Đào tạo đội ngũ làm công tác báo chí, xuất bản, truyền thông phải gắn liền với thực tiễn

Ngày 21/9, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dẫn đầu đoàn công tác đến thăm và làm việc với Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) về công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực làm công tác báo chí, xuất bản, truyền thông.

Quang cảnh buổi làm việc.

Theo Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, trong 5 năm gần đây, từ năm 2018 đến nay, nhà trường đã tuyển sinh các ngành/chuyên ngành liên quan đến hoạt động thuộc lĩnh vực tuyên giáo, báo chí, xuất bản, truyền thông.

Cụ thể, từ năm 2018 đến năm 2022, kết quả tuyển sinh đại học đạt hơn 4.480 sinh viên. Mức độ tuyển sinh tăng đều cho các năm, trong đó nhóm ngành Báo chí, Truyền thông đa phương tiện và Quan hệ quốc tế là nhóm tuyển sinh tiềm năng và có sức hút của nhà trường hiện nay.

Về trình độ thạc sĩ, nhà trường đã tuyển sinh các ngành/chuyên ngành Báo chí học, Quan hệ quốc tế, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Triết học, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Khoa học chính trị, Văn học Việt Nam… Kết quả tuyển sinh trong 5 năm qua đạt hơn 420 học viên.

Đối với trình độ tiến sĩ, trong 5 năm qua, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn tuyển sinh các ngành/chuyên ngành về Chủ nghĩa duy vật biện chứng và Chủ nghĩa duy vật lịch sử; Triết học... được 79 chỉ tiêu.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn phát biểu tại buổi làm việc.

Theo nhận định của các đại biểu, công tác đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực báo chí, xuất bản, truyền thông của nhà trường đã đạt được nhiều kết quan trọng.

Qua đó, trường cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực bảo đảm về số lượng và chất lượng trong lĩnh vực này; bước đầu hình thành được đội ngũ nhân lực làm công tác báo chí, xuất bản, truyền thông có năng lực, trình độ chuyên môn cao, có nhận thức chính trị tốt.

Đồng thời, định hình mô hình đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực lĩnh vực báo chí, xuất bản, truyền thông của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực báo chí, xuất bản, truyền thông trong những năm qua cũng có một số hạn chế, bất cập.

Cụ thể, lĩnh vực báo chí, xuất bản, truyền thông là lĩnh vực đặc thù, nhưng cho đến này chưa có chính sách riêng để đầu tư phát triển lĩnh vực đặc thù này. Do đó, chưa tạo được điều kiện thuận lợi cho nhà trường trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực cho xã hội.

Đầu tư cho cơ sở vật chất và các nguồn lực khác cho nhà trường còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, vị thế và chiến lược phát triển của nhà trường...

Kiến nghị với Đoàn công tác, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo hỗ trợ nhà trường đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho đào tạo trong chuyển đổi số, xây dựng các phòng thực hành ứng dụng công nghệ mới.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại buổi làm việc.

Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa nội dung giảng dạy về an toàn thông tin mạng, thẩm định tin tức, cách ứng xử có trách nhiệm trên mạng xã hội vào nội dung giáo dục công dân cho học sinh phổ thông...

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá cao công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực làm công tác báo chí, xuất bản, truyền thông của Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn.

Đồng chí lưu ý, công tác quản lý, đào tạo của nhà trường phải bảo đảm gắn liền với thực tiễn, thực tiễn gắn liền với đào tạo để tạo ra đội ngũ những người làm công tác thông tin, tuyên truyền đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin chuẩn xác, kịp thời đến công chúng.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng cho rằng, công tác báo chí, xuất bản và công tác đào tạo chuyên ngành báo chí, xuất bản và truyền thông cần phải được quan tâm nhiều hơn trong thời kỳ mới.

Về đổi mới chương trình đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện khung chương trình chuẩn, và mỗi đơn vị đào tạo sẽ căn cứ điều kiện cụ thể để thực hiện công tác đào tạo, tăng cường tính thực tiễn cho đội ngũ sinh viên chuyên ngành báo chí, xuất bản…

Nguồn: CAO TÂN/nhandan.vn

https://nhandan.vn/dao-tao-doi-ngu-lam-cong-tac-bao-chi-xuat-ban-truyen-thong-phai-gan-lien-voi-thuc-tien-post773621.html

Tin nổi bật