Thủ tướng phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam
(ICTPress) - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh (ĐTTM) bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030.
Mục tiêu của Đề án nhằm phát triển ĐTTM bền vững ở Việt Nam hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, khai thác, phát huy các tiềm năng và lợi thế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực; khai thác tối ưu hiệu quả tài nguyên, con người, nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời đảm bảo tạo điều kiện đối với các tổ chức, cá nhân, người dân tham gia hiệu quả nghiên cứu, đầu tư xây dựng, quản lý phát triển ĐTTM; hạn chế các rủi ro và nguy cơ tiềm năng; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và các dịch vụ đô thị; nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, hội nhập quốc tế.
Đề án phấn đấu đến năm 2020 xây dựng nền tảng cơ sở pháp lý phát triển ĐTTM, tiến hành công tác chuẩn bị đầu tư triển khai thí điểm ở cấp khu đô thị và đô thị. Trong đó, thực hiện rà soát, xây dựng khung pháp lý chung về phát triển ĐTTM bền vững, ban hành các cơ chế chính sách áp dụng cho các khu vực triển khai thí điểm; xây dựng và thí điểm triển khai áp dụng Khung tham chiếu ICT phát triển ĐTTM, xây dựng hệ thống hạ tầng dữ liệu không gian đô thị, hợp nhất các dữ liệu đất đai, xây dựng trên nền tảng GIS và các cơ sở dữ liệu khác; xây dựng mô hình phù hợp trong quản lý dân cư, giao thông, đất đai và đầu tư xây dựng tại các khu vực đô thị thực hiện thí điểm; xây dựng cơ sở dữ liệu đô thị quốc gia giai đoạn 1; hỗ trợ tối thiểu 03 khu đô thị mới được đầu tư xây dựng áp dụng thí điểm các giải pháp ĐTTM...
Theo Đề án, đến năm 2025 thực hiện giai đoạn 1 thí điểm phát triển ĐTTM. Trong đó, tiến hành xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý, các quy định quy phạm pháp luật trên cơ sở sơ kết, tổng kết việc thực hiện thí điểm; triển khai áp dụng Khung tham chiếu ICT phát triển ĐTTM tại Việt Nam; công bố các tiêu chuẩn quốc gia ưu tiên phục vụ cho việc triển khai xây dựng thí điểm các ĐTTM, ưu tiên cho các lĩnh vực quản lý đô thị, chiếu sáng, giao thông, cấp thoát nước, thu gom và xử lý rác thải, lưới điện, hệ thống cảnh báo rủi ro thiên tai và hệ thống hạ tầng ICT; phát triển hạ tầng dữ liệu không gian đô thị, hợp nhất các dữ liệu đất đai, xây dựng và các dữ liệu khác trên nền GIS tại các đô thị thí điểm giai đoạn; thí điểm áp dụng cơ chế cấp chứng nhận khu đô thị mới thông minh...
Định hướng đến năm 2030, hoàn thành thí điểm giai đoạn 1, từng bước triển khai nhân rộng theo lĩnh vực, khu vực, hình thành mạng lưới liên kết các ĐTTM, có khả năng lan tỏa. Cụ thể, hình thành các chuỗi ĐTTM khu vực phía Bắc, miền Trung, phía Nam và vùng đồng bằng sông Cửu Long, lấy thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng, thành phố Cần Thơ là hạt nhân, hình thành mạng lưới liên kết các ĐTTM.
Được biết, ba đô thị lớn của Việt Nam gồm Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng sẽ là một phần trong mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN theo đề xuất của nước Chủ tịch ASEAN 2018 Singapore.
Trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Singapore mới đây và tham dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 32, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã đề xuất ba thành phố lớn của Việt Nam là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng tham gia vào mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN.
Minh Anh