Boris Johnson: Từ nhà báo tới chính khách
Là ứng viên hàng đầu trong cuộc đua tới cương vị Thủ tướng Anh, ít người biết rằng Boris Johnson từng bị một tờ báo sa thải khi mới vào nghề.
Boris Johnson. Ảnh: GI |
Với một người kiếm được 275000 bảng/năm từ việc viết báo mỗi tuần cho tờ Daily Telegraph, Boris có một sự nghiệp báo chí chẳng mấy dễ dàng.
Sự nghiệp báo chí của ông có dấu mốc quan trọng vào năm 1988, nhưng điều đó cũng chẳng mấy tốt đẹp. Chỉ sau 1 năm thực tập sau khi ra trường, ông đã bị tờ Times sa thải khi bị bắt gặp "chế" lời của chính cha đỡ đầu của mình, một giáo sư tại Oxford về một sự kiện lịch sử.
Tuy nhiên, mặc cho việc vi phạm một trong những quy tắc vàng của làng báo, ông vẫn nhanh chóng được tờ Daily Telegraph thuê và trở thành trưởng văn phòng đại diện tại Brussels của tờ báo vào năm 1989.
Kể từ đó, ông bắt đầu thúc đẩy phong trào báo chí chống lại châu Âu, với các bài báo chỉ trích và mỉa mai châu Âu mà hiếm khi người ta kiểm chứng được nguồn thông tin. Cũng trong thời điểm này, ông thường xuyên viết những bài báo tấn công vào đảng Bảo thủ, với nhiều câu châm biếm để đời.
Từ năm 1999 tới năm 2005, ông trở thành Tổng Biên tập tờ Spectator. Ông đã cho xuất bản một bài báo gây nhiều tranh cãi của nhà báo kỳ cựu Taki, nói rằng: "Những người phương Đông có não lớn hơn và chỉ số IQ cao hơn. Những người da đen thì ở phía ngược lại".
Boris Johnson trong lễ kỷ niệm của tờ Spectator. Ảnh: GI |
Cũng tại thời điểm này, sự nghiệp chính trị của ông bắt đầu thăng hoa. Những năm làm Tổng Biên tập cho tờ Spectator cũng trùng khớp với thời gian ông tham gia tranh cử chức nghị sĩ. Thậm chí, quyết định tranh cử này của ông được đưa ra ngay sau khi ông vừa hứa với gia đình Black, những người sở hữu tờ Spectator rằng ông sẽ dừng những tham vọng chính trị của mình để tập trung cho tờ báo.
Những năm này cũng là thời điểm thăng hoa nhất trong sự nghiệp báo chí của ông, khi ngoài việc làm Tổng Biên tập cho tờ Spectator, ông còn viết bài cho Telegraph, GQ, cùng hợp tác xuất bản nhiều cuốn sách khác. Tờ báo dưới quyền của ông được người ta ví von với cái tên "Sextator", khi chính vị Tổng Biên tập của họ, nhà báo ngôi sao này liên tục dính vào các scandal ngoại tình.
Boris Johnson cùng vợ cũ, Marina Wheeler trong cuộc bầu cử năm 2001. Ảnh: PA |
Năm 2004, ông cũng đã phải lên tiếng xin lỗi vì số đặc biệt của tờ báo liên quan tới một vụ sát hại một cư dân của thành phố Liverpool tại Iraq, và rằng thành phố này đang làm quá lên. Vụ việc đã khiến ông suýt bị sa thải và phải tới tận nhà nạn nhân để xin lỗi.
Nhưng cũng chỉ 1 tháng sau, Johnson đã bị phát hiện gian díu với một nhà báo khác của tờ báo này, Petronella Wyatt. Thậm chí tại thời điểm đó Wyatt đã có bầu và lựa chọn việc phá thai, còn Johnson thì từ chối trả chi phí 1,500 Bảng. Ông vẫn lựa chọn cách giấu diếm vụ việc, và mọi sự vỡ lở khi mẹ của Wyatt lên tiếng thừa nhận rằng con gái bà có qua lại với Boris. 2 tiếng sau, ông bị sa thải khỏi ủy ban điều hành của đảng Bảo thủ.
Theo những nhà báo khác nhận định thì cách tiếp cận vấn đề của ông Boris khá hời hợt, khi thường xuyên để xảy ra lỗi trong các bài báo của mình. Mới đây nhất, hồi tháng 1 vừa qua, tờ Telegraph đã phải đăng một bản đính chính và xin lỗi vì bài báo của ông Johnson, nói rằng lựa chọn Brexit không thỏa thuận là 1 trong những lựa chọn được người dân ủng hộ nhiều nhất.
Bên trong tòa soạn của Telegraph, Boris luôn được biết tới vì thường xuyên gửi bài muộn, thường xuyên cung cấp thông tin cho các báo bạn thông qua các mạng xã hội trong khi nhận lương của báo.
Hình ảnh quen thuộc của Boris Johnson trên các mặt báo. Ảnh: GI |
Còn các nhân viên dưới quyền ông tại tờ Spectator thì nói rằng ông thường xuyên phải dựa vào cấp dưới của mình, Stuart Reid để điều hành tờ báo.
Peter Oborne, một nhà báo chính trị nói rằng ông nhận được rất ít chỉ đạo từ phía Johnson, "đôi khi chỉ là cuộc gọi chớp nhoáng kéo dài 2 phút vào chiều Chủ nhật". Thậm chí Boris còn bỏ qua những thông tin bên trong độc quyền của đảng Bảo thủ dù bản thân là một thành viên.
Các cuộc họp phóng viên thì khá hời hợt, thường xuyên biến thành một vở tấu hài. "Chẳng quan trọng việc bạn có bài hay không, chỉ cần bạn biết nói đùa là được", Andrew Gimson nhận định.
Nhưng, mặc cho những biến cố trong nghề báo, chẳng ai có thể phủ nhận tài năng chính trị của ông. Chính những chiến thắng trong cuộc đua vào chức nghị sĩ tỉnh Henley, rồi cuộc đua vào ghế Thị trưởng London và giờ đây, dẫn đầu trong cuộc đua vào cương vị Thủ tướng Anh.
Có chăng, Boris Johnson sẽ giống như một Donald Trump thứ hai?
Theo Hoàng Việt (Theo Reuters)/congluan.vn