Đạo diễn “VTV đặc biệt: Ranh giới”: Các bác sỹ cho tôi thêm động lực, niềm tin vào sự tử tế trong cuộc đời

“ Lần đầu tiên tôi cảm nhận được hết sự hi sinh của người bác sĩ tuyến đầu một cách chân thực nhất. Lần đầu tiên tôi cảm nhận được lằn ranh mong manh giữa sự sống và cái chết, thấy thêm trân trọng mỗi ngày còn được thở...” – Nhà báo, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư đã nhấn mạnh.

Gấp rút hoàn thiện bộ phim nối tiếp: "VTV đặc biệt: Ngày con chào đời"!

4h sáng qua, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư nhắn tin cho tôi hẹn lịch làm việc phỏng vấn, vài tiếng sau tôi mới tỉnh giấc để đọc tin nhắn của anh. Tôi hỏi làm sao mà anh dậy sớm vậy khi một thời gian dài “nằm vùng” trong tâm dịch, bộ phim lên sóng thành công ngoài cả mong đợi thì anh nên nghỉ ngơi chút để giữ sức khỏe chứ?

Anh thành thật nói rằng: Sau khi tác nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh 21 ngày, trở về Hà Nội cách ly 14 ngày và từng ấy ngày làm việc anh liên tục mất ngủ...Thậm chí những con người từng gặp, từ các y bác sĩ trong bệnh viện, gương mặt người thai phụ phải cấp cứu gấp.. vẫn ám ảnh thường trực trong từng giấc ngủ của anh. Đêm qua cũng vậy, có một cơn mưa bất chợt đổ xuống làm anh mơ màng nghĩ đến một cơn mưa trong bệnh viện Hùng Vương hôm đó, một em bé đã chào đời... Em bé ấy cũng là một trong những nhân vật chính được kể trong bộ phim “Ngày con chào đời” mà anh đang gấp rút làm hậu kì những khâu cuối cùng để chuẩn bị lên sóng tiếp nối với “VTV đặc biệt: Ranh giới” dự kiến phát sóng ngày 22/9 tới.

Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư đã có cuộc trò chuyện cởi mở với Báo Nhà báo và Công luận xung quanh tác phẩm của mình. 

Bộ phim “VTV đặc biệt: Ngày con chào đời” anh vừa nhắc – nghe cái tên tác phẩm có dự cảm nhẹ nhàng hơn, mang ý nghĩa của sự sinh sôi nẩy nở... Anh có thể bật mí một chút về nội dung tác phẩm?

Nếu như “ VTV đặc biệt: Ranh giới” là những dồn dập đến ngộp thở, là cảm xúc bức bối tột đỉnh...thì Bộ phim“VTV đặc biệt: Ngày con chào đời” vẫn có những hồi hộp, hối hả trong giờ phút cấp cứu thai phụ sinh nở nhưng nhịp phim chậm hơn, có phần tươi mới hơn, nhẹ nhàng hơn.

Thực ra, ý tưởng cho "Ngày con chào đời" từ đầu cũng nằm trong bộ phim Ranh giới, nhưng sau đó tôi đã tách ra, làm riêng về các em bé cất tiếng khóc chào đời nơi tâm dịch. Ra đời trong hoàn cảnh mẹ bị nhiễm COVID-19, các em bé ấy đã chịu đủ mọi sự thiệt thòi. Vừa sinh xong đã phải xa mẹ, sống trong những khu cách ly, cũng bị nhiễm COVID-19, cũng phải trải qua nhiều lần xét nghiệm, kiểm tra... Xót xa trước cảnh những giọt sữa mẹ quý giá nhất dành cho con trong những ngày đầu chào đời thì người mẹ lại phải vắt đổ đi và các em bé sơ sinh được chăm bằng nguồn sữa bột. Sự khắc nghiệt, ngặt nghèo ấy được lột tả chân thực nhưng sâu thẳm nơi đó là yêu thương, là hy vọng, là động lực, là sức mạnh vượt qua “ranh giới”...

Những giấc ngủ thường bắt đầu lúc nửa đêm về sáng của các y bác sĩ

Ở bộ phim này cũng có những thước phim phải bỏ đi vì lí do khách quan từ gia đình người bệnh. Bởi ý tưởng của tôi là rất muốn có sự liên kết giữa gia đình và bệnh nhân đặc biệt là khi sản phụ sinh con xong thì có tới 95% là gia đình đến đón các bé về. Cho nên tôi đã phải liên hệ với gia đình họ để xin được quay lại những hình ảnh ấy. Tuy nhiên, do gia đình ngại lên sóng, không đồng ý hợp tác nên đành phải bỏ, rồi có hình ảnh phải che mặt. Chắc chắn, sẽ có người thắc mắc rằng, tại sao những bệnh nhân trong “Ranh giới” lại không che mặt, còn ở đây thì có?

Vâng, tức là việc quay hình ảnh của nhân vật phải được sự đồng ý của họ, thưa anh?

Đúng vậy. Với “Ranh giới”, trước khi bắt đầu nhiệm vụ, chúng tôi đều phải trao đổi, giới thiệu rất rõ mục đích làm việc. Khi xem phim, mọi người sẽ thấy, với những nhân vật bệnh nặng, không thể nói chuyện, tôi không quay mặt họ mà chỉ quay qua lưng, qua vai. Những người còn nói chuyện được, tôi đã xin phép và họ đồng ý để chúng tôi sử dụng câu chuyện cũng như hình ảnh của họ.

Trong “Ranh giới”, họ có thể chỉ lên hình vài giây hoặc một vài phút nhưng thực tế chúng tôi đã quay họ liên tục trong một khoảng thời gian dài hàng chục ngày rồi. Tôi nghĩ rằng, những bệnh nhân vượt cửa tử, khỏe mạnh hơn chứng kiến sự làm việc quên mình của các y bác sĩ, là những người hiểu rõ nhất sự khốc liệt của dịch bệnh COVID-19 và họ cũng muốn chia sẻ về hành trình chiến đấu với bệnh tật của mình để giúp mọi người cảm nhận rõ sự khủng khiếp của COVID-19, có ý thức bảo vệ bản thân và gia đình hơn, biết trân quý sự sống hơn.

Những cuộc trò chuyện lúc nửa đêm...

Tôi nghe nói, ban đầu ý tưởng của đạo diễn cho bộ phim này không hẳn là trọng tâm vào những y bác sĩ? Vì sao lại có sự thay đổi như vậy, thưa anh?

Bộ phim "VTV đặc biệt: Ranh giới" không có lời bình mà sử dụng hoàn toàn là hiện thực của cuộc sống. Ảnh: VTV

Trước hết, tôi xin chia sẻ về lựa chọn khi tìm đến bối cảnh bệnh viện Hùng Vương – nơi đang điều trị những sản phụ mắc Covid-19. Tôi nghĩ rằng cuộc đời như một vòng luân hồi, không ai qua khỏi cái chết đặc biệt là trong lúc đại dịch Covid-19 đang tàn phá tất cả mọi thứ. Nhưng trong cái chết có cái sống, sự sinh sôi nảy nở, tiếp diễn vì thế tôi mới chọn đối tượng là thai phụ F0. Một người bình thường khi bị mắc Covid-19 đã khổ thì người thai phụ khi mắc, sẽ khủng khiếp như thế nào, người ta phải thở cho 2 con người cùng lúc.

Ban đầu tôi hình dung mình sẽ thực hiện một đề tài như kiểu “Tiếng khóc ở nơi tâm dịch...” hướng trọng tâm là nói về những người phụ nữ mang thai và sinh nở nơi tâm dịch. Nhưng khi bước chân vào bệnh viện Hùng Vương để xin được tác nghiệp, chỉ trong 2 ngày đầu tiên đến, chứng kiến cảnh các bác sĩ làm việc thực sự kinh khủng quá, quên mình cứu chữa bệnh nhân không có một ranh giới nào, tôi đã thay đổi ý tưởng và quyết định phải làm riêng một bộ phim về đội ngũ y bác sĩ ở đây.

Lần đầu tiên chúng tôi làm kỹ một bộ phim về đội ngũ bác sỹ của bệnh viện Hùng Vương nói riêng và thông qua bộ phim này mong muốn người xem có thể hình dung được toàn cảnh công tác chống dịch của đất nước, đội ngũ bác sĩ, y tế tuyến đầu của cả nước đang gồng mình, hi sinh, cống hiến để cố gắng hết sức giành giật sự sống cho tất cả bệnh nhân nhiễm Covid-19 như thế nào.

Chỉ có 1 quay phim, 1 đạo diễn... dồn sức làm việc, các anh đã có những ngày như thế nào nơi tâm dịch?

"Những thiên thần áo trắng" đã và đang từng ngày giành sự sống cho các sản phụ mắc COVID-19

Chuyến công tác của chúng tôi kéo dài 21 ngày, trong đó phần lớn thời gian chúng tôi dành cho khu K1 Hùng Vương. Tôi xác định luôn trong chuyến đi là vào nơi tâm của tâm dịch, sẽ tiếp xúc thường xuyên với F0. Một ngày vào bệnh viện nhiều lần, ở bệnh viện 7, 8 tiếng liền ban ngày rồi tranh thủ về, tối quay vào lần nữa. Cứ thế ròng rã nhiều ngày, cứ 3-5 ngày lại test Covid-19 một lần. Trong môi trường đặc biệt có khả năng lây nhiễm cao khủng khiếp như thế tôi xác định nằm trong diện bị nhiễm bất cứ lúc nào. Tất nhiên, chủ quan mà nói thì tôi có tiêm đủ 2 liều vắc xin nên nêú chẳng may bị mắc thì chắc sẽ không bị nặng. Nên lúc đó với tôi, suy nghĩ lớn nhất là khi đã vào đây thì sẽ cố gắng để quay được thật nhiều tư liệu. Nếu lỡ có bị mắc Covid-19 thì ra khu dã chiến vẫn có tư liệu, thời gian để làm hậu kì tác phẩm. Thế nên việc tác nghiệp cũng diễn ra liên tục, dày đặc, tận dụng từng ngày quý giá, trong thời gian sớm nhất, nhanh nhất để làm sao ghi được nhiều hình, nhiều nhân vật nhất...Có những hôm, chúng tôi làm việc không ngừng tận 7, 8 tiếng đến nỗi một có bác sĩ bảo: “Em khuyên chân tình là anh nên ra đi, ở đây rất bí nên tầng này sự lây nhiễm kinh khủng nhất, thậm chí hơn cả tầng 5 đó”.

Tôi vẫn băn khoăn là, trong nửa tháng với hoàn cảnh tác nghiệp “lần đầu” khó khăn như vậy, lEkip đã làm như thế nào để “bắt” được đa dạng mọi cung bậc cảm xúc với những diễn biến quá nhanh và quá nguy hiểm như thế?.

Hình ảnh người bác sĩ nhấn tim cứu sản phụ nguy kịch

Thực ra trong thời gian các y, bác sĩ làm việc chúng tôi dường như rất ít nói chuyện, phỏng vấn bởi không muốn làm phiền họ. Nhưng trước đó, chúng tôi phải tìm những người am hiểu về nơi này, tường tận về công việc đó... Khi đêm xuống, sau ca trực, tầm 1h, 2h sáng, họ vẫn đang thức thì tôi xin thời gian đó để hỏi thêm họ, nắm bắt nhiều thông tin xung quanh. Trong khoảng thời gian ngắn với bối cảnh khắc nghiệt ấy có thể ghi được nhiều hình ảnh, có đủ các cung bậc cảm xúc như thế cũng là nhờ những cuộc trò chuyện lúc nửa đêm. Nếu không hỏi và khai thác bằng cách ấy thì trong 1 tòa nhà có mấy chục phòng, sẽ khó biết được cần quay cảnh nào, chọn hình ảnh nào. Bởi những khoảnh khắc đi qua sẽ không bao giờ có lại được...

Thực sự phải hỏi nhiều, phải sống cùng, quan sát và cảm nhận và thậm chí còn phải đoán định tình huống, nhân vật... Đó là chưa kể, với thể loại phim tài liệu hiện thực cuộc sống mà chúng tôi thực hiện thường không có kịch bản, diễn tiến sự việc như thế nào sẽ chắt lọc lựa chọn, sắp xếp thành câu chuyện. Nếu muốn dựng được một bộ phim có sức hấp dẫn, có sức truyền tải với những chi tiết đắt thì cường độ làm việc phải nhiều hơn các thể loại khác.

Bác sĩ và bệnh nhân nào phải là diễn viên đâu

Kịch bản không có sẵn, lại làm việc dựa vào cả những đoán định, có khi nào...sự đoán định ấy gặp... sự cố không, thưa anh?

Nụ cười của người sản phụ khi vượt qua lằn ranh sinh tử thật ấm áp

À cũng có đấy. Có lần, tôi cứ lao theo một chị điều dưỡng để quay mà thậm chí cũng không biết chị ấy sẽ đi đâu, làm gì chỉ cố gắng bám sát, tác nghiệp nhanh nhất có thể. Chị điều dưỡng thấy thế bảo tôi: “Ôi anh ơi, sao anh cứ đi theo em suốt vậy, em vô khám phụ khoa cho chị này mà...”. Tôi vội xin lỗi và nói chị ấy thông cảm bởi đặc thù của thể loại phim này là cứ cố gắng ghi lại mọi thứ mà đôi lúc đúng là không thể đoán định nổi lại rơi vào hoàn cảnh...buồn cười đến vậy.

Thế vậy mà khi “Ranh giới”  lên sóng, đã có ý kiến cho rằng, Ekip đã thổi phồng về dịch Covid -19?

Tôi có nghe nhưng nói thật tôi không quan tâm lắm những điều ấy. Trong cuộc chiến này, nơi mà bệnh nhân cần hơi thở gấp gáp, từng phút từng giây, nơi mà bác sĩ đang căng mình giành giật từng sự sống... làm gì có chỗ cho những “vai diễn”, cho những sắp xếp dàn dựng... Bác sĩ và bệnh nhân nào phải là diễn viên đâu. Họ còn bận để cứu người, để thở, để giằng co với tử thần giữa lằn ranh sinh tử cơ mà... Tất cả lời nói, hành động trong phim đều là những tình tiết rất tự nhiên đã đang diễn ra trong công việc của họ.

Đối diện với cảm xúc của chính mình với tôi đó cũng là một cuộc chiến

Quả thực, khi xem xong “Ranh giới”, rất nhiều khán giả không cầm được nước mắt. Sự chân thực của bộ phim như chạm tới trái tim của mỗi người... Còn anh thì sao, khi chứng kiến tận mắt những điều khủng khiếp ấy, làm thế nào để thật bình tĩnh, gạt nước mắt và khách quan tác nghiệp?

Nhà báo đạo diễn Tạ Quỳnh Tư được đánh giá là một trong những đạo diễn xuất sắc của VTV

Nhiều năm trong nghề, có lẽ trải qua rất nhiều hoàn cảnh tác nghiệp và đây là một hoàn cảnh thực sự đặc biệt – đan xen giữa cảm xúc và lý trí. Trong quá trình tác nghiệp tôi cũng rơi nước mắt nhiều lần, thậm chí đã không ít lần tôi đành phải... buông máy. Có lúc còn không thể làm được khi nghe tiếng hét của thai phụ cầu cứu khi họ sắp đẻ, tôi bỏ máy chạy đi gọi điều dưỡng, khi họ cần gấp Oxy để thở, tôi cũng không ngần ngại dừng máy để giúp. Khi các bác sĩ di chuyển bệnh nhân đi cấp cứu, tôi cũng không thể đứng nhìn, cũng ghé vào khiêng cùng đến nỗi rơi cả kính chắn giọt bắn... Thực sự, bản thân tôi trước khi tới bệnh viện cũng không hình dung hết được sự khốc liệt của cuộc chiến này. Nhưng tôi đã luôn cố gắng để tiết chế cảm xúc và lý trí của mình sau mỗi phút bàng hoàng. Ngay cả những lúc ngồi dựng hậu kì, nỗi ám ảnh về những đau đớn từng xảy ra trước mắt mình ùa về, tôi luôn phải cố gắng đánh thức lý trí, không để bản thân chạy theo cảm xúc quá nhiều, nếu không sẽ rất khó hoàn thành công việc. Đối diện với cảm xúc của chính mình với tôi đó cũng là một cuộc chiến.

Còn nỗi sợ hãi khi bước vào một khu vực dễ bị lây nhiễm thì sao, thưa anh?

Bộ phim đã để lại nhiều cảm xúc cho người xem, tiếp thêm sức mạnh để mỗi người trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19

Thực ra ban đầu thì chưa hào hứng lắm, cũng có những rào cản tâm lý nhưng khi bước chân vào, nhìn các y, bác sĩ quên mình cứu chữa bệnh nhân đã tiếp thêm cho tôi sức mạnh. Có những y tá còn rất trẻ, người nhỏ bé như lọt thỏm giữa không gian phòng bệnh nhưng vẫn làm việc quần quật, vẫn đi như chạy, vẫn chăm sóc bệnh nhân, họ đâu có sợ! Chúng tôi khỏe mạnh, to lớn hơn, sao có thể để nỗi sợ hãi len lỏi vào trong tâm thức được nữa. Chúng tôi chỉ biết chạy theo, cuốn theo những công việc ấy... Các bác sỹ đã cho tôi thêm động lực, niềm tin vào sự tử tế trong cuộc đời. Cũng là lần đầu tiên tôi cảm nhận hết được hi sinh của người bác sĩ tuyến đầu một cách chân thực nhất. Lần đầu tiên cảm nhận được lằn ranh mong manh giữa sự sống và cái chết, thấy thêm trân trọng mỗi ngày còn được thở. Thông điệp của phim chúng tôi muốn gửi đến chính là sự vượt khó, tình yêu, sự hi sinh quên mình của các bác sỹ dành cho thai phụ, của các thai phụ dành cho con và đằng sau đấy là cả gia đình, cộng đồng, xã hội, đất nước đang chống chọi với đại dịch khủng khiếp Covid-19. Mong sao một ngày dịch bệnh qua đi và mọi người trở lại cuộc sống bình thường.

VTV đặc biệt: Ranh giới” vừa phát sóng đã chấn động dư luận bởi quá ấn tượng, quá hay. Đó có là áp lực cho “VTV đặc biệt”: Ngày con chào đời” sắp phát sóng không, thưa đạo diễn?

Cả hai bộ phim tôi đều không dùng lời bình mà sử dụng dòng phim tài liệu hiện thực của cuộc sống. Trong thời điểm suy nghĩ cùng lúc thực hiện hai bộ phim này, tôi đã phải tính toán kĩ làm thế nào để phim sau không bị trùng lặp phim trước, cố gắng tách biệt đề tài hai phim và chắc chắn luôn phải giữ được sức hấp dẫn riêng có. Dĩ nhiên là rất áp lực và chỉ hy vọng là khán giả sẽ tiếp tục đón nhận “Ngày con chào đời” như đã đón nhận “Ranh giới”.

Xin trân trọng cảm ơn anh!

Nguồn: Hà Vân (thực hiện)

https://congluan.vn/dao-dien-vtv-dac-biet-ranh-gioi-cac-bac-sy-cho-toi-them-dong-luc-niem-tin-vao-su-tu-te-trong-cuoc-doi-post155252.html

// Mới cập nhật
// Tin đã đăng
Tin nổi bật