Tạp chí Mỹ “nể” sức mạnh xe đạp thồ của Việt Nam trong chiến tranh
Trong điều kiện rừng núi ở Việt Nam, xe đạp chính là đối thủ “đáng gờm” của các công nghệ chiến tranh hiện đại tốt nhất của thế kỷ 20 và được mệnh danh là “Những con ngựa thép” của quân đội Việt Nam.
Đó là nhận định đáng chú ý của tác giả Arnold Blumberg trong bài viết Pedal Power – Bicycles in Wartime Vietnam (Sức mạnh bàn đạp – Những xe đạp trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam) đăng trên Tạp chí điện tử Historynet.com của Mỹ.
Theo bài viết, Việt Nam đã chiến thắng các đối phương như Pháp và Mỹ trong cuộc chiến giành độc lập và vệ quốc là nhờ vào ý chí sắt đá và sự bền bỉ của hàng triệu người dân Việt Nam, mặc dù sử dụng nhiều phương tiện thô sơ để chống lại công nghệ tác chiến tối tân.
Xe đạp thồ của dân công Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ. |
Tuy các phương tiện công nghệ thấp như xe đạp thường bị xem nhẹ bởi các đối phương nhưng đã chứng tỏ được kết quả đáng nể trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và sau đó là đế quốc Mỹ. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, quân đội Việt Nam đã kết hợp nhiều phương thức vận tải khác nhau và có số lượng xe đạp quân sự nhiều nhất trong lịch sử. Historynet.com thống kê, Việt Nam lúc đó đã có 60.000 người sử dụng xe đạp thồ cho chiến dịch Điện Biên Phủ.
Sự duy trì con đường tiếp tế bằng xe đạp đã khiến cho quân đội thực dân Pháp lúc đó dù biết được tuyến đường đi cũng rất khó đánh phá. Không những không thể nào có đủ số lượng máy bay để cắt đường vận tải bằng xe đạp mà thực dân Pháp còn gặp khó trong việc xác định mục tiêu một cách chính xác do xe đạp di chuyển trong điều kiện rừng già ở Việt Nam.
Trong cuộc đấu tranh chống Pháp và sau đó là đế quốc Mỹ, quân đội Việt Nam rất ưa dùng các xe đạp Peugeot do Pháp sản xuất và sau đó là dòng xe Favorit do Séc sản xuất. Tạp chí Historynet cho biết trong thời gian 1961-1962, một trong những xe đạp Favorit của quân đội Việt Nam đã đạt kỷ lục vận tải được 100 tấn.
Xe đạp dễ dàng được chỉnh sửa, tăng sức mạnh và tải trọng thồ. |
Khả năng tải lớn, xe đạp lại hoạt động rất hiệu quả ở các con đường hẹp trong mùa khô ở Việt Nam và đặc biệt là dễ dàng chỉnh sửa để bảo dưỡng. Khung xe có thể gắn thêm các thanh tre, gỗ, kim loại để tăng cường sức mạnh. Khi chở nhiều đồ, thanh tay lái xe đạp sẽ được gắn thêm gậy gỗ hoặc tre để có thể dễ dàng cầm và điều khiển xe.
Một chiếc xe đạp của quân đội Việt Nam khi chỉnh sửa có thể đạt khả năng tải trung bình 440 pounds (199,58 kg), tối đa là 600 pounds (272,15 kg). Kỷ lục một xe đạp tải được 724 pounds (328,4 kg) đã được ghi nhận trong chiến dịch Điện Biên Phủ và thành tựu này tiếp tục được ghi nhận vào năm 1964 khi một xe đạp của quân đội Việt Nam lúc đó có thể tải được 924 pounds (419,119 kg) đi dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh. Những chiếc xe đạp này được Historynet.com gọi là “steel horses” (Những con ngựa thép).
Những chiếc xe đạp thồ này cũng trở thành phương tiện vận tải quan trọng trong chiến tranh chống Đế quốc Mỹ. |
Ngoài vận chuyển người và các thiết bị quân nhu, xe đạp còn đáp ứng nhu cầu vận chuyển thương binh ở chiến trường. Theo Historynet, vào năm 1968 một nhà cung cấp xe đạp Peugeot đã sản xuất một mẫu xe đặc biệt cho quân đội Việt Nam, bao gồm cả các dụng cụ y tế và phẫu thuật, trong khi hai đèn pha có khả năng chiếu sáng cho cả một khu vực chăm sóc bệnh nhân nhỏ.
Trong chiến tranh chống Đế quốc Mỹ, quân đội Việt Nam đã sử dụng hàng trăm nghìn xe đạp. Những cỗ xe hai bánh này còn được người Mỹ ví như “pickup trucks” (xe tải nhỏ), hoạt động suốt ngày để vận chuyển lương thực và vũ khí cho tiền tuyến. Trên đường đi lái xe đạp sẽ nghỉ tại các trạm sau khi di chuyển được vài ngày rồi tiếp tục đi để tránh sự phát hiện của đối phương.
Cho dù sau đó quân đội Việt Nam đã sử dụng rất nhiều xe tải cho chiến trường miền Nam nhưng các xe đạp vẫn tiếp tục đóng vai trò là phương tiện vận tải thiết bị cho quân đội. Tạp chí Mỹ Historynet tổng kết, trong điều kiện rừng già ở Việt Nam, xe đạp đã trở thành một đối trọng trong cuộc đối đầu với công nghệ chiến tranh tốt nhất của thế kỷ 20 mà các đế quốc phương Tây có.