Thủ tướng: Báo chí phải thu hút để 'dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo, dân làm'
Tối nay (21/6), Ban tổ chức Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVI năm 2021 đã vinh danh 115 tác phẩm đạt giải.
Tối đa hóa năng suất, tối thiểu hóa chi phí, tối ưu hóa hiệu quả quản lý
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập báo Nhân Dân Lê Quốc Minh cho biết, tiếp nối 97 năm truyền thống của báo chí cách mạng, báo chí nước nhà đang duy trì vai trò là kênh thông tin chính thống, chính thức, tuyên truyền hiệu quả đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước.
Báo chí đang mạnh mẽ chuyển mình trước những thay đổi chóng mặt của công nghệ, trước sự thay đổi về cách thức tiếp nhận thông tin của người dùng, khi độc giả, khán thính giả đang chuyển đổi dần lên các nền tảng số.
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập báo Nhân Dân Lê Quốc Minh |
Ông Minh nhấn mạnh, để tiếp tục thực hiện sứ mệnh của mình báo chí phải chuyển đổi số, hòa trong quá trình chuyển đổ số của xã hội. Với mục tiêu phát triển báo chí theo hướng đa nền tảng, đa phương tiện, đa dịch vụ, đóng vai trò trụ cột trong định hướng thông tin, định hướng dư luận xã hội.
Các cơ quan báo chí cần thúc đẩy kinh tế báo chí mới, đa dạng hóa nguồn thu để không phụ thuộc vào quảng cáo. “Các cơ quan hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích. Tối đa hóa năng suất, tối thiểu hóa chi phí, tối ưu hóa hiệu quả quản lý”, Tổng Biên tập báo Nhân dân cho hay.
Qua 16 năm tổ chức, đến nay Giải Báo chí quốc gia tiếp tục nhận được sự tham gia đầy đủ, tích cực, hào hứng của 18 liên chi hội và 35 chi hội trực thuộc. Và đây là năm thứ 5 liên tiếp giải có sự góp mặt của đầy đủ 63 hội nhà báo tỉnh, thành.
Giải năm nay cũng nhận được 1.911 tác phẩm, ở mức cao thứ hai trong các mùa giải báo chí, trong đó có 1.761 tác phẩm đủ điều kiện dự vòng sơ khảo.
Các tác phẩm tham dự đã phản ánh chân thực, kịp thời, đậm nét các sự kiện chính trị của đất nước năm 2021, cũng như nêu bật được các nỗ lực tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, khơi thông nguồn lực đầu tư, hướng tới mục tiêu duy trì tăng trưởng và phục hồi kinh tế; công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực...
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trao giải cho các tác giả đạt giải A |
Nhiều tác phẩm đã cho thấy hiệu quả tác động xã hội tốt, được các cơ quan chức năng tiếp thu, giải quyết, dư luận xã hội đánh giá cao về vai trò phát hiện, phản biện, đấu tranh, phê phán cũng như biểu dương, xây dựng của báo chí. Đặc biệt, mảng đề tài liên quan đến đại dịch Covid-19 chiếm tỉ lệ cao ở tất cả loại hình báo chí.
Đã có 152 tác phẩm vào chung khảo và hội đồng đã thảo luận, thẩm định và bỏ phiếu lựa chọn 115 tác phẩm để trao giải; trong đó có 10 giải A, 22 giải B, 48 giải C, 35 giải khuyến khích.
"Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai"
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ, lễ trao giải hôm nay diễn ra trong cảm xúc đặc biệt khi nước ta đã kiểm soát được dịch Covid-19, cuộc sống đã dần trở lại bình thường, không phải lo lắng, băn khoăn nhiều như cách đây một năm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ trao giải |
Người đứng đầu Chính phủ chúc mừng 115 tác giả, nhóm tác giả và cho rằng đây không chỉ là niềm vinh dự lớn trong cuộc đời mỗi người làm báo, mà còn là của cả cơ quan, đơn vị, địa phương nơi công tác và gia đình, bạn bè.
Thủ tướng nhấn mạnh, báo chí đã phát huy sức mạnh to lớn, tạo niềm tin, góp phần củng cố tinh thần đại đoàn kết, sự chung sức, đồng lòng, ủng hộ của người dân, doanh nghiệp.
Báo chí cũng đã lan tỏa lòng nhân ái, nỗ lực thực hiện an sinh xã hội, nghĩa cử của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong phòng chống dịch; chia sẻ với những vất vả, khó khăn; động viên, tôn vinh, khích lệ các lực lượng tuyến đầu.
Thủ tướng bày tỏ, giải thưởng dành để tôn vinh những giá trị cao quý của những người làm báo. Đó là những ý tưởng tiên phong, sáng tạo, tinh thần dũng cảm, dấn thân, thậm chí đối mặt với hiểm nguy… Những giá trị đó đã kết tinh trong các tác phẩm báo chí để góp phần thực hiện các chủ trương đúng đắn của Đảng, quản lý hiệu quả của các cơ quan nhà nước, sự đồng hành của nhân dân, làm cho xã hội tốt đẹp hơn.
“Tôi hiểu nghề báo là một trong những nghề vinh quang nhưng vất vả, một nghề có thể đúng với câu hát "Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai"”, Thủ tướng chia sẻ.
Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và Tổng Biên tập Báo Nhân dân Lê Quốc Minh trao giải cho các tác giả đạt giải B |
Để có những bài báo hay, phản ánh chân thực, sinh động, kịp thời về mọi mặt của đời sống xã hội, nhất là các phóng sự điều tra thực trạng cuộc sống, nhiều phóng viên, nhà báo đã phải đối mặt với hiểm nguy, bị đe dọa, đi vào giữa tâm dịch, tâm bão, thiên tai địch họa… và có người đã không bao giờ trở về.
Đối với các nhà báo, phóng viên nữ còn vất vả hơn vì nhiều lúc phải làm ngoài giờ, thực hiện những chuyến đi công tác dài ngày, trong khi vẫn phải lo toan công việc gia đình và phận sự của người phụ nữ.
Thủ tướng đánh giá, nhiều tác phẩm năm nay đã góp phần truyền tải những chính sách lớn về tái cấu trúc nền kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu, phát triển xanh… Đặc biệt, nhiều tác phẩm đã tích cực tham gia vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí của Đảng và Nhà nước; phát hiện, phản ánh những sai phạm trong sử dụng đất đai, ngân sách nhà nước, đầu tư công…
Trước yêu cầu, nhiệm vụ mới, Thủ tướng gợi mở một số vấn đề. Báo chí cần tiếp tục thể hiện tính cách mạng, đi đầu trong những vấn đề lớn của đất nước; là vũ khí tư tưởng sắc bén bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, lợi ích quốc gia, dân tộc; khơi dậy khát vọng phát triển, những giá trị cốt lõi của đất nước và dân tộc; cổ vũ mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo...
Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ và Tổng Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam Lê Ngọc Quang trao giải cho các tác giả đạt giải C |
Báo chí tiếp tục đẩy mạnh cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, trung thực, minh bạch, phản ánh và tìm ra những khó khăn, vướng mắc, giải pháp cho những vấn đề thực tiễn đặt ra; phát hiện, biểu dương những nhân tố mới, người tốt, việc tốt, "lấy cái đẹp dẹp cái xấu", "lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực".
Trước mắt, theo Thủ tướng cần tập trung tuyên truyền về 3 đột phá chiến lược, những chủ trương, chính sách về phục hồi kinh tế; chuyển đổi số, bảo vệ môi trường, phát triển cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội, an ninh, an toàn, an dân và không để ai bỏ lại phía sau với mục tiêu cao nhất là vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân.
Chủ động đấu tranh với những thông tin xuyên tạc, xấu độc, sai sự thật, chống phá Đảng, Nhà nước, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta. Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị báo chí tích cực hơn nữa tham gia vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Báo chí cần phát huy hơn nữa vai trò làm chủ của nhân dân, là động lực khích lệ nhân dân, thu hút được sự tham gia tích cực của người dân, làm sao để "dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo, dân làm", để người dân thực sự là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực, nguồn lực cho phát triển. Thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện; góp phần tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận về báo chí cách mạng Việt Nam.
Thủ tướng cũng cho rằng, cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí, góp phần xây dựng, phát triển Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, công dân số; đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và các công nghệ mới.
Thủ tướng đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân tích cực cung cấp thông tin một cách chủ động, có trách nhiệm để các nhà báo, phóng viên thuận lợi trong quá trình tác nghiệp. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần bảo vệ những phóng viên, nhà báo trong thực thi nhiệm vụ và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.
Đảng, Nhà nước luôn ủng hộ, đồng hành và chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu giải pháp tăng cường tiềm lực của báo chí phù hợp với đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; phù hợp với tình hình, điều kiện cụ thể của đất nước và hài hòa, hợp lý với các lĩnh vực, ngành nghề khác.
Loạt 5 bài "Cắt giảm chứng chỉ, giảm ‘gánh nặng’ cho hàng triệu giáo viên" của báo VietNamNet đạt giải C: Giáo viên ồ ạt đi học chứng chỉ, lo 'giữ hạng, giữ lương' Cần giảm ‘gánh nặng’ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp cho giáo viên Bộ Nội vụ nói về đề xuất bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên Thủ tướng yêu cầu sửa quy định về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp với giáo viên Bộ trưởng Nội vụ: Hàng triệu công chức, viên chức sẽ giảm gánh nặng chứng chỉ |
Trần Thường - Ảnh: Phạm Hải/vietnamnet.vn