Suy tư về 20 năm Internet vào Việt Nam

(ICTPress) - Ngày mai - 19/11, tròn 20 năm Internet vào Việt Nam. 20 năm đủ cho một đứa trẻ mới sinh vươn mình thành những chàng trai, cô gái trưởng thành tràn đầy sinh lực. Ở cái tuổi 20 căng tràn nhiệt huyết, lại sống trong thời đại công nghệ 4.0, chắc hẳn họ sẽ không thể nào tưởng tượng được mấy chục năm trước, bố mẹ mình làm gì khi không có Internet.

20 năm trước khi Internet mới “bước chân” vào Việt Nam, tôi đang học năm đầu tiên ở một trường đại học. Tuy nhiên phải đến khi ra trường rồi đi làm, tôi mới biết gửi bức thư điện tử đầu tiên. Hơn nữa, việc làm tưởng đơn giản này của tôi cũng được sự hỗ trợ kiểu ”cầm tay chỉ việc” của một người đồng nghiệp.

Bây giờ, chứng kiến 2 đứa con đang học tiểu học của mình sử dụng máy tính thành thạo, lách chách vào mạng “chát” với bạn bè hay lướt facebook, sử dụng Youtube nhoay nhoáy, tôi thầm cảm thán: Đúng là thời đại của Internet! Và cũng thật đáng mừng là con cháu chúng ta, dù chỉ rất ít tuổi nhờ Internet đã trở thành những “công dân toàn cầu”.

Mới hôm qua thôi, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn trong buổi trả lời chất vấn tại Quốc hội đã nhấn mạnh: Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin của khu vực. Mạng xã hội, Internet phát triển với tốc độ rất nhanh tại Việt Nam giúp con người xích lại gần nhau hơn.Bên cạnh đó, kho kiến thực đồ sộ, khổng lồ của mạng xã hội làm chúng ta lúc nào cũng có cơ hội tìm kiếm kiến thức mọi lúc, mọi nơi.

Trong khi trả lời chất vấn của đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn còn cảm khái: Chỉ trong một thời gian rất ngắn, vào khoảng 15 năm trước đây chúng ta không nghĩ rằng mạng xã hội và Internet phát triển như ngày nay. Và trong 15 năm tới, chúng ta không thể biết được nó sẽ phát triển đến mức độ nào?

Nhìn lại thời điểm 20 năm trước khi Việt Nam chính thức kết nối với mạng Internet toàn cầu, chúng ta phải thừa nhận rằng, để đưa được Internet vào Việt Nam cũng như để Internet phát triển mạnh mẽ như bây giờ là cả một quá trình. Có thể khẳng định sau Chỉ thị 58-CT/TW của Bộ Chính trị năm 2000 về “Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, thị trường Internet mới chính thức được “mở cửa” và phát triển với tốc độ chóng mặt.

Sau 2 thập kỷ kiên trì, nhất quán chính sách tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc phát triển Internet, đến nay, Việt Nam đã có khoảng 53 triệu người sử dụng Facebook, gần 70% dân Việt Nam sử dụng Internet.

Theo Trung tâm Internet Việt  Nam (VNNIC) 20 năm vừa qua, tài nguyên Internet Việt Nam đã phát triển vượt bậc, đóng góp cho sự phát triển vững vàng của Internet Việt Nam. Việt Nam đang giữ vị trí cao trong xếp hạng số lượng tài nguyên cả về tên miền, địa chỉ. Hai hạ tầng kỹ thuật trọng yếu của Internet Việt Nam là Hệ thống máy chủ tên miền quốc gia DNS và Trạm trung chuyển lưu lượng Internet quốc gia VNIX được quản lý tốt, phục vụ đắc lực cho phát triển, đảm bảo hoạt động an toàn, ổn định của Internet Việt Nam.  Đặc biệt, các hoạt động hợp tác, kết nối về tài nguyên Internet được phát triển, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Internet Việt Nam đã được chuyển đổi thành công sang thế hệ mới IPv6, phù hợp với quốc tế làm nền tảng phát triển cho Internet Việt Nam.

Là người chứng kiến toàn bộ sự đổi thay của đất nước từ khi chưa có Internet, tới khi nó trở thành một phần không thể thiếu của xã hội, ông Nguyễn Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam đã có nhận định rất khả quan về tương lai phát triển Internet tại đất nước hơn 94 triệu dân này. Đại diện của Hội Tin học Việt Nam này tin rằng Việt Nam sẽ trở thành một trong những quốc gia hàng đầu trên thế giới về lĩnh vực công nghệ thông tin và ứng dụng Internet trong đời sống nhờ nhanh chóng hội nhập với những xu thế mới.

Đó là một tương lai sáng lạn, song trước mắt, chúng ta đang phải đối mặt với những mặt trái của Internet. Chỉ riêng trong lĩnh vực báo chí nơi chúng tôi đang “đứng”, Internet cũng có tác động không nhỏ.

Có đôi khi những ồn ào, náo nhiệt của dòng chảy 4.0 lắng xuống, nhiều anh em “làng báo” lại bần thần nhớ về quãng thời gian hoàng kim của báo giấy và họ cũng không quên Internet ra đời đã buộc nhiều tòa soạn báo đến gần hơn với bờ vực đóng cửa. Để bắt kịp với “thời đại số”, các tòa soạn đã phải nỗ lực thay đổi phương thức hoạt động. Kết quả là báo điện tử ra đời và đang thay thế dần những tờ báo giấy truyền thống.

“Vai trò của mạng xã hội nói riêng và Internet nói chung thì chúng ta không thể phủ nhận, không ai có thể đi ngược những xu hướng phát triển của xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích rất lớn đó, những tác hại do mạng xã hội mang lại cũng không phải là nhỏ. Có thể kể đến như những thông tin sai sự thật, bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm hại đời tư, kích động bạo lực, khiêu dâm, chia rẽ dân tộc, tôn giáo ngày càng phát triển nhiều hơn…”- người đứng đầu cơ quan quản lý về báo chí đã phải thừa nhận như vậy. 

Đó là sự thật hiển nhiên, song đáng mừng là chúng ta không “quay lưng” lại với Internet. Bạn có thể tưởng tượng được rằng chuyện gì sẽ xảy ra nếu có một ngày Internet, Facebook, Youtube hay Google không tồn tại ở Việt Nam?

Mới đây, thảo luận tại tổ về các dự luật An ninh mạng và Bảo vệ bí mật nhà nước, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đá đánh giá rất cao tác dụng của thông tin, Internet đã làm biến đổi nhiều mặt quan hệ xã hội, tác động vào sản xuất, đời sống kinh tế, văn hóa,...

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết không thể ngăn chặn, cản trở sự phát triển của thông tin điện tử, Internet vì bất kể lý do gì.

"Nếu vì đảm bảo an ninh mạng mà chúng ta không sử dụng mạng, không ứng dụng tiến bộ của mạng thì rõ ràng rất lạc hậu, không thể chơi được với ai, không thể hội nhập với thế giới", Bộ trưởng Tô Lâm nói.

Trao đổi với truyền thông mới đây, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) cho biết ngày nay Internet đã trở thành thiết yếu trong đời sống kinh tế và xã hội của thế giới. Sức mạnh kết nối đang đem lại giá trị cho con người, cho môi trường quanh ta và trí tuệ sẽ kết nối cho chúng ta nhiều ngỡ ngàng hơn nữa. Internet là nơi nuôi dưỡng phần hồn của cuộc sống. Hãy chung tay xây dựng một xã hội văn minh bằng văn hóa Internet.

MB - HM

Tin nổi bật