Đảm bảo Đề án số hóa truyền hình mặt đất triển khai thành công

(ICTPress) - Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải đã đề nghị Cục Tần số Vô tuyến điện (VTĐ) tiếp tục triển khai thành công Đề án số hóa truyền hình mặt đất.

Ngày 7/7/2017, tại Khánh Hòa, Cục Tần số VTĐ đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2017. Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải đến dự và chỉ đạo Hội nghị.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Lê Văn Tuấn cho biết, 6 tháng đầu năm 2017, Cục Tần số VTĐ đã triển khai các nhiệm vụ được giao đảm bảo tiến độ và chất lượng đề ra. Cụ thể, Cục tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản chính sách quy hoạch, như: Đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung Quy hoạch phổ tần số VTĐ quốc gia; Bộ trưởng Bộ TT&TT ký ban hành Thông tư quy định triển khai hệ thống thông tin di động trên các băng tần (824-835), (869-915MHz), (925-960), (1.710-1.785), (1.805-1.880), (1.920-1.980) và (2.110-2.170)MHz.

Hội đồng đấu giá đấu giá băng tần 2.6 GHz đã cơ bản hoàn thành việc nghiên cứu, xác định giá khởi điểm và các nội dung quan trọng trong Hồ sơ mời đấu giá; tới đây Bộ TT&TT sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các vướng mắc trong việc triển khai đấu giá quyền sử dụng tần số VTĐ băng tần này.

6 tháng đầu năm, Cục Tần số VTĐ đã giải quyết cấp phép hơn 19.200 giấy phép tần số, trong đó trên 14.100 giấy phép điện tử; cấp mới 167 chứng chỉ, cấp lại 09 chứng chỉ và gia hạn 412 chứng chỉ VTĐ viên hàng hải.

Thực hiện kiểm soát độ chiếm dụng kênh tần, dung sai tần số và độ rộng băng tần chiếm dụng đối với các phát xạ VTĐ, lập 61 báo cáo phát hiện vi phạm; kiểm soát công suất của trên 500 đài PTTH cấp huyện trở lên, phát hiện 02 đài vi phạm về công suất phát; đo tham số kỹ thuật 263 Đài truyền thanh không dây, đài PTTH, đánh giá 48 Đài không đáp ứng quy chuẩn Việt Nam.

Kiểm soát lưu động tại 36 tỉnh, thành phố; kiểm soát đảm bảo an toàn thông tin phục vụ các Hội nghị APEC2017 đã diễn ra tại Khánh Hòa, Hà Nội, Quảng Ninh và Ninh Bình; kiểm soát hoạt động của 11 vệ tinh có vị trí quỹ đạo đăng ký xung quanh quỹ đạo của các vệ tinh của Việt Nam.

Tiếp tục xử lý 35 vụ can nhiễu của năm 2016 và tiếp nhận, xử lý 93 vụ can nhiễu phát sinh mới. Trong đó, giải quyết số lượng lớn can nhiễu thông tin di động do việc sử dụng các thiết bị vô tuyến không đúng quy hoạch phổ tần và quy chuẩn kỹ thuật gây ra. Với 406 trạm gốc phát sóng di động có cảnh báo nhiễu (374 trạm gốc mạng 3G), Cục đã phát hiện và xử lý 359 điện thoại không dây chuẩn DECT 6.0 và 53 thiết bị kích sóng di động gây can nhiễu. Các vụ can nhiễu mạng di động chủ yếu tập trung tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Cần Thơ.

Chủ trì, phối hợp các đơn vị đầu mối thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an giải quyết 05 vụ can nhiễu liên quan đến mạng di động, mạng thông tin điều hành taxi, mạng thông tin liên lạc phục vụ APEC2017; Tiếp nhận và hoàn thành xử lý 01 vụ can nhiễu tần số HF của nước ngoài do Cục Thông tin vô tuyến của ITU kiến nghị.

Tổ chức cuộc họp song phương và phối hợp tần số vùng biên với Lào; tiếp tục đăng ký, phối hợp và xử lý hồ sơ vệ tinh cho mạng vệ tinh VNSAT-1A3, VNSAT-112.5, VINASAT-30B, VIETSAT-132,  VNSAT-2A2; thực hiện đàm phán với Trung Quốc cho vị trí 117.5 0E, băng tần Ka; ...

Về triển khai Đề án số hóa truyền hình mặt đất, ông Tuấn cho biết Cục đã thực hiện tốt vai trò Thường trực Ban chỉ đạo Đề án Số hóa trong triển khai giai đoạn II của Đề án. Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình đã làm việc với UBND các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ sẽ ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất (ATV) từ ngày 15/8/2017 và UBND các tỉnh đồng bằng Nam Bộ sẽ sẽ ngừng phát sóng ATV từ ngày 31/12/2017. Cục đã xác định các địa bàn bị ảnh hưởng khi ngừng ATV trước 15/8/2017 và  31/12/2017, phục vụ triển khai công tác hỗ trợ đầu thu cho hộ nghèo, cận nghèo.

Chỉ đạo một số công tác trọng tâm 6 tháng cuối năm 2017, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải cũng nhấn mạnh vai trò của Cục trong việc đảm bảo Đề án số hóa truyền hình được triển khai thành công. Các nội dung của Đề án cho đến nay đã được triển khai tốt. Nhiều người dân, địa phương đã nhận thấy nhu cầu cần phải số hóa, nhiều địa phương đã đề nghị triển khai số hóa truyền hình sớm hơn.

Theo Thứ trưởng, số hóa truyền hình mặt đất cơ bản bảo đảm 2 phần, gồm phần phát và phần thu. Hiện nay, phần thu là phần phần hỗ trợ đầu thu số cho hộ gia đình trong diện tiêu chuẩn đã được hỗ trợ tốt. Còn phần thu, Cục cần rà soát, nắm bắt lại thực trạng phát sóng truyền hình số mặt đất. “Phần phát rất quan trọng cần phải rất quan tâm. Các doanh nghiệp đã phát sóng số cần phải được rà soát, chấn chỉnh như hoạt động phát sóng của VTV, VTC để đưa hoạt động phát sóng số vào quy củ từ đó đảm bảo Đề án số hóa thành công”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Về công tác quy hoạch băng tần, Thứ trưởng đề nghị Cục cần bắt đầu sớm hơn việc nghiên cứu, định hướng, quy hoạch những băng tần mới, băng tần có giá trị lớn; tiếp tục làm tốt công tác phân chia tần số phục vụ mục đích kinh tế xã hội - quốc phòng - an ninh, nhằm đảm bảo cho sự phát triển của các ngành, đồng thời sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc sử dụng tần số, thiết bị VTĐ của 3 khối. Cục sớm xây dựng dự thảo báo cáo về khó khăn, vướng mắc của việc triển khai đấu giá băng tần 2,6 GHz và đề xuất hướng triển khai sắp, để Bộ báo cáo Thủ tướng.

Khẳng định vai trò và vị trí của Cục, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải đã nhấn mạnh: “Cục Tần số VTĐ là đơn vị hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ chuyên sâu rất tốt và chuyên nghiệp, là tập thể đoàn kết, đồng lòng và tận tụy trong công tác. Mối quan hệ với cấp trên, với các Bộ ngành, địa phương được đánh giá rất tốt. Tần số VTĐ là lĩnh vực chuyên ngành đặc thù và chuyên sâu, nhưng ngày càng được xã hội và các cấp lãnh đạo biết đến nhiều hơn, thông qua đó khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của công tác quản lý nhà nước về tần số VTĐ”.

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải đã trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho Trung tâm Tần số VTĐ khu vực VII và Cờ Thi đua của Chính phủ cho Trung tâm Tần số VTĐ khu vực I.

Trong 6 tháng cuối năm 2017, Cục Tần số VTĐ đề ra 13 nhiệm vụ trọng tâm sẽ thực hiện, trong đó có: Trình Bộ TT&TT về sửa đổi Quy hoạch sử dụng kênh tần số phát thanh FM đến năm 2020; xây dựng quy hoạch băng tần (694-806)MHz cho hệ thống thông tin di động của Việt Nam; chuyển đổi kênh tần số cho AVG; triển khai giai đoạn II của Đề án số hóa truyền hình mặt đất đúng tiến độ; kiểm soát phục vụ Hội nghị APEC; xử lý can nhiễu, đặc biệt nhiễu do thiết bị kích sóng di động và điện thoại kéo dài DECT 6.0 gây ra; phối hợp với các đơn vị của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an tổ chức Hội thao kiểm soát tần số; phối hợp tần số biên giới với Trung Quốc và Campuchia;

Rà soát, báo cáo tình trạng thiết bị VTĐ không hợp quy, hợp chuẩn lưu thông trên thị trường trong lĩnh vực bộ đàm công suất nhỏ, micro không dây; phối hợp với các Sở TT&TT chú trọng quản lý chất lượng thiết bị, tuyên truyền về số hóa truyền hình; phổ biến, hướng dẫn cấp phép đối với các thiết bị VTĐ; được Bộ TT&TT ban hành chức năng, nhiệm vụ của Cục;…

HM

Tin nổi bật