Cuối năm 2022, người dân ở miền núi Bắc Kạn mừng vui khi biết tin cô gái Tày nhỏ nhắn Hà Lệ Diễm có bộ phim “Những đứa trẻ trong sương” (Children of the Mist) nằm trong danh sách rút gọn 15 phim tài liệu xem xét đề cử tranh giải Oscar lần thứ 95 (năm 2023).
|
Hà Lệ Diễm chia sẻ về quá trình làm phim “Những đứa trẻ trong sương” tại Liên hoan phim IsReal tại Italia, phim đã đạt giải Nhất tại liên hoan này. |
Đây là lần đầu tiên Việt Nam có phim lọt đến Top 15 của giải thưởng Điện ảnh danh giá này.
Những miền mây trắng
Tôi gọi con đường Diễm đang đi là “hành trình trong sương” bởi lẽ Diễm là nhà làm phim độc lập, tự bươn chải với đam mê, nhận nhiều sự thiếu tin tưởng đôi khi từ chính người thân trong gia đình. Và cũng bởi đề tài phim của Diễm thường gắn với những vùng cao sương trắng, ẩn khuất trong đó là những số phận đang muốn vươn lên.
Diễm, sinh ra ở thôn Bản Bung, xã Dương Quang, thành phố Bắc Kạn (Bắc Kạn). Bản vùng cao quanh năm mây trắng bao phủ có lẽ là nền tảng để khi bắt tay với “nghiệp” phim, Diễm luôn lựa chọn những đề tài về dân tộc, vùng cao. Năm 2009, Diễm theo học Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) với ước mơ ban đầu rất đơn giản, đó là trở thành một nhà báo. Bản thân Diễm chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm phim, thậm chí còn trở thành đạo diễn.
|
Chân dung đạo diễn phim độc lập Hà Lệ Diễm. |
Cơ duyên đến rất tình cờ khi vào năm học thứ hai, Diễm được các bạn rủ lên Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển tài năng điện ảnh (TPD) học miễn phí. Qua ba vòng thi, Diễm thi đỗ và ý định làm phim bắt đầu nhen nhóm từ đây. Lựa chọn làm phim độc lập của Diễm bị người thân và bạn bè phản đối rất nhiều nhưng cuối cùng, người ủng hộ Diễm nhất chính là mẹ cô. Biết Diễm làm phim độc lập kinh tế không ổn định, mẹ lặng lẽ gửi tiền lên chu cấp như thời sinh viên.
Miền mây trắng đầu tiên mà Diễm chọn làm phim đầu tay không đâu khác chính là quê hương Bắc Kạn. Phim đó Diễm đặt tên là “Con đi trường học”, một mình Diễm đảm nhiệm tất cả các vai trò: sản xuất, đạo diễn, quay phim, dựng phim... với máy quay là chiếc máy ảnh Canon 550D.
Bộ phim là cuộc sống của một phụ nữ người Dao bị HIV, một mình nuôi con. Cứ đến cuối tuần, Diễm bắt xe từ Hà Nội về Bắc Kạn, lội suối đến căn nhà mái lá cheo leo và đơn độc giữa rừng núi của nhân vật. Diễm cùng ở, cùng ăn những bữa cơm trắng với măng xào, nộm ớt và nghe người phụ nữ cô độc kể chuyện đời mình, để thấy cả niềm tin yêu và hy vọng sống dồn vào đứa con trai duy nhất. “Con đi trường học” nhận giải Cánh diều bạc (không có Cánh diều vàng) tại lễ trao giải Cánh diều năm 2013 ở hạng mục phim ngắn.
Diễm nói với tôi: “Dù phim “Những đứa trẻ trong sương” là rất thành công nhưng đối với tôi phim “Con đi trường học” cũng chính là khởi đầu cho con đường trở thành đạo diễn phim và mong muốn làm được những bộ phim hay nhất.”
|
Hà Lệ Diễm (thứ hai từ trái qua) chia sẻ về làm phim tại Trung tâm Văn hóa Nhật Bản. |
Hành trình trong sương
Bốn năm ròng rã đi lại từ Hà Nội đến Sa Pa (Lào Cai) là thời gian để Diễm hoàn thành phim “Những đứa trẻ trong sương”. Diễm kể: “Em quay phim từ năm 2017 nhưng mãi đến khoảng 2019 mới phải quyết định đặt tên phim là gì. Em và bạn có nghĩ ra vài cái tên và cuối cùng bọn em chọn "Children of the Mist", tên tiếng Việt là "Những đứa trẻ trong sương".
Diễm lý giải thêm, trong phim thì sương mù cũng là một nhân vật mang nhiều trạng thái khác nhau. Lúc chọn tên phim Diễm cũng nhớ lại kỷ niệm hồi em đi học cấp một. Nhà em ở cách trường khá xa và phải đi bộ tới trường một mình qua con đường mòn nhỏ rất vắng, mùa đông rét đậm, sương muối và sương mù như che kín đường. Những đứa trẻ cùng Diễm đi các đôi dép tổ ong mòn vẹt đến lớp. Diễm nhớ lại: “Em nhận ra nếu em cứ bước dần về phía trước thì sương mù sẽ loãng ra và có thể thấy con đường phía trước từng chút một. Vì dấu ấn đó nên tên phim cũng chính là cảm giác của em lúc nhỏ khi lần đầu nhìn thấy màn sương mù”.
“Những đứa trẻ trong sương” với độ dài khoảng 100 phút của Diễm kể về cuộc sống của Di, một bé gái 12 tuổi người H’Mông sống tại Sa Pa. Di muốn đi học, nhưng sinh ra ở nơi có tục bắt vợ. Bộ phim kể về quá trình đổ vỡ của thế giới tuổi thơ và hành trình đơn độc trở thành người lớn của Di… Nội dung, hình ảnh của phim đã chạm tới đáy lòng của tất cả những ai đã được xem và thậm chí chỉ nghe kể cũng không khỏi xao lòng, đồng cảm với tuổi thơ vụn vỡ của bé gái người dân tộc H’Mông trên Sa Pa.
|
Hà Lệ Diễm trong một lần đến châu Âu. |
Có lẽ vì những dấu ấn đó, trong làng phim Việt Nam hai năm qua, dù là đạo diễn chưa tên tuổi, mới bỡ ngỡ, rụt rè bước vào thế giới làm phim nhưng phim “Những đứa trẻ trong sương” của Diễm là phim tài liệu nổi bật của Việt Nam. Phim được đưa đi chiếu tại các sự kiện điện ảnh ở nhiều quốc gia như Mỹ, Pháp, Úc, Mexico, Kosovo, Singapore, Campuchia, Italia... “Những đứa trẻ trong sương” được đề cử nhiều giải quốc tế, đoạt giải Phim quốc tế hay nhất tại DocAviv và Đạo diễn xuất sắc nhất tại IDFA (Liên hoan phim tài liệu quốc tế Amsterdam).
“Khi thấy phim từ danh sách 144 phim đủ điều kiện vào danh sách rút gọn 15 phim xem xét đề cử Oscar em đã rất bất ngờ. Em cũng quen vài bạn có phim trong danh sách và biết dự án của các bạn từ năm 2019, hiểu rõ tiềm lực hùng hậu của các bạn. Thực sự em có cảm giác phim của mình như một chú “cá con” giữa một bầy "cá mập" vậy”, Diễm chia sẻ.
Phần lớn khán giả bị mê hoặc với cảnh trong phim, khâm phục đạo diễn Hà Lệ Diễm ở hành trình làm phim độc lập. Chia sẻ về những dự án mới, Diễm cho biết: "Em sẽ khảo sát, lên kế hoạch làm phim tại Tây Nguyên, miền Trung và miền Tây sông nước. Em hy vọng sẽ sớm tìm được nhân vật và hình ảnh khiến mình cảm thấy cảm động và mong muốn làm phim về nhân vật đó".
Hành trình để có phim đủ điều kiện dự giải thưởng uy tín của Diễm, thậm chí đã lọt Top 15 và có thể tiến xa hơn giống như một bộ phim. Một cô gái dân tộc Tày đến từ một bản vùng cao, ở một tỉnh miền núi nghèo nhất nước, có thể theo đuổi đam mê, đạt được thành công, chạm tới cảm xúc người xem khi mới chỉ là đạo diễn trẻ tuổi, làm phim độc lập xứng đáng là một “bộ phim của đời”.
Nguồn: TUẤN SƠN/nhandan.vn
https://nhandan.vn/bo-phim-doi-cua-co-gai-tay-bac-kan-post735720.html