Việt Nam - Hungary thúc đẩy hợp tác về CNTT-TT đáp ứng cách mạng công nghiệp 4.0

(ICTPress) - Bộ TT&TT và Bộ Phát triển Hungary sẽ thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT-TT) trong thời gian tới.

Sáng nay 25/9/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Hungary Orbán Viktor đã chứng kiến Lễ ký Biên bản Ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực CNTT-TT giữa Bộ trưởng Bộ TT&TT Việt Nam Trương Minh Tuấn và Bộ Phát triển quốc gia Hungary Milós Seszták.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Hungary Orbán Viktor chứng kiến Lễ ký hợp tác giữa hai Bộ TT&TT (Việt Nam) và Bộ Phát triển (Hungary) (Ảnh: Phan Thảo Nguyên)

Chiều cùng ngày 25/9/2017, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Phát triển Hungary Milós Seszták đang tháp tùng Thủ tướng Hungary Orbán Viktor sang thăm chính thức Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ TTTT Trương Minh Tuấn tiếp Bộ trưởng Bộ phát triển Hungary Milós Seszták

Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Bộ TTTT Trương Minh Tuấn khẳng định chuyến thăm Việt Nam lần này của Thủ tướng Hungary có ý nghĩa rất quan trọng. Việt Nam và Hungary luôn coi trọng và phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước. Chính phủ việt Nam cũng như các Bộ Ngành của Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận hợp tác đã ký kết giữa hai nước, nhằm đưa quan hệ hợp tác song phương Việt Nam - Hungary ngày càng thực chất và hiệu quả.

Tăng cường hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực CNTT là một trong những nội dung quan trọng trong chương trình nghị sự của đoàn Thủ tướng Hungary tại Việt Nam. Điều này thể hiện tầm quan trọng và khẳng định quyết tâm của Chính phủ hai nước cũng như giữa Bộ TTTT Việt Nam với Bộ Phát triển Quốc gia Hungary trong việc không ngừng củng cố và mở rộng hợp tác trong lĩnh vực TTTT, qua đó góp phần phát triển tích cực mối quan hệ hữu nghị truyền thống với bề dày lịch sử 67 năm giữa Chính phủ, nhân dân hai nước Việt Nam và Hungary trong thời gian qua.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng cho biết trên cơ sở các văn bản thỏa thuận hợp tác CNTT-TT đã ký kết giữa hai Bộ vào năm 2014, các cơ quan và doanh nghiệp hai nước trong thời gian qua đã tích cực triển khai một số hoạt động hợp tác như chia sẻ kinh nghiệm xây dựng luật và chính sách về an toàn thông tin (ATTT); tham gia một số dự án về xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) cho các ngành dịch vụ y tế, bảo hiểm xã hội, thương mại điện tử, thông tin công dân… Đây là các dự án mà Chính phủ Việt Nam đang tập trung triển khai nhằm cải cách và hiện đại hóa nền hành chính công của Việt Nam.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng cho biết những kết quả đạt được trong thời gian qua còn khiêm tốn so với tiềm năng của hai nước. Vì vậy, trong thời gian tới, hai Bộ cần tích cực hơn nữa để nội dung hợp tác này phát triển.

Để thực hiện những mục tiêu trên, Bộ TT&TT, một mặt tiếp tục ưu tiên thúc đẩy phát triển hạ tầng CNTT-viễn thông băng rộng, đảm bảo ATTT, phát triển nguồn nhân lực; mặt khác, tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế chính sách và pháp luật về CNTT để phù hợp với xu thế phát triển, đặc biệt các chính sách thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) về CNTT, ưu tiên thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp phần mềm, sản xuất nội dung số, công nghệp bán dẫn, sản xuất vi mạch điện tử…

Bộ TT&TT đã chính thức cấp giấy phép triển khai dịch vụ 4G. Tuy nhiên, với xu thế phát triển của công nghệ ngày nay, chúng tôi đang tích cực nghiên cứu để triển khai công nghệ 5G tại Việt Nam trong thời gian sớm nhất nhằm đáp ứng nhu cầu ứng dụng CNTT ngày càng tăng trong nước. 

Hiện nay, nhiều thành phố ở Việt Nam đang nghiên cứu xây dựng thành phố thông minh. Bên cạnh đó, nhiều lĩnh vực khác cũng đang tích cực ứng dụng CNTT vào công tác điều hành quản lý như chính phủ điện tử, quản lý giao thông thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh và đặc biệt trong việc sản xuất công nghiệp và dịch vụ trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp 4.0. Đây cũng chính là nội dung mà Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tất cả các Bộ, Ngành quan tâm triển khai thực hiện.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng cho biết Hungary là một trong những quốc gia có nhiều thế mạnh, nhất là về ứng dụng CNTT và đảm bảo ATTT, hai bên cần thúc đẩy hợp tác trên các nội dung: Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chính sách CNTT-TT phù hợp với xu thế phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; Triển khai các chương trình, dự án về ứng dụng CNTT trong quản lý hành chính nhà nước như CPĐT, chứng thực điện tử, ATTT; Hợp tác phát triển CNTT-TT; phát triển hạ tầng và dịch vụ băng rộng, công nghệ 5G; Hợp tác nghiên cứu và phát triển: CSDL quốc gia, IoT, Điện toán đám mây, máy in 3D, máy tính trí tuệ nhân tạo, thành phố thông minh…; Hợp tác nghiên cứu và phát triển: CSDL quốc gia, IoT, Điện toán đám mây, máy in 3D, máy tính trí tuệ nhân tạo, thành phố thông minh…; Hợp tác đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực dành cho chính phủ điện tử và an toàn an ninh thông tin.

Bộ trưởng cũng đề nghị Ngài Miklós Seszták, Bộ trưởng Phát triển quốc gia Hungary xem xét và đề xuất với Chính phủ Hungary xem xét giải ngân với những điều kiện thuận lợi nhất, một phần của khoản tín dụng ODA của Chính phủ Hungary dành cho các dự án chính phủ điện tử, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và việc đảm bảo an toàn an ninh thông tin và hỗ trợ đào tạo nhân lực trong lĩnh vực này. 

Bộ trưởng Hungary Milós Seszták cho biết Bộ Phát triển Hungary phụ trách các lĩnh vực hạ tầng: bưu chính, CNTT, năng lượng, giao thông… Ngành TTTT, CNTT cũng là ngành được ưu tiên trong chính phủ Hungary và đã có những thành tựu về viễn thông, ứng cứu ATTT, công nghệ đám mây, xây dựng thành phố số. Lĩnh vực giáo dục cũng áp dụng công nghệ số rộng rãi.

Hai Bộ trưởng đã nhất trí cử nhóm công tác chung và tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực CNTT-TT trong thời gian tới. Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã giao Vụ hợp tác quốc tế, Bộ TTTT làm đầu mối triển khai các kế hoạch thực hiện giữa hai Bộ đã được ký kết.

HM

 

Tin nổi bật