Tết với những nhà báo
Khi giai điệu mượt mà của ca khúc xuân vang vọng giữa lòng TP.HCM thì cũng là lúc hàng triệu người đã tạ từ chốn phồn hoa, trở về quê đoàn viên cùng gia đình. Thế nhưng, đâu đấy vẫn còn những nhà báo ở lại thành phố trực tin, bài và không ngừng phục vụ nhu cầu thông tin cho bạn đọc…
Người ở lại mang… nỗi nhớ
Là một người đã có đến 25 năm gắn bó với nghề báo, Nhà báo Lê Công Sơn (quê ở huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam – đang công tác tại báo Thanh niên) vốn không còn lạ lẫm gì với việc đón tết xa quê. Bởi lẽ, khi theo đuổi nghề khắc nghiệt này, cây viết mang tên Lê Công Sơn cũng như bao cây viết khác luôn phải làm việc không ngừng nghỉ để liên tục phục vụ thông tin cho bạn đọc. Hay nói khác hơn, bằng tình yêu và trách nhiệm với nghề, nhà báo luôn sẵn sàng nén cảm xúc cá nhân để dành trọn thời gian phụng sự cho mục tiêu lớn lao là mang đến những giá trị hữu ích cho xã hội.
Nhà báo Lê Công Sơn |
Thế nhưng, những cảm xúc, những yêu thương luôn khiến nhà báo Lê Công Sơn không giấu được tiếng lòng của mình khi nghe xuân đang thì thầm rỉ tai.
Nhà báo Lê Công Sơn chia sẻ, những ngày gần cuối tháng chạp, lướt qua các ngả đường ở TPHCM, lòng anh cứ rạo rực, nao nức mong mỏi được đoàn tụ với những người thân thương ở nơi quê nhà sau 365 ngày xa cách. Rồi cứ thế bao hồi ức đẹp về tết, về xuân lại “nắm tay nhau” ùa về trong anh. Hình ảnh gia đình sum họp, cùng nấu bánh, cùng đón giao thừa,…sau bao năm vẫn mãi vẹn nguyên. Đâu chỉ có thế, hình ảnh chàng phóng viên 25 năm về trước phải chạy vọt lên đỉnh đồi vào sáng sớm đầu năm mới chỉ để “vớt” chút sóng điện thoại, gọi chúc tết người quen cũng không ngừng len lỏi vào dòng suy nghĩ của anh.
“Bước vào thời 4.0, nhờ công nghệ hiện đại mà những hình ảnh ấy, cũng như không khí tết không còn quá khó khăn để cảm nhận. Mặc dù vậy, hạnh phúc hơn vẫn là khi được về nơi chôn nhau cắt rốn để đoàn viên cùng những người thân, thương... sau chuỗi ngày dài xa cách. Tuy nhiên, đã làm báo thì tôi quyết không để cảm xúc lấn át lí trí, cho nên dù có nhớ quê đến bao nhiêu thì vẫn phải ở lại TPHCM để trực tin, bài ngày tết và hoàn thành nhiệm vụ được cơ quan giao phó nhằm phục vụ bạn đọc một cách tốt nhất có thể. Những lúc mủi lòng, tôi lại tự an ủi mình rằng tết thực ra chỉ là một cái “cớ” để về quê, thôi thì mình yêu quê hương đâu cần phải tìm “cớ” đề “hồi hương”. Cứ vậy rồi "gói ghém" nỗi nhớ để lại nơi chốn phồn hoa và tự hứa hẹn với chính mình về một ngày được trao gửi nỗi nhớ cho quê hương”, Nhà báo Lê Công Sơn tâm sự.
Người về mang theo… niềm tự hào
Bên cạnh những nhà báo phải đón tết xa quê vẫn có rất nhiều nhà báo được trở về với “quê cha đất tổ” để sum họp cùng gia đình, bạn bè… sau thời gian dài xa cách. Điển hình như nhà báo Ngô Công Quang – Phó trưởng Văn phòng đại diện phía Nam báo Dân trí (quê ở xã Quế An, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam).
Nhà báo Ngô Công Quang |
Vui mừng vì đã sớm mua được vé máy bay về tết, nhà báo Ngô Công Quang cho biết, sau một năm dài tất bật với công việc tại TPHCM, anh rất háo hức, mong chờ đến ngày để được về đón giao thừa cùng gia đình, được ngắm nhìn quê hương “thay da đổi thịt” qua hai mùa mưa nắng….Không chỉ vậy, với anh, dịp tết còn là cơ hội để anh được trao gửi niềm tự hào về nghề báo đến với bao người ở quê thông qua việc gửi tặng họ những tờ báo xuân đẹp lung linh của cơ quan mình và của cả “báo bạn”. Chưa hết, những câu chuyện nghề, chuyện đời của người làm báo cũng là một chủ đề mà anh rất mực tự hào khi sẻ chia cùng bao người thân thương ở nơi quê nhà.
Là một người làm báo điện tử, nhà báo Ngô Công Quang quả quyết rằng, anh có thể sản xuất ra những bài viết ở bất kỳ đâu, vào bất cứ thời điểm nào. Và hiển nhiên, tết Nguyên đán là thời điểm mà anh cần viết và viết nhiều hơn nữa để mang quê hương mình đến gần hơn với độc giả bốn phương. Bởi lẽ, những ngày tết tuy không dài nhưng là khoảng thời gian để anh “khơi dậy” được những miền ký ức đẹp thời thơ ấu, được tự hào giới thiệu về quê hương mình bằng những bài báo đầu năm mới. Vùng đất Quế Sơn thanh bình với những con đường làng dài hun hút ôm chặt cánh đồng lúa xanh thẳm và nhiều “bóng quê” chân chất, “mặn mà” màu nắng… đã từng là đề tài mà Nhà báo Ngô Công Quang dùng làm bài “khai bút” đầu năm như thế.
“Lựa chọn đến với nghề báo thì tôi luôn tâm niệm không ngừng viết, và tất nhiên tết cũng không ngoại lệ. Đặc biệt, tết nguyên đán còn là khoảng thời gian quý giá mà tôi được tự hào kể về nghề báo với bà con, bằng hữu…Đây cũng là dịp mà tôi được tự hào giới thiệu về quê hương tôi, được mang tâm tư của một người con lớn lên nhờ những “gốc rạ” đất mẹ để về nơi tôi sinh thành,…với độc giả cả nước thông qua các bài báo. Tôi nghĩ tết là “thời điểm vàng son” để những nhà báo như tôi được gửi gắm, sẻ chia niềm tự hào về nghề và về vùng đất “địa linh nhân kiệt” đã sinh ra mình”, Nhà báo Ngô Công Quang nói.
Nguồn: Lâm Khải Minh/congluan.vn