Báo Singapore: RCEP là tâm điểm của Hội nghị Cấp cao ASEAN 37
Theo bài viết, việc ký kết thỏa thuận thương mại toàn khu vực là mục tiêu chính của ASEAN trong năm nay và việc này sẽ giúp thúc đẩy sự hồi phục kinh tế của khu vực trong 2 năm tới.
Bốc dỡ container hàng hóa tại cảng Pasir Panjang ở Singapore ngày 17/8/2020. (Ảnh: THX/TTXVN) |
Phóng viên TTXVN tại Singapore dẫn nhật báo The Straits Times ngày 12/11 nhận định Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sẽ là tâm điểm của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 do nước Chủ tịch ASEAN là Việt Nam chủ trì, diễn ra theo hình thức trực tuyến từ ngày 12-15/11.
Theo bài viết, việc ký kết thỏa thuận thương mại toàn khu vực là mục tiêu chính của ASEAN trong năm nay và sẽ giúp thúc đẩy sự hồi phục kinh tế của khu vực trong 2 năm tới.
Nếu được ký kết, RCEP sẽ là hiệp định thương mại lớn nhất thế giới, ngay cả khi không có sự tham gia của Ấn Độ, quốc gia đã quyết định rút lui vào năm ngoái.
RCEP hiện có 15 nước, gồm 10 quốc gia thành viên của ASEAN cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand, các nền kinh tế RCEP chiếm khoảng 1/3 Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới.
Riêng ASEAN, với dân số gần 640 triệu người và tổng GDP 2,57 nghìn tỷ USD, được dự báo sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 trên thế giới vào năm 2030.
Quan chức thương mại cấp cao của Indonesia, Iman Pambagyo, Chủ nhiệm Ủy ban Đàm phán Thương mại RCEP, chia sẻ với tờ The Straits Times rằng các nước tham gia hy vọng thỏa thuận sẽ thúc đẩy sự phục hồi kinh tế trong hai năm tới tại khu vực, nơi một chuỗi cung ứng khu vực đã được xây dựng, nhờ có các thoả thuận thương mại tự do giữa ASEAN và các đối tác thương mại.
Ông Iman Pambagyo nhận định trong bối cảnh niềm tin vào hệ thống thương mại đa phương đang ở mức thấp, căng thẳng thương mại đang diễn ra giữa một số quốc gia, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng và tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, việc ký kết RCEP là một thông điệp gửi tới thế giới rằng các nước trong khu vực vẫn lạc quan và có định hướng tương lai về việc làm sâu sắc thêm và mở rộng hội nhập kinh tế khu vực nhằm đóng vai trò mạnh mẽ hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo lịch trình, ngày 12/11, các nhà lãnh đạo ASEAN tham gia hội nghị cấp cao với Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Hội nghị cấp cao ASEAN-Nhật Bản sẽ chứng kiến sự ra mắt của Trung tâm ASEAN đáp ứng các tình huống y tế khẩn cấp và bệnh truyền nhiễm mới nổi (ACPHEED). Hội nghị cấp cao các nữ lãnh đạo ASEAN cũng diễn ra vào tối 12/11.
Ngày 14/11, các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ có các hội nghị cấp cao với Mỹ, Australia và New Zealand, cũng như Hội nghị cấp cao ASEAN+3 với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) sẽ diễn ra cùng ngày.
EAS là diễn đàn để 10 quốc gia ASEAN và 8 đối tác chính gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Mỹ và Nga - thảo luận về các vấn đề chính trị, an ninh và kinh tế ảnh hưởng đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Trước đó, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan trong bài viết đăng trên Facebook cá nhân ngày 10/11 cho biết nhiều sáng kiến liên quan tới đại dịch COVID-19 đã được bàn thảo và thống nhất ký kết tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 37.
Các sáng kiến này sẽ giúp định hình sự phục hồi của khu vực hậu COVID-19./.
https://www.vietnamplus.vn/Utilities/Print.aspx?contentid=676493