"Sự trỗi dậy của một cường quốc: cái nhìn từ bên trong"
Đây là tên gọi của cuốn sách của tác giả Arthur R.Kroeber được Omega xuất bản trong tháng 3/2019.
Cuốn sách này được xuất bản từ năm 2016, là kết quả hơn 10 năm ở Bắc Kinh của Kroeber đắm mình trong các câu hỏi về kinh tế và xã hội của Trung Quốc.
Cuốn sách thảo luận về con đường phát triển kinh tế Trung Quốc từ khi bắt đầu cải cách mở cửa năm 1978 đến năm 2015, một nỗ lực nhằm giải thích bằng cách nào nền kinh tế Trung Quốc đã đạt được vị trí như hiện nay, nó có thể hướng tới đâu trong những năm sắp tới, và sự trỗi dậy của Trung Quốc có ý nghĩa gì đối với phần còn lại của thế giới.
Tác giả đã hệ thống quyển sách này để tiếp cận tất cả các chủ đề lớn mà cần thiết để có được hiểu biết toàn diện về cách nền kinh tế Trung Quốc vận hành và tại sao nó được kiến tạo theo cách đó. Đồng thời phác họa những chiều hướng chính yếu trong sự tiến triển của nó từ năm 1979, khi Đặng Tiểu Bình mở đầu giai đoạn “cải cách và mở cửa”.
Chương mở đầu đặt bối cảnh bằng cách trình bày các bố cục kinh tế chính trị tổng quát của Trung Quốc.
Chương 2 đến Chương 4 mô tả các lĩnh vực hoạt động kinh tế - nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng các thành phố và cơ sở hạ tầng - là những phần quan trọng nhất theo trình tự đó trong câu chuyện phát triển kinh tế của Trung Quốc trong giai đoạn từ năm 1980 đến năm 2010.
Chương 5 đến Chương 8 phân tích cái mà người ta gọi là “hệ thần kinh” của nền kinh tế: tổ chức các doanh nghiệp tư nhân và các hệ thống tài khóa, tài chính và năng lượng.
Chương 9 đến Chương 11 cố gắng đưa cuộc thảo luận đến một cấp độ mang tính nhân sinh hơn và trình bày những gì có thể là những vấn đề nhức nhối nhất trong thập kỷ tới: những thay đổi về cơ cấu dân số và thị trường lao động; nền kinh tế tiêu dùng mới nổi; và các vấn đề xã hội có nhiều khả năng xáo trộn các thỏa thuận chính trị ở cấp trung ương nhất, cụ thể là sự bất bình đẳng và tham nhũng.
Hai chương cuối cùng trở lại tầng bình lưu và xử lý hai câu hỏi lớn đang chi phối các tranh luận công khai về hiện tình Trung Quốc. Chương 12 xem xét xác suất thành công của Trung Quốc trong nỗ lực chuyển đổi từ kiểu tăng trưởng “huy động nguồn lực” thừa hưởng từ năm 1979 sang kiểu tăng trưởng “sử dụng nguồn lực”. Chương cuối cùng đánh giá sự trỗi dậy thành siêu cường kinh tế của Trung Quốc có ý nghĩa gì đối với phần còn lại của thế giới.
Quyển sách này hữu ích cho những độc giả phổ thông có sự quan tâm sáng suốt về Trung Quốc và tác động toàn cầu của nó nhưng không nhất thiết có một nền tảng chuyên sâu về Trung Quốc lẫn kinh tế học.
Chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc và là người hiệu đính cuốn sách, TS. Phạm Sỹ Thành cho biết: “Điều làm tôi đánh giá cao cuốn sách là việc Kroeber đã kể một câu chuyện về cách các thỏa hiệp kinh tế được đưa ra - như góc nhìn của người trong cuộc… Không có gì là tối ưu, chỉ có cái thứ ưu trong một điều kiện cụ thể. Hiểu được điều đó bạn sẽ hiểu được “cái hay, cái dở” của nền kinh tế Trung Quốc. Khi gập cuốn sách lại, tôi mong các bạn nhớ về ba từ, chỉ ba từ để hiểu nền kinh tế Trung Quốc: thể chế, mặc cả, thứ ưu.”
Tác giả cuốn sách, Arthur R. Kroeber là đồng sáng lập, giám đốc bộ phận nghiên cứu của Gavekal Dragonomics - công ty nghiên cứu kinh tế Trung Quốc độc lập có trụ sở tại Bắc Kinh. Ngoài ra, ông còn là biên tập viên của tạp chí China Economic Quarterly, thành viên của Ủy ban quốc gia về quan hệ Hoa Kỳ - Trung Quốc, thành viên không thường trực tại Trung tâm nghiên cứu Brookings - Thanh Hoa thuộc Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc), giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Columbia. Ông sống và làm việc chủ yếu tại Bắc Kinh.
Bảo Ngọc