Báo chí hoạt động hiệu quả trong công tác xây dựng hình ảnh Quốc hội

Không chỉ đưa tin về hoạt động của Quốc hội, báo chí truyền thông còn bình luận, đăng tải và chia sẻ nhiều thông tin đa dạng, phong phú về mọi mặt hoạt động của Quốc hội.

Những ngày này, các tuyến đường đều được trang hoàng rực rỡ, cử tri hân hoan trong không khí ngày hội lớn của đất nước. (Ảnh: Đoàn Mạnh Dương/TTXVN)

Trong bối cảnh báo chí, truyền thông và mạng xã hội ngày càng phát triển, thông tin về Quốc hội ngày càng phong phú, hình ảnh của cơ quan lập pháp cao nhất của Quốc gia đã và đang ngày càng trở nên gần gũi với người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Tầm quan trọng của báo chí với các cơ quan dân cử

Ông Vũ Minh Tuấn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho hay công tác thông tin, tuyên truyền cho Quốc hội và bầu cử đang được triển khai đồng bộ, hiệu quả nhằm thông tin kịp thời đến cử tri, nhân dân cả nước và kiểu bào ta ở nước ngoài. Tham gia đưa tin về các kỳ họp Quốc hội có trên 400 phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên của gần 80 cơ quan thông tấn, báo chí.

“Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cử tri và nhân dân cả nước nắm bắt kịp thời chương trình nghị sự của Quốc hội, chỉ riêng tại kỳ họp 11 đã tổ chức 8 buổi phát thanh, truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và Truyền hình Quốc hội Việt Nam. Qua báo cáo tổng hợp, chỉ riêng trong kỳ họp thứ 11 các cơ quan thông tấn, báo chí đã có hàng ngàn tin, bài phản ánh về hoạt động của Quốc hội. Một số cơ quan báo chỉ đã mở chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề phản ánh đậm nét, sâu rộng về hoạt động của kỳ họp Quốc hội, góp phần quan trọng vào thành công của kỳ họp Quốc hội khóa XIV,” ông Tuấn cho biết.

Tổng Biên tập báo Kinh tế và Đô thị Nguyễn Minh Đức, ứng cử viên đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026. (Ảnh: NVCC)

Tổng Biên tập báo Kinh tế và Đô thị Nguyễn Minh Đức khẳng định hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp không thể thiếu vai trò của báo chí.

“Báo chí có chức năng giám sát, phản ánh hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Báo chí cung cấp, lan tỏa thông tin, là lực lượng đồng hành với các cơ quan dân cử và các đại biểu,” nhà báo Minh Đức nói.

Ông cho rằng từ khi đất nước đổi mới, báo chí luôn đồng hành cùng dân tộc, làm tốt vai trò chính trị-xã hội, truyền tải rất nhiều thông điệp, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đến người dân. Kế hoạch kiện toàn tổ chức, sắp xếp nhân sự từ trung ương đến địa phương đều đã được các cơ quan báo chí phản ánh chính xác, sinh động, mang tính thời sự cao, giúp người dân tiếp nhận thông tin một cách tích cực và đầy đủ.

Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng đã phát huy hiệu quả rõ rệt trong công tác truyền thông về cuộc bầu cử toàn dân.

“Các ứng cử viên có thể tự giới thiệu, vận động bầu cử thông qua các phương tiện thông tin, đó là cách tiếp cận cử tri hiệu quả,” ông nói. 

Khi dịch bệnh tác động đời sống kinh tế, xã hội toàn cầu, mọi ngành nghề của đất nước đều phải có thay đổi để phù hợp hoàn cảnh, Quốc hội Khóa 14 cũng đã tiến hành các cuộc họp trực tuyến. Hiện nay, Hội đồng bầu cử quốc gia cũng linh hoạt chuyển từ hình thức tiếp xúc cử tri trực tiếp sang tiếp xúc vừa trực tiếp, vừa trực tuyến. Nhà báo Minh Đức cho rằng đó là cách làm tốt, phù hợp với hoàn cảnh và đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm của ứng cử viên, đáp ứng yêu cầu của cử tri.

Cần chiến lược để truyền thông hiệu quả

Thông tin về hoạt động của các kỳ họp Quốc hội thường được truyền tải thông qua các cơ quan báo chí truyền thông trong cả nước, thuộc tất cả các loại hình, đặc biệt là qua kênh truyền hình và các kênh báo chí truyền thông riêng biệt của Quốc hội.

Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Oanh, Trưởng Khoa Quan hệ Quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cho rằng để xây dựng hình ảnh Quốc hội, cần sử dụng hệ thống báo chí, truyền thông và mạng xã hội một cách hiệu quả. Ông đề xuất cần điều tra và phân loại đối tượng tiếp nhận của thông tin báo chí truyền thông về hình ảnh của Quốc hội đồng thời có những sản phẩm báo chí truyền thông phù hợp với từng loại đối tượng này.

“Có thể phân chia đối tượng theo vùng, miền, theo thành phần dân tộc, theo trình độ tri thức, hiểu biết khác nhau, hoặc theo điều kiện kinh tế xã hội khác nhau…để có cách thức truyền thông và có sản phẩm truyền thông phù hợp, mạng lại hiệu quả cao hơn,” tiến sỹ Oanh cho biết.

Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Oanh, Trưởng Khoa Quan hệ Quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. (Ảnh: NVCC)

Bên cạnh báo chí, các cơ quan truyền thông của Quốc hội có thể sử dụng nhiều hình thức khác như truyền thông trực tiếp, tổ chức các sự kiện truyền thông và tổ chức cho người dân (thuộc nhiều tầng lớp xã hội) tự do tham quan, dự thính các kỳ họp theo cách mà nhiều Quốc hội ở các quốc gia trên thế giới đã làm.

“Cần tăng cường sự tham gia dự thính của các thành phần xã hội đối với các hoạt động của các kỳ họp của Quốc hội. Chính sự công khai minh bạch trong việc cung cấp thông tin trực tiếp với người dân cũng là một kênh làm nên hình ảnh tốt đẹp của Quốc hội,” tiến sỹ Oanh gợi ý.

Ngoài ra, Quốc hội cũng có thể cởi mở hơn nữa trong việc quảng bá và tổ chức cho người Việt Nam ở nước ngoài và khách nước ngoài tham dự các phiên họp của Quốc hội trong phạm vi cho phép để họ có cái nhìn khách quan.

Tiến sỹ Oanh cho rằng cần có chiến lược xây dựng hình ảnh và thương hiệu của cơ quan Quốc hội thông qua cá nhân các đại biểu Quốc hội. Đại biểu cần trang bị các kỹ năng phát ngôn, phát biểu trước truyền thông, bởi mỗi hình ảnh mỗi phát ngôn của đại biểu đều có thể ảnh hưởng đến mục tiêu chung của Quốc hội.

Nhà báo Minh Đức đồng tình với quan điểm này. Ông cho rằng các đại biểu phải chuẩn bị tâm thế, kỹ năng khi tiếp xúc với báo chí, truyền thông và quần chúng nhân dân. Ngoài ra, các đại biểu cần tìm cho mình những vấn đề dân sinh và theo đuổi đến cùng, để người dân được thụ hưởng từ chính sách, những khiếu nại của người dân được giải quyết.

“Để xây dựng hình ảnh của Quốc hội và Hội đồng nhân dân thì điều quan trọng nhất là những kiến nghị, đề xuất của người dân được lắng nghe và giải quyết hiệu quả, để những chính sách thực sự đi vào đời sống, từ đó uy tín của các cơ quan dân cử và các đại biểu sẽ được nâng lên,” ông khẳng định./. 

Nguồn: Minh Thu (Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/Utilities/Print.aspx?contentid=714560

Tin nổi bật