Nỗ lực đổi mới, thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ bồi dưỡng đào tạo nghiệp vụ báo chí
Sáng 8/7, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức toạ đàm “Chia sẻ ý tưởng bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí nhằm nâng cao năng lực và trình độ nhà báo trong thời đại chuyển đổi số”.
Phát biểu khai mạc toạ đàm, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Trong những năm qua Hội Nhà báo Việt Nam rất quan tâm đến công tác bồi dưỡng đào tạo, đã đào tạo được 250 khoá đào tạo, duy trì được tần suất các khoá học một cách đều đặn.
Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại tọa đàm. |
"Qua khảo sát các cơ quan báo chí ở địa phương, chúng tôi thấy rằng nhu cầu cần đào tạo là rất lớn. Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí đã tổ chức được những khoá đào tạo đáp ứng được nhu cầu đó. Tuy nhiên môi trường báo chí luôn có nhiều thay đổi, những kỹ năng của người làm báo cũng có thay đổi, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.
Trong bối cảnh thông tin phát triển, việc nâng cao nội dung tác phẩm báo chí rất quan trọng nhưng cách thể hiện, trình bày nội dung ấy sao cho đạt hiệu quả tuyên truyền cao nhất cũng rất quan trọng”, đồng chí Lê Quốc Minh nhấn mạnh.
Nhà báo Lê Quốc Minh: Môi trường báo chí luôn có nhiều thay đổi, những kỹ năng của người làm báo cũng có thay đổi, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay. |
Trình bày tóm tắt hoạt động đào tạo của Trung tâm năm 2020-2021 và 6 tháng đầu năm 2022, Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí Nguyễn Thị Hải Vân cho biết: Trong 2 năm qua và 6 tháng đầu năm 2022 đã tổ chức được 253 khoá học với 7.500 lượt hội viên, được tổ chức cả trực tiếp và trực tuyến, kết hợp cả hai hình thức.
Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ báo chí HNBVN là đã mời được đội ngũ các nhà báo, chuyên gia báo chí có chuyên môn nghiệp vụ, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tâm huyết, nhiều giảng viên luôn bắt nhịp với xu hướng báo chí hiện đại. Ngoài ra, Trung tâm rất chú trọng đào tạo thêm một số nhà báo trẻ có tay nghề vững vàng và có nhiệt huyết với công tác đào tạo để phát triển nguồn giảng viên chủ lực cho các lớp học...
Nhà báo Lê Quốc Trung – Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực HNBVN phát biểu tại Tọa đàm. |
Tại toạ đàm, lãnh đạo các cơ quan báo chí, các giảng viên báo chí và chuyên gia truyền thông đã cùng thảo luận về các vấn đề liên quan đến việc nâng cao chất lượng đào tạo trong bối cảnh hiện nay. Trong đó các đại biểu đã đánh giá, nhận xét về các khóa bồi dưỡng của Trung tâm trong thời gian qua. Nêu ra những nhận xét cụ thể về những đóng góp hoặc thay đổi của nhà báo, hội viên sau khi tham dự các khóa học được áp dụng vào công việc tại tòa soạn.
Các đại biểu cũng đề xuất những kỹ năng cần thiết hiện tại mà các cơ quan báo chí mong muốn bồi dưỡng cho phóng viên, biên tập viên trong bối cảnh báo chí hiện nay. Đề xuất các hình thức và phương thức tổ chức các khóa bồi dưỡng như thế nào cho hợp lý đối với các cơ quan báo chí: đào tạo tập trung, đào tạo tại chỗ. Đề xuất các phương án hợp tác với Trung tâm trong việc mời chuyên gia nước ngoài đến bồi dưỡng cho tòa soạn nếu có nhu cầu.
TS Đinh Thị Thúy Hằng, nguyên giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí phát biểu tại tọa đàm. |
Nhiều đại biểu cũng đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng bồi dưỡng, trong đó có thể đào tạo cho chính lãnh đạo quản lý toà soạn ở các cơ quan báo chí, những người sẽ có sức ảnh hưởng lớn đến toàn bộ quá trình chuyển đổi, ứng dụng công nghệ. Đào tạo chuyên sâu về đề tài tham nhũng, tiêu cực, thông tin đối ngoại, xây dựng Đảng; tập huấn về quản lý kinh tế ở các cơ quan báo chí, môi trường, tài chính.... tổ chức các khóa học chất lượng bằng video, qua website và có trả phí.
Tiếp thu những ý kiến đóng góp tâm huyết của các đại biểu tham dự tọa đàm, đồng chí Lê Quốc Minh đánh giá cao những nỗ lực của Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ báo chí trong thời gian vừa qua, mặc dù trong quá trình xây dựng và phát triển sẽ có những mặt được và những mặt chưa triển khai được. Đồng chí Lê Quốc Minh cũng cảm ơn đội ngũ giảng viên trong suốt thời gian qua đã có nhiều đóng góp, tâm huyết, không ngừng đổi mới trong mỗi khóa học vì một nền báo chí hiện đại.
"Chúng ta đã dành thời gian đánh giá những vấn đề từ thực tiễn, từ những giảng viên trực tiếp tham gia giảng dạy cũng như chia sẻ của lãnh đạo các cơ quan báo chí, đây là cơ sở quan trọng để mỗi khoá học được hiệu quả hơn với các cơ quan đơn vị, các cơ quan báo chí địa phương", đồng chí Lê Quốc Minh thông tin.
Các đại biểu là những giảng viên, nhà báo uy tín đã giảng dạy nhiều năm tại Trung tâm đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp thiết thực. |
Qua Tọa đàm có thể thấy việc đào tạo kỹ năng, các chuyên đề cần có sự trao đổi chặt chẽ với lãnh đạo các cơ quan báo chí trung ương và địa phương để có những khoá học hấp dẫn phù hợp từng đối tượng, cùng với những nội dung chuyên sâu hơn.
Việc xây dựng kho dữ liệu, để làm cơ sở cho các giảng viên khai thác, nghiên cứu, sử dụng cũng là điều quan trọng, cần đặt ra. Ngoài ra cũng nên nghiên cứu tổ chức đào tạo cho giảng viên chứ không chỉ cho mỗi hội viên, phóng viên. Bên cạnh đó, thời gian tới, cũng rất cần các cơ quan báo chí tiếp tục giới thiệu cho Trung tâm những lớp giảng viên trẻ tham gia giảng dạy.
Các đại biểu tham dự Toạ đàm “Chia sẻ ý tưởng bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí nhằm nâng cao năng lực và trình độ nhà báo trong thời đại chuyển đổi số”. |
Đồng chí Lê Quốc Minh nhấn mạnh: Chúng ta phải thống nhất rằng cần có những khóa học đa dạng hơn, dành cho nhiều đối tượng khác nhau, nhiều chủ đề khác nhau, từ kỹ năng cho đến thực hành, cần phải đào tạo nhiều lần, không chỉ đào tạo phóng viên trẻ, lãnh đạo quản lý cơ quan báo chí một lần, hai lần mà cần có nhiều thời gian hơn. Chúng tôi sẽ có những trao đổi chặt chẽ với lãnh đạo báo chí ở các địa phương để hiệu rõ nhu cầu từ đó có những chương trình đào tạo phù hợp.
Đồng chí Lê Quốc Minh gợi ý, có thể đào tạo vấn đề quản lý báo chí, kinh tế báo chí và cả vấn đề đạo đức, văn hóa trong báo chí cũng cần phải đào tạo. Trung tâm xác định sẽ mở rộng nhiều nội dung, chương trình đào tạo, xây dựng kho dữ liệu để tạo điều kiện cho giảng viên nghiên cứu nắm bắt được xu hướng báo chí thế giới trong thời gian tới.
Nguồn: Lê Tâm - Sơn Hải/congluan.vn