Người lính kể chuyện cuộc chiến đấu bảo vệ biên cương năm 1979

Tiếng vọng đèo Khau Chỉa”, cuốn sách của tác giả, bác sĩ Nguyễn Thái Long kể về những ký ức chiến đấu của ông và đồng đội trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc hơn 40 năm trước, vừa được Nhã Nam và Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam ấn hành.

Cuốn "Tiếng vọng đèo Khau Chỉa". (Ảnh: Nhã Nam)

Đèo Khau Chỉa nằm cách cửa khẩu Tà Lùng trên biên giới Việt-Trung khoảng hơn 10km. Án ngữ trên quốc lộ 3 dẫn từ biên giới với Trung Quốc về trung tâm tỉnh Cao Bằng, rồi từ đó tiến sâu vào Việt Nam, đèo Khau Chỉa trở thành một tuyến phòng ngự quan trọng trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc tháng 2/1979. Đèo Khau Chỉa vì thế là chứng tích không phai ghi dấu những chiến công cùng sự hy sinh oanh liệt của những người lính và nhân dân tỉnh Cao Bằng mùa xuân hơn 40 năm trước.

Tác giả Nguyễn Thái Long là một người lính từng trực tiếp tham gia chiến đấu trên mặt trận Khau Chỉa, Cao Bằng, khi đó là y sĩ Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 567 (Trung đoàn Phục Hòa-Khau Chỉa). Những câu chuyện trong cuốn sách được kể lại hết sức chân thực và sống động nhờ sự kết hợp giữa quan sát của cá nhân tác giả với lời kể của những đồng đội của ông năm xưa cùng tham gia chiến đấu. Trong nhiều năm sau chiến tranh, tác giả Nguyễn Thái Long đã dành nhiều công sức để gặp gỡ, lắng nghe và ghi chép nhiều thông tin, tư liệu từ đồng đội mình. Họ chính là những nhân chứng sống về cuộc chiến đấu.

Tác giả Nguyễn Thái Long tại buổi ra mắt sách.

Ký ức hơn 40 năm về trước trong tâm trí tác giả Nguyễn Thái Long không chỉ chát chúa tiếng súng đạn mà còn đầy vẻ bình yên và thơ mộng của non nước vùng biên. Rải rác trong toàn bộ cuốn sách là những hình ảnh mềm mại, những trang văn thiết tha cảm xúc trữ tình. Đó là vẻ đẹp khó cưỡng của hoa dã quỳ một sáng mùa thu nở bừng sắc vàng rực rỡ, là những bụi cỏ tranh sắc lẹm mọc trên khô cằn sỏi đá, thân mảnh mai nhưng kiên cường trong mưa sa gió táp, là những đêm đông ấm sực bên bếp lửa nhà sàn của những gia đình đồng bào dân tộc. Thậm chí ngay giữa cái ớn lạnh trong cuộc phá vây vượt đường số 4 luôn luôn rình rập bị địch phục kích, tác giả vẫn kịp mềm lòng “khi nhìn thấy những cánh hoa đào nở muộn bên suối lung linh trong ánh nắng sớm mai”.

Tác giả Nguyễn Thái Long không đơn thuần là người ghi lại các thông tin, sự kiện khô cứng theo cách thức của một người viết sử. Ông kể bằng cảm xúc câu chuyện của mình, câu chuyện của những đồng đội mình, qua đó tái hiện lịch sử trong tâm thế của một người trong cuộc vẫn còn nguyên vẹn những ký ức năm xưa. Chính vì thế, cuốn sách “Tiếng vọng đèo Khau Chỉa” có khả năng chạm đến tình cảm của người đọc, và từ đó có một ý nghĩa đặc biệt với thế hệ trẻ hôm nay khi nhìn về cuộc chiến đấu của cha anh.

 

Nói về cuốn sách, PGS, TS Lê Văn Cương, Thiếu tướng Công an nhân dân Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Bộ Công an nhận xét: "Nguyễn Thái Long đã tái hiện trung thực các sự kiện đến từng chi tiết nhỏ, kể lại những suy tư và hành động dũng cảm vô song của các sĩ quan, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, của đồng bào các dân tộc trên mặt trận Cao Bằng-Hà Giang. Cuốn sách không chỉ đem đến cho tôi những ký ức cảm động trào nước mắt, mà còn cung cấp những tư liệu lịch sử đặc sắc và độc đáo".

Tác giả Nguyễn Thái Long, sinh năm 1955, quê tại phường Dĩnh Kế, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang. Năm 1972, ông nhập ngũ rồi học y sĩ trong quân đội. Năm 1975, ông ra trường, được điều về Trung đoàn 567. Năm 1976, ông cùng đơn vị được điều lên Cao Bằng làm kinh tế và tham gia chiến đấu tại biên giới phía bắc năm 1979. Năm 1987, ông chuyển ngành làm bác sĩ chuyên ngành Tâm thần, sau làm Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh Bắc Giang. Ông nghỉ hưu năm 2015.

Buổi ra mắt sách thu hút đông đảo các cựu chiến binh, đồng đội của tác giả tham dự.

Nguyễn Thái Long là người nặng lòng với những đồng chí, đồng đội từng cùng mình sát cánh chiến đấu gian khổ. Ông cũng ấp ủ mong muốn thu hút, khơi gợi sự quan tâm, hiểu biết của thế hệ trẻ hôm nay. Chính vì thế, cuốn sách là cách ông hiện thực hóa mong muốn của mình, không chỉ kể lại những câu chuyện của ký ức, mà còn là sự tưởng nhớ, lòng biết ơn với những người đã ngã xuống.

https://nhandan.vn/nguoi-linh-ke-chuyen-cuoc-chien-dau-bao-ve-bien-cuong-nam-1979-post739267.html

Tin nổi bật