Bộ trưởng TT&TT: "Thế hệ trẻ hãy nhận việc khó để tạo ra giá trị"
Đối thoại với đoàn viên thanh niên, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ: “Thế hệ trẻ hãy nhận lấy việc khó mà làm. Khi đó, chúng ta không những tạo ra giá trị cho cơ quan tổ chức mà bản thân cũng sẽ trưởng thành hơn”.
Chiều 25/3, tại trụ sở Bộ TT&TT đã diễn ra buổi đối thoại giữa Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng cùng hơn 300 đoàn viên thanh niên các đơn vị thuộc Bộ TT&TT. Đây là một phần trong chuỗi hoạt động nhằm kỷ niệm 88 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh 26/3/1931 - 26/3/2019.
Buổi đối thoại giữa Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cùng hơn 300 đoàn viên thanh niên các đơn vị thuộc Bộ TT&TT. |
Chương trình đối thoại cũng là dịp để Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trực tiếp gặp gỡ, trao đổi, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của thế hệ trẻ, đồng thời giải đáp những thắc mắc, kiến nghị của đoàn viên, thanh niên các đơn vị trực thuộc Bộ.
Người Việt Nam rất giỏi, phải tìm cách nâng cao thứ hạng Việt Nam
Tại buổi gặp mặt, nhiều câu hỏi đã được đặt ra xoay quanh vấn đề khởi nghiệp, cùng với đó là việc thế hệ trẻ phải làm gì để phát triển đất nước và tạo ra sự khác biệt.
Trước câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng nhiệm vụ bao trùm đối với thế hệ trẻ là phải làm thế nào để tăng được thứ hạng Việt Nam.
Theo người đứng đầu Bộ TT&TT, Việt Nam có cơ hội tốt để vượt qua bẫy thu nhập trung bình và trở thành một nước phát triển. “Gần đây, nhiều chuyên gia, các học giả và cả các nhà lãnh đạo đất nước nói rất nhiều về thời điểm năm 2045, khi Việt Nam tròn 100 năm dựng nước. Khi ấy, chúng ta sẽ trở thành nước phát triển, vượt qua ngưỡng thu nhập trung bình”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, thế hệ trẻ phải phải tìm cách nâng cao thứ hạng Việt Nam trên trường quốc tế. |
Do lĩnh vực ICT thường đi tiên phong, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng thế hệ trẻ của ngành TT&TT cần đặt mục tiêu nâng cao thứ hạng Việt Nam trong lĩnh vực của mình, trước hết là ở lĩnh vực viễn thông và an toàn an ninh mạng. Để có tiếng nói trên thị trường quốc tế, 2 lĩnh vực này Việt Nam phải lọt top 50, thậm chí là nằm trong top 30 nước dẫn đầu.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, người Việt hay tự ti do chúng ta còn đang là một nước chậm phát triển. “Tuy nhiên, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 15 toàn cầu về dân số. Chúng ta cũng là một trong những nước phát triển nhanh nhất, cả thế giới đánh giá là người Việt Nam thông minh. Người Việt cũng vô địch về sự linh hoạt, ứng biến nhanh”.
Trong một thế giới phẳng, tình hình thế giới đang ngày càng trở nên khó dự đoán. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, trong bối cảnh này, cách tốt nhất là chúng ta phải thích nghi. Đây là một thế mạnh của người Việt bởi chúng ta thường giỏi trong việc làm những gì ngoài kế hoạch.
Động lực nào biến Viettel thành doanh nghiệp tỷ USD?
Trao đổi tại buổi đối thoại, bạn Nguyễn Thanh Hường, đoàn viên Học viện CNBCVT bày tỏ niềm ngưỡng mộ của mình đối với sự phát triển của Tập đoàn Viettel dưới thời Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng làm lãnh đạo và tò mò muốn biết về động lực nào đã tạo nên thành công đó.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ quan điểm của mình và cho biết, động lực xuất phát từ giấc mơ. Có thể mỗi người sẽ có một giấc mơ khác nhau, tuỳ theo vị trí của mình.
Bạn Nguyễn Thanh Hường, đoàn viên Học viện CNBCVT bày tỏ niềm ngưỡng mộ của mình đối với sự phát triển của Tập đoàn Viettel dưới thời Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng. |
“Khi Viettel mới hình thành, lúc ấy chỉ 4% người dân Việt Nam có điện thoại di động. Anh mong muốn thay đổi điều đó để đưa điện thoại đến 100% người Việt Nam. Mơ ước hồi đấy của anh là một đứa trẻ ngồi trên lưng trâu cũng có thể tự học bằng một chiếc điện thoại di động. Hay đơn giản hơn là có thể liên lạc dễ dàng với bố mẹ ở quê nhà”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
“Hồi đấy Viettel chỉ có khoảng 100 người, trong đó chỉ 5 người làm viễn thông. Thế nhưng tất cả đều có khát vọng như vậy”.
Nhìn nhận ở một góc độ tổng thể hơn, theo người đứng đầu ngành TT&TT, có nhiều định nghĩa khác nhau về khởi nghiệp, tuy nhiên nó đơn giản chỉ là việc giải quyết các vấn đề còn đang tồn tại của xã hội.
“Đầu tiên phải nhìn ra vấn đề, tiếp đến là xem mình có năng lực giải quyết vấn đề đó hay không và cuối cùng là lao và thử”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
“Chỉ có 1 cách duy nhất để học cái mới là thử sai, thất bại rồi lại thử tiếp. Hãy chấp nhận thử và sai, coi thất bại ban đầu là bài học kinh nghiệm để tiến tới thành công. Với Việt Nam, chúng ta không có quá nhiều thứ để mất khi chấp nhận cái mới. Do vậy đây là cơ hội thuận lợi của đất nước mình”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.
Tài sản lớn nhất là những gì chúng ta trăn trở nhưng chưa biết
Khép lại buổi đối thoại, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết mong muốn của mình đối với thế hệ thanh niên là phải khoẻ. “Muốn khoẻ được, chúng ta phải làm những việc khó, những việc vượt qua giới hạn của mình. Sống ở vùng giới hạn nhiều hơn vùng an toàn”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng quan niệm tài sản lớn nhất là những gì chúng ta trăn trở nhưng chưa biết. |
Theo người đứng đầu Bộ TT&TT: “Thế hệ trẻ hãy nhận lấy việc khó mà làm, nhưng việc khó phải tạo ra giá trị. Khi đó, chúng ta không những tạo ra giá trị cho cơ quan tổ chức mà bản thân cũng sẽ trưởng thành hơn”.
Chia sẻ về triết lý của bản thân, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh rằng tài sản lớn nhất của mỗi người chúng ta là những gì chúng ta chưa biết dưới dạng các trăn trở, chứ không phải những gì chúng ta đã có và đã biết.
Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng mong muốn các đoàn viên thanh niên hãy trăn trở nhiều hơn, để trong đầu mình nhiều câu hỏi hơn, tự tin tìm câu trả lời cho bản thân từng ngày từng giờ bằng cách đọc và trao đổi.
Trọng Đạt/vietnamnet.vn