Trí tuệ nhân tạo thay đổi báo chí thế giới như thế nào?

Tổ chức cố vấn truyền thông Polis thuộc Trường Khoa học Chính trị và Kinh tế London cho rằng trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ không lấy mất công việc của nhà báo, nhưng các tòa soạn cần sớm áp dụng công nghệ AI để theo kịp xu thế làm báo thời đại mới.

AI có thể làm gì cho báo chí?

Robot tích hợp AI có thể tự mình sản xuất tin tức. Ảnh: Getty Images

Theo tạp chí Forbes, xét về tổng thể, ngành báo chí phụ thuộc nhiều vào công nghệ. Công nghệ là yếu tố chủ chốt, đóng vai trò quan trọng trong sản xuất tin tức, giúp đưa tin tức gần như ngay tức thì khi sự kiện xảy ra. Tuy nhiên, công nghệ không chỉ là thứ được ngành báo chí sử dụng mà bản thân công nghệ đang thay đổi ngày càng nhiều cách thức truyền tải tin tức và vận hành của ngành báo chí thế giới. Nói cách khác, các tòa soạn báo sử dụng công nghệ nói chung và AI nói riêng để sản xuất, xuất bản và chia sẻ tin tức. Thậm chí, thời gian gần đây AI đã tự mình sản xuất tin tức mà nếu không tinh ý, không mấy ai có thể phát hiện ra. 

Các tòa soạn báo hiện đại trên thế giới đang tận dụng hệ thống AI để tìm kiếm, phát hiện dữ liệu từ nhiều nguồn và tự động tổng hợp dữ liệu thành các bài báo hoặc hỗ trợ nghiên cứu cho các bài viết. Khi sử dụng các thuật toán hiện đại, các tòa soạn dễ dàng tìm ra thông tin phù hợp trong vô số dữ liệu từ thông cáo báo chí, bài đăng trên blog, bình luận của bạn đọc, bài đăng trên mạng xã hội, hình ảnh, video và mọi loại nội dung khác. Từ đó, tòa soạn báo có thể nhanh chóng xây dựng tuyến tin theo diễn biến, sản xuất nội dung một cách chính xác so với tình hình đang thay đổi. 

AI là nguồn lực lớn, giúp đưa tin về những sự kiện mà phóng viên không phải lúc nào cũng có thể tiếp cận tận nơi để thu thập và khai thác nguồn tin, như các trận đấu thể thao, bầu cử ở cấp địa phương hay tại các vùng chiến sự. 

Các hệ thống AI được sử dụng để thu thập thông tin cho hoạt động tiếp thị, quảng cáo. Nhờ đó, các tòa soạn báo có thể phát hiện ra cách tốt nhất để kết nối với độc giả, tạo hiệu quả tốt hơn cho các nhà quảng cáo và kiếm tiền từ nội dung báo chí. 

AI cũng giúp độc giả hưởng lợi khi có thể giới Robot tích hợp AI có thể tự mình sản xuất tin tức. thiệu, đề xuất cho họ các nội dung tin tức liên quan tới sở thích, mối quan tâm của họ. Nhờ đó, AI giữ chân độc giả lâu hơn trên trang báo và giúp họ tìm tới nhiều bài viết hơn. 

AI không chỉ đơn giản được dùng để tổng hợp thông tin, một số tòa soạn báo còn để hệ thống AI “viết” toàn bộ bài báo từ thông tin sẵn có. Tạp chí Forbes đã triển khai Hệ thống Quản lý Nội dung tích hợp AI có tên Bertie. Hệ thống này chuyên gợi ý nội dung và tít cho các bài báo. 

Tờ Washington Post áp dụng hệ thống Heliograf có thể sản xuất toàn bộ bài báo từ dữ liệu có sẵn. Bloomberg thì sử dụng Cyborg để sản xuất nội dung và quản lý. Các tờ báo, hãng tin khác như The Guardian, AP hay Reuters đều đang sử dụng hoặc thử nghiệm AI. Hãng tin The Canadian Press đã phát triển một hệ thống để tăng tốc độ dịch dựa trên AI. Hãng tin AFP cũng dùng AI để phát hiện ảnh đã bị chỉnh sửa. Nhiều tòa soạn báo nói trên sử dụng AI để viết báo cáo cho các cổ đông, văn bản pháp lý, thông cáo báo chí, báo cáo tổng hợp và tin tức. 

Ngoài ra, AI còn là công cụ đắc lực để phát hiện tin giả trong bối cảnh ngày càng khó phân biệt tin thật với tin giả. AI cung cấp các công cụ thể giúp nhà sản xuất nội dung và đơn vị xuất bản xác định tin giả, giảm ảnh hưởng của tin giả tới người đọc. Hệ thống AI có thể xác định đặc điểm nguồn dữ liệu thật, nội dung tin tức thật với những thứ được chủ ý tạo ra. Trong vấn đề này, AI đóng vai trò kiểm soát, biên tập tin tức vòng đầu, tự động xác minh nguồn tin từ bên thứ ba, giúp củng cố tin thật và loại bỏ thông tin sai. 

AI cũng có thể phát hiện các bình luận giả do các chương trình phần mềm tự động tạo ra nhằm cố ý khuếch trương tin giả thông qua chia sẻ trên mạng xã hội. Kết hợp với machine learning (học máy), AI có thể nhổ tận gốc tình trạng chia sẻ tin giả bằng cách xóa hoặc ẩn bình luận, đánh dấu nội dung để điều phối, ngăn chặn thông tin giả lan khắp thế giới không kiểm soát. 

AI không thay thế nhà báo

Các tòa soạn báo cần sử dụng công nghệ để phù hợp xu thế mới. Ảnh: Reuters

Khi AI có thể làm nhiều việc như vậy, nhiều người lo lắng liệu AI thay thế toàn bộ hoạt động tác nghiệp truyền thống của nhà báo. Lo lắng này không phải là không có cơ sở. Hồi tháng 3, tập đoàn Microsof đã sa thải 50 phóng viên làm việc tại trang MSN và định dùng phần mềm AI để thay thế họ. Microsoft cho rằng AI có thể lựa chọn, biên tập và điều phối tin tức trên các trang chủ của hãng. 

Một phóng viên bị sa thải nói: “Tôi dành hết thời gian để đọc tin tức về việc AI và tự động hóa sẽ lấy mọi công việc của con người và giờ tôi rơi vào tình cảnh này. AI đã lấy mất việc làm của tôi”. 

Tuy nhiên, Giáo sư báo chí Patrick White tại Đại học Quebec (Canada) nhận định: “Dù AI cần là trung tâm của mô hình kinh doanh báo chí trong tương lai nhưng AI không thay thế nhà báo hay cướp việc làm của họ”. Ông White cho rằng chỉ 8-12% khối lượng công việc hiện tại của phóng viên sẽ do máy móc đảm nhiệm. Khi không còn phải làm những công việc mà AI có thể thực hiện hiệu quả hơn, biên tập viên, phóng viên sẽ được định hướng để sản xuất các nội dung có giá trị gia tăng: viết bài dạng long-form (bài chuyên sâu), phỏng vấn, phân tích, báo chí dữ liệu, điều tra – những công việc đòi hỏi con người phải trực tiếp tham gia. Sản phẩm do AI tạo ra rất thuyết phục nhưng cũng có những hạn chế của công nghệ này. 

Bà Lisa Gibbs, Giám đốc đối tác tin tức của hãng tin AP, nói: “Công việc báo chí là sáng tạo, là sự tò mò, là kể chuyện, là đào xới và yêu cầu các chính quyền chịu trách nhiệm, là tư duy phản biện, là đánh giá và đó là những gì chúng tôi muốn phóng viên dành công sức làm”. 

AI phân tích cơ sở dữ liệu lớn và có thể gửi cho các phóng viên Bloomberg News một báo cáo về xu hướng hay điều bất thường mà nó phát hiện từ dữ liệu. AI cũng có thể giúp phóng viên tiết kiệm nhiều thời gian khi tự “bóc băng” phỏng vấn dạng âm thanh, video như ở AFP. AI hiệu quả khi làm tin trong nháy mắt về ô nhiễm, bạo lực – những vấn đề vốn dựa vào cơ sở dữ liệu. 

Tuy nhiên, công việc cần thiết mà phóng viên nào cũng phải làm là kiểm tra thông tin, phân tích thông tin, đặt thông tin trong bối cảnh… thì chỉ con người mới làm được, AI khó có thể thay thế. Về mặt này, con người vẫn phải là trung tâm trong toàn bộ quy trình sản xuất báo chí. 

Giáo sư báo chí Francesco Marconi thuộc Đại học Columbia ở New York (Mỹ), nhận định rằng thế giới báo chí hiện nay chưa theo kịp tốc độ phát triển của công nghệ mới. Vì thế, các tòa soạn báo cần tận dụng những gì mà AI có thể mang lại và xây dựng một mô hình mới. Xét cho cùng, trong cả trăm năm qua, báo chí luôn thay đổi theo từng làn sóng công nghệ và trong giai đoạn thay đổi đó, báo chí cần tận dụng sức mạnh của AI để phát triển trong thế giới số.

Nguồn: Thùy Dương/baotintuc.vn

https://baotintuc.vn/khoa-hoc-cong-nghe/tri-tue-nhan-tao-thay-doi-bao-chi-the-gioi-nhu-the-nao-20200914154033476.htm

Tin nổi bật