Xây dựng hệ thống CSDL quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức
Bộ Nội vụ chính thức triển khai xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC).
Bộ Nội vụ và Tập đoàn VNPT đã ký kết chương trình hợp tác xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về CBCCVC trong các CQNN |
Ngày 10/5, Bộ Nội vụ và Tập đoàn VNPT đã ký kết chương trình hợp tác xây dựng CSDLQG về CBCCVC trong các cơ quan Nhà nước (CQNN).
Có thể nói, CSDLQG về CBCCVC trong các CQNN là một trong những CSDL rất quan trọng. Việc đưa vào vận hành, khai thác hệ thống CSDL này sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý CBCCVC trong các CQNN, phục vụ mục tiêu quản trị, hoạch định chính sách.
Đồng thời, CSDLQG cũng là công cụ để tổng hợp, thống kê số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trên toàn quốc phục vụ công tác nghiên cứu, hoạch định chính sách dựa trên bằng chứng đáp ứng mục tiêu xây dựng nền hành chính tiên tiến, chuyên nghiệp và hiện đại góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng, phát triển Chính phủ số của Bộ Nội vụ nói riêng và các Bộ ngành, địa phương trong toàn quốc nói chung.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số (CĐS) quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Quyết định đã nhấn mạnh vai trò của Bộ Nội vụ trong việc chủ trì xây dựng CSDLQG về CBCCVC; kết nối, chia sẻ dữ liệu với CSDLQG về dân cư; phối hợp với Bộ Công an khai thác, tận dụng thông tin từ CSDLQG về dân cư bảo đảm tránh thu thập trùng lặp nhiều thông tin để phục vụ quản lý CBCCVC của các CQNN các cấp.
Toàn cảnh lễ ký kết hợp tác giữa Bộ Nội vụ và Tập đoàn VNPT. |
Xây dựng CSDLQG về CBCCVC - đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại
Chia sẻ về dự án này, Thứ trưởng Bộ Nội Vụ Trương Hải Long nhận định, xây dựng CSDLQG về CBCCVC là một trong những nhiệm vụ quan trọng hiện nay, không chỉ của Bộ Nội vụ mà còn của tất cả các Bộ, ban ngành và địa phương, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT) trong cả nước.
Ngoài việc hợp nhất CSDL trên toàn quốc, số hóa công tác quản trị dữ liệu, thống kê, báo cáo hỗ trợ công tác nghiên cứu, tham mưu hoạch định chính sách, việc đưa vào vận hành, khai thác CSDLQG còn giúp tiết kiệm được chi phí của chính đội ngũ CBCCVC và những người trực tiếp làm công tác quản lý nhân sự trong việc kê khai, bổ sung sơ yếu lý lịch, tìm kiếm thông tin phục vụ công tác thẩm tra, xác minh cán bộ.
Bên cạnh đó, hệ thống CSDL này còn giúp tổng hợp, phân tích số liệu về đội ngũ của một hoặc nhiều cơ quan phục vụ yêu cầu quản lý; đồng thời tạo thuận lợi cho công tác kê khai tài sản, thu nhập... qua đó, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý CBCCVC trong thời gian tới.
Chia sẻ về lộ trình hợp tác phát triển dự án, ông Ngô Diên Hy, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT cho biết CSDLQG về CBCCVC với số lượng dữ liệu lớn, dung lượng và phạm vi kết nối, chia sẻ rất rộng lớn nên việc bảo đảm tốc độ đường truyền và an ninh, an toàn bảo mật thông tin đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Điều này, đòi hỏi phải có giải pháp kỹ thuật phù hợp, đồng bộ, thống nhất và có tính tương thích cao.
Theo ông Ngô Diên Hy, bằng kinh nghiệm triển khai thành công CSDLQG về dân cư, các dự án Trục liên thông văn bản quốc gia cũng như các dự án lớn khác của Chính phủ, VNPT sẽ có các giải pháp kỹ thuật, giải pháp về an toàn thông tin phù hợp nhất cho dự án.
Ngoài ra, là đơn vị xây dựng và triển khai dự án CSDLQG về dân cư, việc tích hợp với CSDLQG về dân cư để đồng bộ với dữ liệu CBCCVC đảm bảo tính chính xác của dữ liệu cũng sẽ có nhiều thuận lợi. VNPT cam kết sẽ hoàn thành dự án để đưa vào khai thác theo đúng tiến độ.
Nhấn mạnh về vai trò của các bên trong việc triển khai xây dựng CSDLQG về CBCCVC, Thứ trưởng Trương Hải Long khẳng định dự án cần sự đồng bộ và thống nhất trong cả nước, dữ liệu cần cập nhật thường xuyên và có sự kết nối mọi lúc, mọi nơi, giữa tất cả các cơ quan, ban ngành và địa phương. Vì vậy, không chỉ đòi hỏi cơ sở hạ tầng, năng lực cũng như kinh nghiệm rất lớn của nhà cung cấp giải pháp công nghệ, mà còn cần sự tham gia triển khai tích cực của toàn ngành Nội vụ từ Trung ương đến địa phương.
Việc triển khai thành công dự án sẽ là chìa khóa để Bộ Nội vụ tham mưu và tiếp tục hoàn thiện sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp từ Trung ương đến địa phương theo hướng tinh gọn, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Đây cũng là một trong những tiến trình đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, góp phần quan trọng trong tiến trình xây dựng CPĐT, Chính phủ số hướng tới nền kinh tế số, xã hội số và đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế và khu vực.
Theo lộ trình dự kiến, hệ thống CSDL và phần mềm quản trị sẽ chính thức đi vào hoạt động từ tháng 11/2022./.
Theo ictvietnam.vn