An toàn thông tin, an ninh mạng là yếu tố sống còn để chuyển đổi số quốc gia
An toàn, an ninh mạng là điều kiện cơ bản, là yếu tố sống còn để thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia. Tạo ra môi trường an toàn là điều kiện tiên quyết trong quá trình chuyển đổi số cũng như Chính phủ điện tử.
Đây là một trong những nội dung quan trọng được đề cập tại Hội nghị "Bảo đảm an toàn thông tin trong Chuyển đổi số quốc gia và Chính phủ điện tử" do Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) tổ chức tại Bà Rịa - Vũng Tàu sáng 17/10.
Hội nghị có sự tham gia của 26 Sở các tỉnh phía Nam, các bộ, ngành liên quan, các tổng công ty, tập đoàn có đại diện tại khu vực.
Chủ đề của Hội nghị tập trung vào an toàn thông tin, điều kiện cơ bản để thực hiện Chuyển đổi số quốc gia và Chính phủ điện tử.
Ông Nguyễn Khắc Lịch, Phó Cục trưởng Cục ATTT (Bộ TT&TT) trình bày tham luận tại hội nghị. |
Với sự xuất hiện của một số công nghệ mới mang tính đột phá, như AI, Big Data, IoT, cuộc cách mạng số đang gia tăng tốc độ, xuất hiện cơ hội để hình thành xã hội thông minh. Để tận dụng cơ hội của công nghệ số, các quốc gia phải thực hiện chuyển đổi số. Năm 2019 này, Việt Nam sẽ xây dựng đề án chuyển đổi số quốc gia, để xây dựng nền kinh tế số, xã hội số.
An toàn, an ninh mạng là điều kiện cơ bản, là yếu tố sống còn để thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia. Tạo ra môi trường an toàn để chính phủ, doanh nghiệp và người dân sử dụng công nghệ số là điều kiện tiên quyết trong quá trình chuyển đổi số cũng như Chính phủ điện tử. Việt Nam mong muốn và phải tạo ra một không gian an toàn để thực hiện các giao dịch số.
Hiện nay, Internet cũng như các công nghệ trong cuộc cách mạng số đang ngày càng đi sâu vào mọi mặt cuộc sống, tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội, nhưng đồng thời tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro về mất an toàn, an ninh mạng.
Do đó, giải pháp bắt đầu từ vấn đề nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong môi trường mạng là vô cùng quan trọng. Từ nhận thức đúng sẽ có hành động đúng và từ hành động đúng sẽ có thói quen an toàn, lành mạnh trên không gian mạng. Điều này cần sự chung tay của toàn xã hội, mỗi cá nhân trong cộng đồng này nhằm duy trì, phát triển an toàn thông tin (ATTT) mạng, bảo đảm an toàn thông tin mạng là bảo vệ chính chúng ta nhằm góp phần xây dựng không gian mạng an toàn, lành mạnh.
Bảo đảm an toàn thông tin cho chuyển đổi số và chính phủ điện tử không đơn thuần là ứng dụng các giải pháp đắt tiền mà quên đi yếu tố con người. Thực tiễn đã chứng minh cán bộ, công chức, viên chức, người lao động luôn là những mắt xích yếu nhất về an toàn thông tin. Một sự cố về mất an toàn thông tin của cơ quan, tổ chức có thể phát sinh từ những tình huống đơn giản nhất như chia sẻ mật khẩu hay sử dụng email không đúng cách...
Do vậy, việc bồi dưỡng kiến thức, nâng cao nhận thức về ATTT cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cần phải được chú trọng và thực hiện thường xuyên hơn nữa.
Tại Hội nghị sáng nay, các bài trình bày được đưa ra để nâng cao nhận thức về an toàn thông tin bao gồm: Công tác bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng; Tổng quan Chỉ thị số 14/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao năng lực phòng, chống phần mềm độc hại (năm 2018) và Chỉ thị số 14/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường bảo đảm an toàn thông tin nhằm cải thiện chỉ số xếp hạng của Việt Nam; Triển khai công tác bảo đảm an toàn thông tin tại Bà Rịa - Vũng Tàu; Bảo vệ thông tin cá nhân trong chuyển đổi số; Mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia.
Bộ TT&TT mong muốn sau mỗi hội thảo, hội nghị, nhận thức về ATTT của cộng đồng và xã hội ngày càng được cải thiện và khi áp dụng thường xuyên, hình thành những kỹ năng để mỗi người tự bảo vệ bản thân, bảo vệ gia đình từ đó tiến tới bảo vệ cơ quan, tổ chức và quốc gia trên không gian mạng.
H.P/vietnamnet.vn