Báo Mỹ: Việt Nam xứng đáng "có ghế" tại Hội đồng nhân quyền LHQ

Việt Nam tiếp tục được đánh giá cao tại Liên hợp quốc với việc cử cán bộ tham gia phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi. 

Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai tham dự Khóa họp lần thứ 51 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. (Ảnh: Xuân Hoàng/TTXVN)

Báo Washington Times ngày 21/9 đã đăng bài viết trong đó ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025.

Theo bài viết, Việt Nam tiếp tục được đánh giá cao tại Liên hợp quốc với việc cử cán bộ tham gia phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi, là thành viên tích cực trong các cuộc đàm phán nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững ưu tiên của Liên hợp quốc.

Cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 của Việt Nam cũng ghi nhận nhiều kết quả, bao gồm việc cung cấp khẩu trang và thiết bị y tế cho các quốc gia ít được hỗ trợ.

Việt Nam hiện là điều phối viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Hội đồng Nhân quyền. Việt Nam cũng đã hoàn thành Báo cáo quốc gia theo cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ 2 của Hội đồng nhân quyền và đang tiến hành những khuyến nghị cho UPR chu kỳ 3.

Việt Nam cũng đặc biệt quan tâm tới các công ước quốc tế về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Việt Nam hiện là thành viên của 25 công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).

Theo Ban tôn giáo chính phủ, các hoạt động tôn giáo ở Việt Nam ngày càng phát triển rộng rãi. Đến năm 2020, Việt Nam có 43 tổ chức của 16 tôn giáo khác nhau.

Bài viết tổng kết rằng, kể từ khi chính thức trở thành thành viên Liên hợp quốc vào tháng 9/1977, Việt Nam đã đóng góp hiệu quả vào hoạt động của Liên hợp quốc trong xây dựng hòa bình, phát triển và đảm bảo quyền con người.

Tháng 10/2007, Việt Nam lần đầu tiên được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009 với số phiếu thuận 183/190 phiếu bầu. Tỷ lệ ủng hộ Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021 cũng gần như tuyệt đối.

Bên cạnh việc tham gia Hội đồng nhân quyền và Hội đồng Kinh tế-Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC), Việt Nam đã tích cực thúc đẩy các Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, loại bỏ các hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ…

Trong các nhiệm kỳ ủy viên không thường trực của mình, Việt Nam đã tập trung thành công trong việc thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, luật pháp quốc tế, hợp tác giữa Hội đồng Bảo an và các tổ chức khu vực, tái thiết hậu xung đột, xây dựng hòa bình…

Các thành viên Liên hợp quốc nhìn chung công nhận vai trò quan trọng của Việt Nam trong việc thúc đẩy đấu tranh vì độc lập dân tộc, chủ quyền và tự quyết.

Theo bài viết, hành trình thành công của Việt Nam với Liên hợp quốc còn được ghi dấu bằng những bước tiến đáng chú ý trong giai đoạn 1995-1999, trong đó có việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao và thương mại với Mỹ.

Bài viết nhận định một phần trọng tâm trong chính sách mở cửa và gắn kết với thế giới của Việt Nam chính là tâm thế sẵn sàng để có được tiếng nói và vị thế nổi bật hơn tại Liên hợp quốc, được thể hiện rõ nhất qua nỗ lực thành công của Việt Nam khi tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc vào đầu năm 2014.

Bài viết khẳng định việc Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền sẽ góp phần làm sâu sắc thêm sự tham gia của Việt Nam vào hệ thống quốc tế./.

Nguồn: Kiều Trang (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/Utilities/Print.aspx?contentid=820004
Tin nổi bật