"Báo chí đã tạo sức ép để nhanh chóng điều tra vụ án"
Theo đại tá Nguyễn Tiến Trình (Phó cục trưởng Cục chính trị - Hậu cần cảnh sát phòng chống tội phạm), vụ Vinashin là ví dụ điển hình về việc báo chí đã tạo sức ép cho cơ quan chức năng nhanh chóng điều tra, xử lý.
Ngày 14/6, lần đầu tiên Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an) phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội thảo: "Nâng cao vai trò báo chí, truyền thông trong phòng chống tội phạm, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước".
Theo Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thế Kỷ, để hoàn thành tốt nhiệm vụ quan trọng này, sự phối hợp giữa 2 lực lượng là cần thiết và phải thường xuyên hơn. Mỗi nhà báo cần truyền đạt thông tin chính xác, có định hướng và nhân văn.
Tại hội thảo, nhiều nhà báo cũng như các nhà nghiên cứu nhìn nhận báo chí là kênh quan trọng để đấu tranh, triệt phá tội phạm. Từ đây, nhiều vụ việc đã được cơ quan điều tra vào cuộc, phát hiện vi phạm pháp luật. "Các vụ Khánh trắng, Phúc bồ (Hà Nội), Năm Cam (TP HCM), nếu không có sự hỗ trợ, lên án của công luận chắc chắn sẽ khó xử lý kiên quyết tội phạm...", nguyên phó Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát phòng, chống tội phạm Vũ Hùng Vương dẫn chứng.
Đại tá Nguyễn Tiến Trình (Phó cục trưởng Cục chính trị - Hậu cần cảnh sát phòng chống tội phạm) nhìn nhận, vụ án xảy ra tại tập đoàn Vinashin là ví dụ điển hình cho việc báo chí giúp người dân hiểu hơn về hoạt động kém hiệu quả của một số doanh nghiệp nhà nước. "Nhiều góc cạnh của vụ án được đưa ra phân tích đã tạo sức ép cho cơ quan chức năng nhanh chóng điều tra, xử lý và kêu gọi Chính phủ phải hành động để cải thiện tình trạng này", ông Trình nói.
Thiếu tướng Ngô Tiến Quý, Viện trưởng Khoa học hình sự (Bộ Công an) cho rằng thông tin cung cấp với báo chí phải đảm bảo được định hướng phòng ngừa, ngăn chặn các vi phạm pháp luật. Ảnh: Hà Anh. |
Thừa nhận mặt mạnh của báo chí, song nhiều đại biểu cũng cho biết còn không ít cơ quan chức năng e dè với giới truyền thông. Một cán bộ Cục cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng cho biết, hiện nay không ít cán bộ công an sợ ảnh hưởng bí mật phòng chống tội phạm, nên không cung cấp thông tin để phục vụ công tác tuyên truyền.
Theo vị này nếu báo chí đưa tin quá sớm về nội dung vụ án, có lồng ghép nội dung chủ quan sẽ gây hoang mang dư luận. Việc này có thể sẽ làm lộ lọt thông tin khiến kẻ phạm tội tìm cách đối phó, dễ tạo hoài nghi trong công luận...
Là người bị "quấy" nhiều mỗi khi có các vụ án lớn, thiếu tướng Ngô Tiến Quý (Viện trưởng Viện khoa học hình sự, Bộ Công an) kể, khi giám định vụ nổ xe máy khiến thai phụ chết thảm ở Bắc Ninh có ngày ông nhận cả chục cuộc điện thoại của các nhà báo. Do không phải là cơ quan được phát ngôn, ông đều phải từ chối cung cấp thông tin.
Tướng Quý nhìn nhận, do gặp nhiều khó khăn khi tác nghiệp nên nhà báo thu thập thông tin nhiều khi không chính xác và đầy đủ, thậm chí phiến diện. Điều này là không thể tránh khỏi. "Theo tôi, nên cử cán bộ chuyên trách về công tác tuyên truyền để thường xuyên tiếp xúc với phóng viên, cung cấp thông tin", Viện trưởng gợi ý.
Cùng quan điểm, nhà báo Nguyễn Quang Vũ (Ban biên tập tin trong nước của Thông tấn xã Việt Nam) cho rằng, Bộ Công an cần chỉ đạo kịp thời việc cung cấp thông tin cho báo chí với những vụ án, vụ việc phức tạp nghiêm trọng được dư luận quan tâm. "Khi thông tin được đăng tải sớm, người được hưởng lợi không phải nhà báo, cơ quan điều tra mà chính là độc giả", đại diện Thông tấn xã Việt Nam nêu quan điểm.
Để báo chí, truyền thông có vai trò nhiều hơn trong phòng chống tội phạm, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thế Kỷ cho rằng, cần có nhiều buổi hội thảo, tập huấn cho các phóng viên theo dõi lĩnh vực phòng chống tội phạm. Qua đó, 2 bên sẽ hiểu và giúp nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Hà Anh
(Theo VnExpress)