen mà… vẫn lạ!
Đông nhất là đoàn nhà báo thuộc Liên chi hội nhà báo Bộ Thông tin và Truyền thông, 8 người. Đông và rất có kỷ luật. Có lịch chính thức được đi Trường Sa, cũng là lúc họ rủ nhau đóng góp tiền mua quà tặng chiến sĩ. Quà của họ là những chiếc điện thoại cùng với một cơ số sim, thẻ Viettel. Lên tàu, họ phân công nhau viết, thường xuyên nhắc nhau xem bài vở ra sao. Nhà báo Lan Phương trực trang thông tin ictpress.vn của Liên chi hội, ban đầu đã làm tôi… cười mát, vì sự mẫn cán, chỉn chu quá mức. Ra đảo, Phương cũng xông xáo lắm, phỏng vấn bộ đội suốt. Nhưng ngủ hay đi vắng thì thôi, thức dậy là tôi lại thấy Phương nhăn nhó, loay hoay với máy tính, ảnh ọt. Tôi đã nghĩ thầm, “cái trang web con con có gì mà quan trọng chứ!”. Lên bờ, đọc những gì Phương viết, tôi mới thấy mình thật không phải. Phương đã lao động rất nghiêm túc, trách nhiệm đến từng con chữ, bằng sự yêu thương đầy tôn kính với biển và người Trường Sa.
Nhà báo Kiên Trung, tác giả của những phóng sự điều tra nổi tiếng trên báo điện tử VietNamNet cũng là thành viên của đoàn. Tôi có một kỷ niệm với Kiên Trung. Ngày 21/4, tàu ra đảo chìm Đá Lát. Thăm cán bộ chiến sĩ trên đảo khoảng hai giờ, sau đó chúng tôi trở lại Trường Sa Lớn. Tàu chạy chừng 20 phút, bỗng có lệnh dừng lại để chờ một nhà báo. Đó là Kiên Trung, do mải tác nghiệp đã bị rớt lại đảo, xuồng cao tốc phải đuổi theo tàu, đưa về. Lên tàu, Kiên Trung tìm đến tôi với một hộp các tông khá to, nói là “Các anh ở đảo Đá Lát gửi tặng chị”. Đó là một cây san hô hình trái tim đẹp và lạ nhất mà tôi được thấy. Trở về đất liền, Kiên Trung khiến độc giả bị cuốn theo một loạt phóng sự về Trường Sa. Từ những chuyện rất đời thường như: cây xanh, nước ngọt, họa sĩ vẽ về đảo, sư thầy ra đảo, lễ Phật đản ở Trường Sa, những chú chó ở Đá Lát, đôi chim bồ câu ở Đá Tây,… qua tay Kiên Trung, đều sống động và đầy cảm xúc. Đồng nghiệp í ới gọi nhau đọc rồi trầm trồ: “Cùng đi với mình, mà sao nó quan sát nhanh, viết tài thế nhỉ?”
Kíp nhà báo của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) có 3 người, phụ trách là biên tập viên Diệp Anh của VTV1. Bên ngoài, nhìn Diệp Anh đẹp hơn trên màn hình, nhưng đẹp nhất có lẽ là lúc chị… đứng rán liền 200 cái nem trong bếp, mồ hôi mồ kê nhễ nhại và cười rất tươi! Diệp Anh cũng như nhiều chị em trong đoàn công tác, lúc rảnh là lại xuống bếp giúp tổ phục vụ. Đoàn của VTV làm việc rất chuyên nghiệp, có kịch bản được chuẩn bị trước, nên ghi hình phát sóng được nhiều chương trình hay. Cũng rất chuyên nghiệp là đoàn của Đài tiếng nói Việt Nam (VOV). Hai phát thanh viên của chương trình VOV giao thông bám sát kênh sóng của nhà đài, hễ khi nào bắt được sóng là họ lại tổ chức phát thanh trực tiếp, khi thì tại đảo, khi thì trên tàu. Hạnh phúc nhất vì được VOV đưa hẳn một chương trình lên sóng, đó là cô văn công trẻ tên Quyên (Đoàn Đà Nẵng) và anh Tuấn (Đoàn Đảng ủy ngoài nước) cùng sinh ngày 24/4. Chương trình chúc mừng sinh nhật được tổ chức trên boong tàu, nối sóng VOV truyền đi cả nước.
Các phóng viên báo ngày, báo mạng thường là những người có cường độ làm việc cao nhất, vừa đi vừa viết bài gửi về theo tinh thần “ngay và luôn”, như Ngọc Khôi (Báo Bưu điện), Hoàng Liên Sơn (TTXVN). Nhưng tranh thủ mọi khả năng để lấy được nhiều thông tin nhất về Trường Sa là điều mà ai cũng tâm niệm, vì thế các nhà văn làm báo cũng rất chịu khó xông xáo, bởi không nói ra nhưng ai cũng nghĩ: ra Trường Sa là một may mắn, biết bao giờ mình được may mắn lần nữa?
Vậy mà có những nhà báo liên tục may mắn, khiến chúng tôi phải ghen tị. Nổi tiếng vì nhiều lần đi Trường Sa nhất - 13 lần, là Đại tá, NSƯT, nhà báo Chi Phan, Phó Tổng biên tập báo Cựu chiến binh. Đến đảo nào ông cũng kể vanh vách về đặc điểm của đảo ấy. Tuổi ngoại lục tuần mà ông đi thoăn thoắt, tác nghiệp còn nhanh nhạy hơn nhiều nhà báo trẻ. Vậy mà ông vẫn bảo: "Cứ đi rồi về mới thấy mình vẫn còn nhiều chuyện chưa thể nói hết được".
Với nhà báo Lưu Quang Phổ (Báo Thanh Niên), đây là chuyến thứ 3 ra Trường Sa. Anh kể: Lần đầu ra năm 1996, Trường Sa lớn vẫn là một đảo nổi mênh mông cát trắng và đá san hô, dăm cây bàng vuông trơ trọi trước nhà chỉ huy đảo. Lính đảo thì khó khăn muôn bề, nhìn ai cũng thấy khắc khổ vì dãi dầu sóng gió, đến bộ quân phục đón khách cũng không mấy tươm tất. “Lần ấy, tàu gặp bão trên đường về. Gió cấp 9, sóng cấp 10, tàu nghìn tấn hụp lên hụp xuống, có lúc chân vịt quay ù ù trong không khí, mình tưởng không còn quay về nữa”. Năm 2007 anh ra Trường Sa lần thứ 2. Kỷ niệm nhớ đời của anh chuyến này là do sóng lớn làm xô lắc tàu, chiếc laptop rơi xuống sàn, tiêu luôn toàn bộ dữ liệu và hình ảnh chuyến đi. Rất nhiều tháng sau đó mới cứu được một phần dữ liệu, còn lại thì hỏng cả.
Lần này, ấn tượng nhất của anh là cả đảo đã được phủ trong màu xanh mát rượi, nhà cửa mọc lên san sát, yên bình. Người cũng như đảo, bớt vất vả hơn nên đẹp hơn xưa nhiều lắm. Anh bảo, hình ảnh thú vị nhất mà anh “săn” được là một con cò trắng trên đảo Trường Sa Lớn. Tôi nhớ chú cò ấy. Chiều 21/4, sau một cơn mưa dông bất chợt, những vòm cây xanh mướt óng ả, một đôi cầu vồng hiện ra lộng lẫy ngay phía trên mái chùa. Bầy gà, vịt lục tục kiếm mồi quanh những gốc cây, chú lợn đen trũi nhà ai ụt ịt dũi đất. Bỗng từ đâu đó bay về một chú cò trắng. Cò ta đáp xuống, rồi sải bước trên dải cỏ xanh rìa đường băng, thong thả, bình thản như một công dân của đảo. Chúng tôi đã thảng thốt chạy theo, bấm máy lia lịa trong cảm xúc mới về một Trường Sa đất lành, rất đỗi thanh bình.
Các đồng nghiệp mà tôi gặp trong chuyến đi này đều cho tôi những ấn tượng đẹp về lòng yêu nghề, sự nghiêm túc và chuyên nghiệp trong quá trình khai thác và xử lý thông tin, để có được những tác phẩm báo chí hay nhất về Trường Sa gửi đến bạn đọc.
Nói về sự chuyên nghiệp, tôi sẽ không giấu một câu chuyện đáng xấu hổ của mình.
Chuyện là, khi đang ngồi xuồng từ đảo Đá Tây về tàu, lênh đênh dưới nắng trưa chói chang, táy máy thế nào với cái máy ảnh mang theo, mà tôi xóa mất toàn bộ ảnh chụp ở Trường Sa Lớn, Đá Lát, Đá Tây. Tiếc ngẩn ngơ và tự giận mình không thể tả! Đồng nghiệp vội dặn tháo ngay thẻ nhớ ra cất luôn đi, chừng nào về đất liền thì mang đi phục hồi. Hôm sau, nhà báo Ngọc Khôi (Báo Bưu điện) cho mượn một cái thẻ nhớ khác. Hân hoan lắp thẻ vào máy ảnh, vội theo đoàn lên đảo Phan Vinh. Rút máy ra chụp được 2 kiểu thì ôi thôi, máy hết pin! Thế là suốt hai tiếng trên đảo, tôi chỉ có thể tác nghiệp với sổ và bút. Khi về đất liền, tôi mang thẻ nhớ đi cứu trợ nhưng chỉ được một phần, còn thì hỏng gần hết.
Làm chủ các phương tiện, chuẩn bị tốt về mọi mặt trước khi tác nghiệp - những bài học sơ đẳng vốn được dạy cho sinh viên mới học nghề, vậy mà tôi đã quên! Sự thiếu cẩn trọng đã cho tôi một bài học nhớ đời.
Điều phần nào an ủi tôi sau đấy, là đã mang được tờ báo Văn nghệ Thái Nguyên ra tặng các chiến sĩ ngoài đảo. Tờ báo đặc biệt có ý nghĩa với một người con của quê hương Phúc Thuận, Phổ Yên trên đảo Thuyền Chài. Đại úy Triệu Tiến Huy dân tộc Dao, sinh năm 1979, là Chính trị viên của đảo. Huy học trường Sĩ quan Lục quân 1, được điều về Vùng 4 Hải quân công tác. Xung phong ra Trường Sa từ năm 2008, vợ con hiện ở Cam Ranh, Khánh Hòa. Gặp tôi, Huy mừng lắm, vì lâu lâu mới gặp được đồng hương. Nói chuyện được ít câu đã phải chia tay, Huy bùi ngùi hẹn cuối năm về phép sẽ lên chơi với tôi và Tòa soạn Báo, bởi hàng năm được nghỉ phép lên bờ, Huy đều về thăm bố mẹ già. Tạm biệt Huy, tôi hứa một ngày gần nhất sẽ đến đất chè Phúc Thuận thăm gia đình Huy.
Cây san hô được bộ đội Đá Lát tặng khiến tôi vừa mừng rỡ vừa lo lắng, vì không biết làm thế nào để mang về mà không bị vỡ hay sứt mẻ. Nhưng tổ phục vụ trên tàu đã giúp tôi. Các bạn dùng xốp và giấy vệ sinh chèn thật chặt, buộc thật kỹ. Lên tàu, xuống nhà khách, ra sân bay, đều một tay các chiến sĩ hải quân bê giúp. Và tôi đã mang được món quà quý giá ấy về nhà tuyệt đối an toàn. Bây giờ, cứ mỗi lần ngắm trái tim san hô độc đáo ấy, trong tôi lại dào lên những cơn sóng biển, lại cồn cào nỗi nhớ Trường Sa.
Tạm biệt đảo Núi Le B |
Xuất phát trước chúng tôi một ngày là đoàn của đại biểu các tôn giáo và người Việt ở nước ngoài, trong đó có nhiều nhà báo hải ngoại. Xem trên các trang Viet Weekly, Phố Bolsa TV, thấy thông tin và hình ảnh về phần lãnh thổ, lãnh hải xa xôi nhất của đất nước hiện lên đẹp và thiêng liêng vô cùng qua con mắt của các nhà báo ở xa Tổ quốc, càng thấy tinh thần dân tộc, tình nghĩa đồng bào không phân chia biên giới.
Và càng thêm trân trọng nghề báo mà mình theo đuổi, cái nghề mà nhờ nó chúng tôi có thể giúp cho người khác tin yêu những gì mình tin yêu, nhất là khi sự tin yêu ấy thật cao cả bởi chúng ta cùng nhìn về một hướng.
Hướng ấy, là Tổ quốc.
Hướng ấy, là Vạn Lý Trường Sa.
Nguyễn Thúy Quỳnh
Tổng Biên tập Báo Văn nghệ Thái Nguyên