Bộ TT&TT nghiên cứu dữ liệu mở đáp ứng nền kinh tế số, CMCN 4.0

(ICTPress) - Hiện nay, thế  giới đang chuyển sang một giai đoạn phát triển mới là nền kinh tế số, nền công nghiệp lần thứ 4, trong đó dữ liệu số đóng vai trò như là tài nguyên của nền kinh tế.

Tại cuộc họp Ban điều hành triển khai công tác ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước (CQNN) ngày 31/10, tại Hà Nội, Viện Công nghiệp phần mềm và Nội dung số (PM&NDS), Bộ TT&TT đã báo cáo nghiên cứu về dữ liệu mở.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng chủ trì phiên họp

Theo Viện công nghiệp PM&NDS, năm 2016, số nước có danh mục dữ liệu chính phủ mở là 106/193 quốc gia (tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2014. Nhiều quốc gia đã đưa ra các quy định pháp luật liên quan đến dữ liệu Chính phủ mở, cụ thể: Pháp luật về quyền truy cập thông tin chính phủ (105/193 quốc gia); Chính sách dữ liệu chính phủ mở trực tuyến (105/193 quốc gia); Pháp luật bảo vệ dữ liệu cá nhân trực tuyến (113/193 quốc gia); Tính năng bảo mật cho dịch vụ trực tuyến (141/193 quốc gia).

Theo định nghĩa mở, dữ liệu mở là dữ liệu có thể được bất kỳ ai tự do sử dụng, sử dụng lại và phân phối lại, chỉ yêu cầu ghi nhận nguồn và chia sẻ tương tự.

Dữ liệu mở không là dữ liệu cá nhân và không là bí mật của nhà nước (phù hợp với Luật tiếp cận thông tin).

Đặc điểm quan trọng của dữ liệu mở là tính chia sẻ (trao quyền khai thác sử dụng, sử dụng lại, phân phối dữ liệu), tính sẵn sàng truy cập (tiếp cận) khai thác sử dụng dữ liệu.

Có được các dịch vụ mới có  giá trị gia tăng từ sự đổi mới, sáng tạo dựa vào sự tùy biến các dữ liệu mở vốn sẵn ở đâu đó rồi, đặc biệt là trong khu vực chính phủ.

Dữ liệu mở là tài nguyên, nguyên liệu để phát triển các ứng dụng/dịch vụ CNTT (Uber, Google) cho nền kinh tế số.

Dữ liệu mở đang trở thành một xu hướng của các nước phát triển và đã trở thành một chỉ tiêu trong đánh giá mức độ phát triển Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc và nhiều tổ chức quốc tế. Nhiều quốc gia đã thiết lập cổng chuyên dụng để chia sẻ dữ liệu được gọi là “Cổng dữ liệu chính phủ mở” và đưa ra danh mục dữ liệu Chính phủ mở.

Đối với các cơ quan nhà nước, dữ liệu mở giúp Chính phủ cải thiện được tính minh bạch và công khai, tạo ra môi trường trong đó có sự tham gia của công dân với chính phủ, giúp cải tiến quy trình quản lý, tổ chức dữ liệu trong cơ quan, làm giảm chi phí và tăng hiệu quả hoạt động trong các cơ quan.

Đối với người dân và doanh nghiệp, dữ liệu mở giúp người dân có được các thông tin cần thiết để có thể so sánh và đối chiếu, tạo điều kiện thuận lợi cho thực hiện quyền dân chủ và tham gia quản lý. Người dân có những nhận xét về chất lượng dữ liệu được cung cấp (mức độ chính xác, sự đồng nhất, thời gian cập nhật dữ liệu. Cơ quan cung cấp dữ liệu có sự điều chỉnh trong quá trình thu thập dữ liệu để nâng cao chất lượng. Dữ liệu mở cũng mang lại sự hợp tác, thể hiện trong giao tiếp giữa chính quyền với công dân và phản hồi từ phía người dân.

Tại Mỹ, tính đến tháng 8/2017,  đã có tổng số khoảng 200.000 bộ dữ liệu được báo cáo trên Data.gov, đại diện cho khoảng 10 triệu tài nguyên dữ liệu. Danh mục dữ liệu mở gồm: nông nghiệp, khí hậu, khách hàng, hệ sinh thái, giáo dục, năng lượng, tài chính, sản xuất, sức khỏe, chính quyền địa phương, chế tạo, hàng hải, địa dương, an toàn, thiên tai, người tiêu dùng, khoa học và nghiên cứu…

Trong khi đó tại Hàn Quốc đã có luật xúc tiến việc cung cấp và sử dụng dữ liệu công cộng. Hàn Quốc đã thành lập Ủy ban chiến lược dữ liệu công cộng, xây dựng kế hoạch tổng thể và kế hoạch hàng năm nhằm thúc đẩy việc cung cấp và sử dụng dữ liệu công cộng, hướng dẫn quản lý dữ liệu công cộng, trách nhiệm cung cấp dữ liệu công cộng… Danh mục dữ liệu mở gồm nông nghiệp, khí hậu, khách hàng, hệ sinh thái, giáo dục, năng lượng, tài chính, sản xuất, sức khỏe, chính quyền địa phương, người tiêu dùng, khoa học và nghiên cứu…

Theo Viện công nghiệp PM&NDS, ở Việt Nam việc cung cấp dữ liệu mở còn hạn chế, một trong số rào cản lớn chính là lợi ích cục bộ của các tổ chức sở hữu dữ liệu. Hiện có nhiều văn bản pháp luật đan xen quản lý rất chặt chẽ về dữ liệu, việc ban hành một chính sách về dữ liệu mở nếu không cụ thể và có định hướng rõ ràng sẽ dẫn tới một số xung đột với một số quy định hiện hành.

Theo đó, Viện PM&NDS đề nghị là cần được xác định rõ ngay từ đầu và nên đưa vào bộ Luật CNTT là các khái niệm và nội hàm dữ liệu mở, nguyên tắc xác định dữ liệu mở để tránh các xung đột với các quy định về dữ liệu mật cho các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn ban hành.

Dựa trên nghiên cứu, kinh nghiệm từ một số nước đã thành công trong việc sử dụng dữ liệu mở, cần thiết phải đưa ra quy định pháp lý, hướng dẫn và chính sách khuyến khích thúc đẩy thực thi dữ liệu mở, trong đó có thể bao gồm cả việc sửa đổi một số văn bản pháp lý liên quan để phù hợp với hiện trạng CNTT nói chung.

Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng, Trưởng Ban điều hành ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN  nhấn mạnh dữ liệu mở là vấn đề rất mới, là nội dung quan trọng trong nền kinh tế số và triển khai, đáp ứng cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Do đó, Thứ trưởng chỉ đạo Viện PM&NDS số tiếp tục triển khai nghiên cứu dữ liệu mở. Cục Tin học hóa chuẩn bị báo cáo chuyên sâu nội dung này để có sự chỉ đạo, nhận thức xuyên suốt từ Trung ương xuống địa phương về dữ liệu mở.

HM

Tin nổi bật