Phát triển Chính phủ điện tử hướng tới nền hành chính hiện đại và hiệu quả

Ngày 5/7, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Bộ TT&TT và UBND Tp. Hà Nội, Hội Truyền thông số Việt Nam phối hợp với Sở TT&TT Hà Nội và Công ty IDG Việt Nam tổ chức Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử với chủ đề "Phát triển Chính phủ điện tử hướng tới nền hành chính hiện đại và hiệu quả".

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng phát biểu tại Hội thảo.

Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử là sự kiện thường niên, là diễn đàn uy tín hàng đầu, nơi các nhà lãnh đạo cấp cao đến từ các cơ quan ban ngành, chính phủ và các chuyên gia công nghệ có cơ hội gặp gỡ và thảo luận về chính sách đầu tư, giải pháp phát triển CNTT toàn diện, thúc đẩy xây dựng hệ thống Chính phủ điện tử, giúp Chính phủ nâng cao năng lực vận hành và quản lý Quốc gia.

Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2018 với chủ đề "Phát triển Chính phủ điện tử hướng tới nền hành chính hiện đại và hiệu quả" mở ra cơ hội để các doanh nghiệp trao đổi, đánh giá về thực trạng và đề ra những giải pháp cho việc quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước, đồng thời nâng cao mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp với các dịch vụ công. 

Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, cả ba nhóm chỉ số cơ bản của hệ thống Chính phủ điện tử là số lượng dịch vụ công trực tuyến, hạ tầng viễn thông và nguồn nhân lực đều đã được nâng cao. Hiện tổng cộng đã có thêm 13.909 dịch vụ cấp độ 3 và 4 được các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương xây dựng, vận hành. Như vậy, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã cung cấp tổng cộng 1.551 dịch vụ công trực tuyến, tại các địa phương, con số này là 45.374 dịch vụ. 

Chỉ số hạ tầng viễn thông cũng có sự gia tăng đáng kể, tỷ lệ người dùng Internet chiếm 54,2% dân số Việt Nam, số thuê bao cố định là 4,9 thuê bao/100 dân, số thuê bao di động là 129 thuê bao/100 dân, số thuê bao băng thông rộng cố định là 12 thuê bao/100 dân, số thuê bao băng rộng di động là 48,4/100 dân. 

Theo Sách trắng CNTT, nhiều dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các Bộ, ngành, địa phương hoạt động rất hiệu quả, tiếp nhận và giải quyết lượng hồ sơ rất lớn. Tiêu biểu trong số này là Bộ Công an (8,8 triệu hồ sơ), Bộ Công thương (772.000 hồ sơ), Bộ GD&ĐT (270.000 hồ sơ), Bộ Giao thông Vận tải (144.000 hồ sơ), Tp. Hà Nội (225.173 hồ sơ), tỉnh Lâm Đồng (110.000 hồ sơ)...

Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng cho biết: Ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử ở nước ta trong những năm qua được Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo thúc đẩy triển khai. Điều này thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ trong việc ứng dụng CNTT xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam. Cụ thể: 

Gần đây nhất, về việc triển khai Chính phủ điện tử, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần phải đổi mới cách nghĩ, cách làm để nâng cao năng suất lao động, thực hiện cải cách, đặc biệt là cải cách hành chính và nâng cao hiệu quả quản trị công, phát triển kinh tế, quản lý xã hội và phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng Chính phủ điện tử gắn kết chặt chẽ giữa cải cách hành chính với ứng dụng CNTT ở mọi cấp, mọi ngành, trong đó CNTT là công cụ để thực hiện mục tiêu cải cách.

Chính phủ đã tổ chức một đoàn cấp Bộ trưởng đi tìm hiểu và học hỏi tại một số nước có trình độ phát triển Chính phủ điện tử như Hàn Quốc và Estonia và một vài nước khác, đồng thời có kế hoạch cụ thể để ban hành Nghị quyết mới về một số nhiệm vụ giải pháp trọng tâm để phát triển Chính phủ điện tử trong giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến 2025. 

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã chuẩn bị việc thành lập Uỷ ban Quốc gia về Chính phủ điện tử trên cơ sở kiện toàn lại Uỷ ban Quốc gia về Ứng dụng CNTT. Thủ tướng Chính phủ sẽ trực tiếp là Chủ tịch Uỷ ban này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam sẽ là Phó Chủ tịch, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ sẽ là Tổng thư ký của Uỷ ban, các Bộ trưởng sẽ tham gia trong Uỷ ban về Chính phủ điện tử.
 
Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng cho biết, thời gian qua, Bộ TT&TT cùng với các bộ, ngành, địa phương đã đạt được những kết quả nhất định trong việc ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử. Tuy nhiên so với các yêu cầu thực tế, vẫn còn nhiều điều chưa được như mong muốn, do đó chúng ta cần phải có những cách làm, những giải pháp mới và nhân rộng những mô hình, bài học thành công trong thời gian tới. 

Theo Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng, điều này giúp chúng ta có những bước đi phù hợp để hoạt động ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử đi vào thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. 

Thông qua Hội thảo này, Thứ trưởng hi vọng các nhà quản lý, chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp CNTT có cơ hội cùng nhau chia sẻ, trao đổi hiện trạng phát triển Chính phủ điện tử tại nước ta, để có những bước đi phù hợp cho hoạt động ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử đi vào thực chất, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Đáng chú ý, tại Hội thảo, Hội Truyền thông số Việt Nam đã công bố kết quả đánh giá, xếp hạng các đơn vị có chỉ số phát triển Chính phủ điện tử tiêu biểu trong năm 2017. Theo đó, Bộ TT&TT đứng thứ hai trong tổng số 19 Bộ, cơ quan ngang Bộ năm 2016 trên bảng xếp hạng chỉ số đánh giá Trang/Cổng thông tin điện tử và chỉ số đánh giá Cơ chế, chính sách và các quy định cho ứng dụng công nghệ thông tin của các Bộ, cơ quan ngang Bộ... 

Thứ trưởng Bộ TT&TT, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam Nguyễn Minh Hồng khẳng định: Với kết quả xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT/xây dựng Chính phủ điện tử được công bố, đây là cơ sở để các Bộ, ngành, địa phương nắm được thực trạng, vị trí xếp hạng về mức độ ứng dụng CNTT của cơ quan mình, từ đó có kế hoạch đẩy mạnh ứng dụng CNTT tại các cơ quan, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ đạo, điều hành và cải cách thủ tục hành chính, góp phần cải thiện Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam.

Được biết, Báo cáo đánh giá và xếp hạng phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam 2017 là kết quả của sự hợp tác giữa Cục Tin học hoá – Bộ TT&TT và Hội Truyền thông số Việt Nam nhằm mục đích đánh giá mức độ ứng dụng CNTT trong việc phát triển Chính phủ điện tử; quản lý, triển khai điều hành và cung cấp dịch vụ công tại các Bộ và cơ quan ngang Bộ, các cơ quan Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong năm 2017 thông qua việc xếp hạng các Bộ, ngành, địa phương. 

Đại diện Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam cho biết, với quan điểm chính quyền điện tử là cầu nối giữa chính quyền với người dân và doanh nghiệp, Báo cáo đánh giá và xếp hạng phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam 2017 tập trung vào yếu tố cung cấp dịch vụ công trực tuyến đến người dân; tập trung đi sâu vào phân tích chỉ số thể hiện kết quả của quá trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến – số lượng hồ sơ trực tuyến được giải quyết, đặc biệt là ở hạng mục các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.
 
Cụ thể, ở hạng mục xếp hạng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, theo báo cáo mới được công bố, việc cung cấp dịch vụ công chỉ ở mức trung bình với tỷ lệ dịch vụ có hồ sơ trực tuyến là 46,06%. Trong đó, Bộ Tài chính đi đầu với hơn 20 triệu hồ sơ được giải quyết trực tuyến.

Với hạng mục các cơ quan thuộc Chính phủ, BHXH Việt Nam là đơn vị đi đầu trong việc ứng dụng CNTT để phát triển Chính phủ điện tử. 

Còn ở hạng mục các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thừa Thiên Huế là đơn vị đi đầu cả nước trong việc triển khai Chính phủ điện tử năm 2017. Tiếp sau đó là Đà Nẵng, Lâm Đồng, Quảng Ninh và TP.HCM. Và mặc dù có tên trong 13 tỉnh, thành phố có chỉ số tổng hợp phát triển Chính phủ điện tử năm 2017 đạt mức khá (có điểm từ 0,65 đến 0,8) song Hà Nội được xếp ở vị trí thứ 12 trong tổng số 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Bên cạnh đó, báo cáo của Hội Truyền thông số Việt Nam và Cục Tin học hóa phối hợp thực hiện còn chỉ ra rằng, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại các tỉnh trong năm 2017 còn chưa cao. Khoảng cách giữa các tỉnh trong việc phát triển Chính phủ điện tử hiện nay cũng là một vấn đề đáng được lưu tâm. 

Đề cập đến việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, báo cáo nêu, số lượng dịch vụ công  trực tuyến mức độ 3 và 4 hoàn toàn không phản ánh đúng thực trạng phát triển Chính phủ điện tử tại các tỉnh. Số lượng dịch vụ có phát sinh hồ sơ trực tuyến năm 2017 tại các tỉnh chỉ chiếm 11,54% tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Điều này dẫn đến việc số lượng hồ sơ giải quyết trực tuyến tại một số tỉnh còn rất thấp so với số lượng dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 của tỉnh./.

Thảo Anh/mic.gov.vn

Tin nổi bật