Kiểu “Tây” hay “ta”
Có lẽ ai bước vào nghề báo cũng đều nghe nói và có lần thử thực hành lối viết tin theo dạng “kim tự tháp ngược” và cũng chú ý đến những yếu tố thường nghe nhắc đến: ai, cái gì, ở đâu, khi nào, tại sao và như thế nào. Điều này càng đúng với những phóng viên trẻ vừa mới tham dự các khóa tập huấn do nhà báo nước ngoài phụ trách.
Ảnh minh họa: hibicc |
Thế nhưng sự đời không đơn giản như sách giáo khoa nghề báo. Thực tế ít khi phóng viên mới vào nghề áp dụng hình thức viết ngược này vì nhiều lý do. Trước hết, tâm lý người Việt chúng ta thích cái gì cũng có đầu có đũa. Từ nhỏ chúng ta từng nghe người lớn la rầy, yêu cầu kể chuyện gì cũng phải từ đầu mà nói. Vì vậy, không lạ gì chúng ta thường đọc một bản tin dài, bắt đầu bằng lai lịch một công ty liên doanh, sau đó là quá trình hoạt động qua nhiều thời gian và cuối cùng mới nói chuyện chính: bên nước ngoài mua lại phần góp vốn của bên Việt Nam và biến liên doanh thành công ty 100% vốn nước ngoài. Đây là một quán tính không dễ gì sửa đổi dù người viết, sau khi đọc tin đã đăng, mới sực tỉnh mình viết sai “nguyên tắc” rồi.
Thứ hai, việc áp dụng hình thức tháp ngược một cách cứng nhắc lại không được người đọc chấp nhận, và chính người viết cũng cảm thấy có gì đó không ổn, lai “Tây”. Lấy một tin giả định như sau:
Một quan chức Ngân hàng Nhà nước hôm qua cho biết sẽ cấp thêm hai giấy phép thành lập công ty chứng khoán cho hai ngân hàng nữa.
Ông Lê Đức Thúy, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói với phóng viên trong một cuộc họp báo thường kỳ tại Hà Nội rằng Ngân hàng Nhà nước tuần tới sẽ cấp cho Ngân hàng XXX và Ngân hàng YYY giấy phép thành lập các công ty chứng khoán trực thuộc các ngân hàng này.
“Chúng tôi đã xem xét hồ sơ và sẽ chính thức trao giấy phép vào thứ Hai tuần tới,” ông Thúy cho biết.
Sau khi thấy điều không ổn nói trên, biết tin mình vừa viết trông dài dòng không tự nhiên và chấp nhận lối viết thông thường, phóng viên chữa lại:
“Trong buổi họp báo thường kỳ vào ngày 12-3, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy cho biết thứ Hai tuần tới sẽ trao hai giấy phép thành lập công ty chứng khoán cho hai ngân hàng gồm XXX và YYY, nâng số công ty chứng khoán đã được cấp phép lên bốn công ty.”
Phải nói ngay trường hợp này là cách làm đúng chứ không phải lúc nào phóng viên cũng buộc phải theo cấu trình hình tháp ngược một cách cứng nhắc như bản thảo đầu tiên. Vấn đề ở chỗ hiểu cấu trúc này như thế nào và áp dụng vào việc viết báo cho người dân Việt Nam ra sao.
Khác với người dân phương Tây, thường phải liếc qua hàng chục trang báo mỗi sáng để nắm thông tin bao quát và đọc kỹ những tin nào mình thích, dân Việt Nam còn thời giờ để đọc chậm, đọc hết cả tin. Cấu trúc câu của tiếng Việt khác với cấu trúc câu tiếng Anh cho nên không thể cứng nhắc đưa yếu tố thời gian ra sau: ông XYZ nói vào hôm qua… Diện tích trang tin của báo Việt Nam còn ít, không thể hào phóng viết theo dạng vòng tròn đồng tâm, câu sau mở rộng thêm một chút như báo chí nước ngoài.
Cho nên, theo ý kiến riêng của người viết bài này, phóng viên trẻ hãy làm một phép thử: nếu mình kể tin đó cho bạn bè, người thân nghe, mình sẽ bắt đầu như thế nào thì khi viết tin cũng nên bắt đầu như thế đó. Nếu làm được điều này một cách nhuần nhuyễn, không gượng ép, thì chính là bạn đang viết theo hình thức tháp ngược, là đang đưa mọi yếu tố who, what, when, where, why, how vào tin mà không còn ngại đang viết theo lối “Tây” hay “ta”. Nói cách khác, biết mình muốn nói gì và nói nó ra - đó là câu mở.
Ví dụ, dự một hội nghị, chúng ta có thể thấy mất thì giờ một cách vô ích vì diễn tiến hoàn toàn như trong chương trình in và phát trước: cũng đọc diễn văn khai mạc, cũng phát biểu ý kiến và đọc tham luận, xong rồi phát biểu kết thúc hội nghị. Tất cả đã được in và phát trước. Bây giờ mở đầu tin như thế nào đây?
Nếu hôm đó về nhà, bạn không có hứng thú kể lại cho ai nghe về hội nghị thì chỉ nên viết một tin ngắn và đưa vào mục tin vắn. Nhưng nếu bạn về và hào hứng kể lại, trong hội nghị hôm nay, ông gì đó có cho biết sẽ ký kết một dự án lớn mà trước đây nhiều báo săn tin chưa được…, bạn hãy bắt đầu tin của bạn với thông tin này và khi đó bản thân hội nghị chỉ là thông tin nền cho biết bối cảnh nguồn tin phát ra tin trên.
Nhìn một cách khác, bạn hãy hình dung trang báo chật, tin nhiều, nhiệm vụ của bạn là kể làm sao cho người đứng trang nghe lọt lỗ tai và chừa cho bạn mấy cột báo. Kể với mục đích thuyết phục như vậy, bạn sẽ phải nhớ lại chi tiết gì hay nhất, hấp dẫn nhất, thời sự nhất để tung ra ngay từ đầu. Sau đó, bạn phải dùng những chi tiết đắt nhất, minh họa rõ nhất, và củng cố tính chính xác để tiếp tục thuyết phục người đứng trang. Một cách khác nữa là tưởng tượng bạn đang phải viết một bức điện tín gởi đi nước ngoài, mỗi chữ tốn mất cả chục ngàn. Chỉ với suy nghĩ này thôi, bạn sẽ phải tiết kiệm lời, sao cho nói càng ít mà kể được hết điều muốn nói là tốt nhất.
Quá trình này cũng là quá trình sắp xếp viết tin từ lúc mở cho đến lúc kết. Phần đông các bạn ít chú ý đến cái kết của tin bài. Thật ra, đây chính là phần sẽ còn đọng lại trong tâm trí người đọc. Nên gia công làm sao để chính bạn hài lòng với cái kết bài như từng trăn trở làm sao mở bài cho hay; như vậy chắc chắn các bạn sẽ để lại một ấn tượng tốt ở người đọc.
Theo Nguyễn Vạn Phú
“Nhà báo viết về nghề báo” – Nhà Xuất bản trẻ, Thời báo Kinh tế Sài Gòn