Trang mạng China Daily đăng bài viết có tựa đề "Thủ tướng Chính phủ Việt Nam thăm Trung Quốc: Tiếp tục đà phát triển tốt đẹp của quan hệ hai nước, đưa hợp tác chiến lược toàn diện đi vào chiều sâu, thiết thực", nhấn mạnh, đây là chuyến thăm chính thức Trung Quốc đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính, cũng là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đến Trung Quốc trong 7 năm qua, tiếp nối sự trao đổi thường xuyên giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước.
Bài báo dẫn ý kiến Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết, Việt Nam là nước láng giềng xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc, thành công của chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hồi cuối năm ngoái đã mở ra trang mới cho quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung Quốc-Việt Nam trong kỷ nguyên mới.
Từ đầu năm đến nay, lãnh đạo cấp cao hai nước thường xuyên trao đổi, tiếp xúc, giao lưu và hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương được khởi động trở lại, góp phần từng bước thực hiện những nhận thức chung cấp cao.
Bà Mao Ninh cho biết, chuyến thăm là dịp để hai bên trao đổi các ý tưởng và biện pháp thực hiện những nhận thức chung đạt được giữa lãnh đạo cao nhất của hai Đảng, đi sâu hợp tác, tăng cường kết nối, ổn định chuỗi sản xuất và cung ứng...
Tờ Tin tức Shangguan (Shanghai Observer) đăng bài phân tích ý nghĩa chuyến thăm Trung Quốc và dự Hội nghị WEF của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng 3 nước: Barbados, Mông Cổ và New Zealand; cho rằng, chuyến thăm của người đứng đầu chính phủ 4 quốc gia tập trung vào chủ đề "phát triển" trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, nhằm tìm ra phương hướng đúng đắn cho quản trị kinh tế toàn cầu, mang lại sự chắc chắn cho một thế giới đầy bất ổn.
Về chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, tờ báo cho biết, Việt Nam là nước láng giềng xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc. Sau Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm Trung Quốc.
Chuyến thăm Trung Quốc lần này của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam sẽ góp phần củng cố sự tin cậy chính trị giữa hai nước, thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực, đưa quan hệ hai nước đi vào chiều sâu, thực chất.
Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Trung Quốc Lưu Khanh
Bài báo dẫn ý kiến ông Lưu Khanh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Trung Quốc, nhận định, Việt Nam là thành viên quan trọng của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), tin tưởng chuyến thăm Trung Quốc lần này của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam sẽ góp phần củng cố sự tin cậy chính trị giữa hai nước, thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực, đưa quan hệ hai nước đi vào chiều sâu, thực chất.
Còn theo ông Phó Mộng Tư, chuyên gia nghiên cứu của Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế hiện đại Trung Quốc, Việt Nam có thể cùng Trung Quốc trao đổi về các khó khăn và bài toán cần giải quyết trên con đường chuyển đổi, hiện đại hóa.
Trước những lợi ích và bài toán trong quá trình chuyển đổi chuỗi ngành nghề công nghiệp, việc tăng cường hợp tác và trao đổi giữa Trung Quốc và Việt Nam, góp phần xác định vị trí phù hợp trong cấu trúc ngành nghề, công nghiệp của khu vực.
Về việc tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của WEF (còn được gọi là Diễn đàn Davos mùa hè), các chuyên gia Trung Quốc cho biết, Việt Nam và Barbados, Mông Cổ và New Zealand phần lớn là các quốc gia nằm ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Việc người đứng đầu chính phủ các nước châu Á-Thái Bình Dương, khu vực đi đầu trong phục hồi kinh tế hiện nay, tham dự diễn đàn Davos mùa hè, sẽ góp phần tìm ra con đường phát triển kinh tế giai đoạn hậu đại dịch Covid-19, định hình lại động lực tăng trưởng, tạo ra sự bền vững và năng lượng tích cực cho nền kinh tế toàn cầu.