Bộ TT&TT sẽ đề xuất bỏ quy định quản lý giá trung bình dịch vụ viễn thông
Bộ TT&TT sẽ điều chỉnh dự thảo thay thế Nghị định 25/2011/NĐ-CP trình Chính phủ, với dự kiến bãi bỏ các quy định về quản lý giá trung bình dịch vụ viễn thông để quản lý theo Luật Giá vá các văn bản hướng dẫn.
Những ngày cuối tháng 2/2019, qua công luận và qua đường công văn gửi trực tiếp, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã nhận được đơn “kêu cứu“ của Công ty cổ phần viễn thông di động Vietnamobile (Vietnamobile) về một số vấn đề về quản lý viễn thông và tần số vô tuyến điện đối với doanh nghiệp.
Sau 12 năm tham gia vào thị trường, Vietnamobile hiện chỉ chiếm 3,6% thị phần di động tại Việt Nam. Trước thực tế khó khăn trên, nhà mạng này đã gửi một lá đơn kêu cứu tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhằm tránh nguy cơ bị "tiêu diệt".
Theo đó, nhà mạng này xin được phân bổ thêm băng tần 850 MHz cho Vietnamobile để tạo sự cạnh tranh cho thị trường thông tin di động Việt Nam. Nhà mạng này cũng xin có chính sách hợp lý, thỏa đáng trong đấu thầu tần số 2.600 MHZ để các doanh nghiệp viễn thông di động nhỏ như Vietnamobile và Gtel có cơ hội được sử dụng băng tần này.
Vietnamobile cho biết thị trường viễn thông tại Việt Nam có sự phân chia rõ ràng theo quy mô doanh nghiệp. Trong đó, Viettel 50,6%, Vinaphone 24,8%, Mobifone 20,16%, Vietnammobile 3,6% và Gtel 0,4%.
Số liệu thị phần di động Việt Nam năm 2017. Nguồn: Sách trắng CNTT-TT 2017. |
Theo Bà Fong Chong Mei Elizabete - TGĐ Vietnamobile, nhà mạng này đề xuất phương án được thương lượng sử dụng chung băng tần 1.800 Mhz và 2.100 MHz với các nhà mạng hiện có để tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên tần số của quốc gia.
Nhận được ý kiến của Vietnamobile, ngay trong ngày 27/2/2019 Lãnh đạo Bộ TT&TT đã họp với các đơn vị chức năng của Bộ (Cục Tần số Vô tuyến điện, Cục Viễn thông) để rà soát lại các cơ chế chính sách trên tinh thần lắng nghe, tạo điều kiện hoạt động tốt nhất cho các doanh nghiệp và vì quyền lợi của khách hàng, đồng thời tuân thủ luật pháp và tạo môi trường cạnh tranh minh bạch, bình đẳng giữa các doanh nghiệp viễn thông thuộc các thành phần kinh tế.
Việc cấp phép băng tần phải qua đấu giá hoặc thi tuyển
Về lĩnh vực Tần số Vô tuyến điện, đối với băng tần 850 MHz và 2.600 MHz, Cục Tần số đã có công văn số 2916/CTS- CSQH ngày 24/8/2018 trả lời ý kiến của Vietnamobile về cấp phép sử dụng băng tần 850 MHz.
Cho đến nay, Bộ TT&TT đã nhận được đề nghị cấp phép của các doanh nghiệp đối với cả băng tần 850 MHz và 2.600MHz. Luật Tần số vô tuyến điện quy định, các băng tần có giá trị thương mại cao, có nhu cầu sử dụng vượt quá khả năng phân bổ xác định trong quy hoạch tần số vô tuyến điện như trên phải thực hiện việc cấp phép tần số thông qua đấu giá hoặc thi tuyển. Việc đấu giá phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về đấu giá nói chung và về đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện nói riêng.
Theo Cục Viễn thông, dù là với nhà mạng nào thì việc cấp phép băng tần phải được thực hiện thông qua đấu giá hoặc thi tuyển. |
Đối với đề nghị thương lượng việc sử dụng chung băng tần 1.800 MHz và 2.100 MHz với các nhà mạng hiện có, Luật Viễn thông luôn tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư, kinh doanh viễn thông (Điều 4, Luật Viễn thông).
Vietnamobile là doanh nghiệp đã có tỷ lệ vốn góp của cổ đông nước ngoài. Vì vậy trong trường hợp thực hiện mua bán, sáp nhập, hợp tác liên kết, doanh nghiệp cần phải tuân thủ các quy định về Sở hữu trong kinh doanh dịch vụ viễn thông (Điều 17 Luật Viễn thông, Điều 3 Nghị định 25/2011/NĐ-CP), Đầu tư trong kinh doanh dịch vụ viễn thông (Điều 18 Luật Viễn thông) và Hình thức, điều kiện, tỷ lệ phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài (Điều 4 Nghị định 25/2011/NĐ-CP) cũng như thủ tục đăng ký, thẩm tra dự án đầu tư nước ngoài trong kinh doanh dịch vụ viễn thông (Điều 5 Nghị định 25/2011/NĐ-CP).
Bộ TT&TT không quy định và ban hành giá bán các dịch vụ viễn thông
Trong văn bản gửi Thủ tướng, bà Fong Chong nêu đến việc cần làm rõ mối liên hệ giữa giá cước trung bình và giá thành. Theo TGĐ Vietnamobile, quy định không cho phép bán thấp hơn giá thành chỉ áp dụng với các doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường theo quy định của Luật Cạnh tranh.
Vietnamobile bày tỏ lo ngại khi ba nhà mạng Viettel, MobiFone và VinaPhone đã thỏa thuận rằng các doanh nghiệp viễn thông di động trên thị trường không được bán thấp hơn 50.000 VNĐ/ tháng cho mỗi gói cước viễn thông di động. Các doanh nghiệp có thị phần nhỏ chỉ được phép bán thấp hơn 5% cho gói cước viễn thông di động của mình.
Về tiêu chí xác định doanh nghiệp có thị phần khống chế, Vietnamobile không đồng ý đề xuất sửa đổi của Bộ TT-TT trong Nghị định 25: “Bất kỳ nhà mạng nào cũng sẽ được coi là doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường nếu tỷ lệ dân số có khả năng tiếp cận dịch vụ trên mạng viễn thông di động mặt đất của doanh nghiệp chiếm từ 90% tổng dân số cả nước trở lên”.
Vietnamobile cho rằng đề xuất này không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành về cạnh tranh cũng như Luật Cạnh tranh sửa đổi (có hiệu lực vào tháng 7 tới). Bởi lẽ, nếu theo đề xuất sửa đổi này, cứ nhà mạng được phép thiết lập hạ tầng mạng ở quy mô toàn quốc, hệ thống mạng lưới bao phủ 90% tổng dân số cả nước thì sẽ trở thành doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường, ngay cả khi nhà mạng đó không có thuê bao và thị phần 0%.
Gói cước Thánh SIM đang hút nhiều người sử dụng của nhà mạng Vietnamobile. |
Theo TGĐ Vietnamobile, “việc các doanh nghiệp lớn tự bàn bạc và thỏa thuận với nhau, áp đặt mức giá bán tối thiểu để cưỡng bức nhằm tiêu diệt các doanh nghiệp nhỏ là không phù hợp với quy định của Luật Cạnh tranh (vi phạm điều cấm của Luật Cạnh tranh về việc thỏa thuận hạn chế cạnh tranh), làm méo mó thị trường”.
Nhà mạng này cho rằng cần cho phép doanh nghiệp viễn thông được chủ động xây dựng gói cước viễn thông phù hợp với quy định của pháp luật cạnh tranh, phân loại tỷ lệ bán thấp hơn cho từng đối tượng doanh nghiệp viễn thông có thị phần khác nhau (doanh nghiệp có thị phần nhỏ thì được phép bán các gói cước viễn thông di động với mức cước thấp hơn tương ứng với thị phần).
Văn bản kiến nghị của Vietnamobile cũng đề xuất cơ quan quản lý nên chia các doanh nghiệp viễn thông di động hiện nay thành 3 nhóm: nhóm doanh nghiệp có thị phần 30% trở lên (thống lĩnh thị trường), nhóm doanh nghiệp có thị phần từ 15% đến dưới 30% và nhóm doanh nghiệp có thị phần nhỏ hơn 15%.
Phản hồi văn bản kiến nghị của Vietnamobile, đại diện Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết: "Đối với việc quản lý giá thành của các doanh nghiệp, Bộ TT&TT xác định đây không chỉ là công cụ để quản lý, điều tiết của nhà nước mà còn là một trong những hệ quản trị quan trọng đối với nội bộ của từng doanh nghiệp viễn thông."
"Vì thế trong năm 2019, Bộ sẽ tiếp tục điều chỉnh, bổ sung những quy định để xác định giá thành sản phẩm, hạch toán riêng rẽ các sản phẩm dịch vụ viễn thông phù hợp với thông lệ quốc tế và phù hợp với thực tiễn cũng như khả năng áp dụng cho các doanh nghiệp viễn thông tại Việt Nam."
"Việc các doanh nghiệp viễn thông có các gói cước để cung cấp đến người sử dụng dịch vụ là sự phản ánh của cung cầu trên thị trường, đồng thời thể hiện sự lựa chọn của người sử dụng dịch vụ về gói sản phẩm ở các tiêu chí: chất lượng, giá cả và sự đa dạng phong phú về dịch vụ. Từ khi có luật Viễn thông ra đời năm 2009, Chính phủ, Bộ TT&TT không quy định và cũng không ban hành giá bán của các dịch vụ viễn thông."
Một điểm giao dịch của nhà mạng Vietnamobile. Ảnh: Trọng Đạt |
Đề xuất bỏ "giá sàn" dịch vụ viễn thông đối với nhà mạng
Sau khi nhận được văn bản kiến nghị của Vietnamobile vào ngày 25/2/2019, ngay trong ngày 27/2, Cục Viễn thông đã tổ chức họp với các doanh nghiệp viễn thông di động (trong đó có Vietnamobile) trao đổi về các định hướng quản lý giá cước trong thời gian tới.
Tại buổi làm việc, Cục Viễn thông cũng đồng thời trao đổi về những kiến nghị của Vietnamobile. Điều này nhằm hướng tới một mục đích chung giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, đó là tạo ra các chính sách thực sự hữu ích, đi vào cuộc sống, để ngành viễn thông tiếp tục vừa cạnh tranh, vừa phát triển vì lợi ích lâu dài. Bên cạnh đó, còn nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp cùng nhau phát triển.
Cục Viễn thông cũng cho biết, trong năm 2019, Bộ TT&TT tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, chuyển mạnh từ hình thức tiền kiểm hiện nay sang hậu kiểm. Tiếp thu kiến nghị của Vietnamobile, Bộ sẽ điều chỉnh trong dự thảo thay thế Nghị định 25/2011/NĐ-CP đang trình Chính phủ với dự kiến bãi bỏ các quy định về đăng ký, thông báo giá cước cũng như việc quản lý giá trung bình dịch vụ viễn thông để quản lý theo Luật Giá vá các văn bản hướng dẫn thi hành. Các doanh nghiệp hoàn toàn chủ động ban hành các gói cước phù hợp với nhu cầu và sức mua của người tiêu dùng.
Riêng đối với việc xác định vị trí thống lĩnh thị trường, Bộ TT&TT tiếp tục thực hiện theo Luật Cạnh tranh, đồng thời trình Chính phủ dự kiến cụ thể hóa một số tiêu chí khác để xác định doanh nghiệp có sức mạnh thị trường đáng kể.
Riêng đối với việc xác định vị trí thống lĩnh thị trường, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục thực hiện theo Luật Cạnh tranh đồng thời trình Chính phủ dự kiến cụ thể hóa một số tiêu chí khác để xác định doanh nghiệp có sức mạnh thị trường đáng kể. Đối chiếu với dự thảo này, Vietnamobile đang là doanh nghiệp có thị phần thấp dưới 10% nên hoàn toàn không thể thuộc vào nhóm xác định doanh nghiệp thống lĩnh thị trường như Vietnammobile nêu trong văn bản trên.
Trọng Đạt/vietnamnet.vn