Việt Nam dành giải cao nhất tại Diễn đàn Giáo dục toàn cầu Microsoft 2017

(ICTPress) - Diễn đàn Giáo dục toàn cầu Microsoft 2017, sự kiện thường niên nổi bật của ngành giáo dục thế giới, đã  được tổ chức thành công tại Toronto, Canada tháng 3 vừa qua.

Diễn đàn năm nay thu hút  sự tham dự của hơn 300 chuyên gia giáo dục sáng tạo Microsoft (MIE) đến từ 83 quốc gia khắp thế giới. Đại diện Việt Nam tham dự diễn đàn là các cô giáo Nguyễn Thị Liễu, Trường THCS Đức Trí, Tp. Hồ Chí Minh;  cô Trần Thị Thúy, Trường THPT Đức Hợp, Hưng Yên;  cô Lê Thanh Hà, Trường Phổ Thông Liên cấp Olympia, Hà Nội; cô Trần Thị Quỳnh Anh, Trường THPT Trưng Vương, Tp. Hồ Chí Minh.  

Dành được nhiều giải thưởng trong nhiều hạng mục thi đấu của diễn đàn bao gồm cả giải đặc biệt, đây là năm thứ 3 liên tiếp, cờ Việt Nam tung bay trên bục vinh quang, đánh dấu những nỗ lực trong quá trình đổi mới và ứng dụng Công nghệ để chuyển đổi việc dạy và học của giáo viên Việt Nam.

Mang sứ mệnh mỗi chuyên gia giáo dục sáng tạo Microsoft (MIEE) sẽ hết mình để trao quyền cho các học sinh đạt được nhiều hơn, 1,2 triệu thành viên thuộc mạng giáo dục toàn cầu đều nhiệt tình chia sẻ ý kiến và những ứng dụng sáng tạo trong giảng dạy, đồng thời đều hỗ trợ và tham dự vào các nhóm cộng tác giảng dạy giữa các tỉnh trong nước, giữa các nước trong khu vực hoặc thậm chí là đa quốc gia.

Tại cuộc thi, giáo viên các nước được chia vào các nhóm 5 người thuộc 5 quốc gia khác nhau để cùng làm dự án trong vòng 24 giờ và được giao các đề tài ngẫu nhiên thuộc 5 chủ điểm Gamify, Minimize, Strategize, Delocalize và Personalize (Gamify: Dạy học dưới dạng trò chơi; Minimize: Tối ưu hóa công tác giảng dạy; Strategize: Chiến lược hóa phương pháp dạy học; Delocalize: Kết nối việc học với thực tiễn; Personalize: Cá nhân hóa việc học).

Cô giáo Trần Thị Thúy, giáo viên Trường THPT Đức Hợp, Hưng Yên và nhóm của cô đã xuất sắc vượt qua hơn 40 nhóm khác và dành giải thưởng chung cuộc - giải cao nhất tại Diễn đàn.

Cô giáo Trần Thị Thúy, giáo viên Trường THPT Đức Hợp, Hưng Yên vỡ òa xúc động khi giành giải đặc biệt

Trong một thử thách nhóm theo chủ đề, cô Lê Thanh Hà, giáo viên Trường Phổ thông Liên cấp Olympia, Hà Nội cũng đã chứng minh được năng lực và sức sáng tạo của mình khi cùng nhóm mình dành giải Nhất.

Cô giáo Nguyễn Thị Liễu, Hiệu phó trường THCS Đức Trí, TP. Hồ Chí Minh, lần đầu tiên thử sức mình với cương vị người hướng dẫn và giám khảo quốc tế cũng được vinh danh với danh hiệu “Cá nhân Xuất sắc” tại Diễn đàn. 

Các cô giáo dành giải cao tại Diễn đàn MIEE 2017

Dành chiến thắng trong hầu hết các hạng mục quan trọng tại một cuộc thi quốc tế với hơn 300 thí sinh từ 83 quốc gia, đoàn Việt Nam đã thể hiện được năng lực sáng tạo, kinh nghiệm và sự bền bỉ, cùng sự chuẩn bị cũng như những hỗ trợ tối ưu từ cộng đồng giáo viên cả nước để có thể thành công khi vươn mình so tài cùng bạn bè quốc tế, bao gồm cả những quốc gia có nền tảng giáo dục xuất sắc. 

Cô Thúy, cô Hà, cô Quỳnh Anh và cô Liễu đều là những chuyên gia MIEE, đã và đang thiết kế các giáo án và giảng dạy cho học sinh trên nền công nghệ Microsoft với mục tiêu “Chuyển đổi mô hình lớp học”. Các cô cũng như hàng ngàn thầy cô giáo Việt Nam đều có chung mơ ước, có thể sử dụng công nghệ, tích hợp các yếu tố STEM, giúp các em học sinh tiếp cận tốt hơn hành trang thế kỷ 21 thông qua các lớp học hiện đại.    

Như thường lệ, trong tuần lễ tham dự diễn đàn toàn cầu, chuyên gia giáo dục từ các nước được chia thành các nhóm nhỏ ngẫu nhiên và thực hiện các chuyên đề “Chuyển đổi mô hình lớp học” nhờ công nghệ, áp dụng các kỹ năng STEM để xử lý những thách thức giáo dục hiện đại và xây dựng hành trang thế kỷ 21 cho học sinh. 

Cô giáo Trần Thị Thúy, giáo viên trường THPT Đức Hợp, Hưng Yên tâm sự đầy xúc động: “Diễn đàn giáo dục toàn cầu luôn là giấc mơ cho những giáo viên sáng tạo. Giấc mơ đó của mình trở thành sự thật khi mình bắt đầu xem E2 tháng 3/2016, và tất cả là nhờ Công nghệ Microsoft. Rural to global! Microsoft Tools đã giúp mình giải quyết  những trở ngại hiện hành như địa lý, thời gian, con người! Những ngày tham gia diễn đàn thực sự tuyệt vời vì mình gặp được những chuyên gia giáo dục toàn cầu. Họ đang tạo ra những ảnh hưởng để công nghệ và giáo dục không tách rời nhau! Thật hạnh phúc vì được giao lưu, trao đổi về phương pháp và những công nghệ mới nhất về dạy học. Đặc biệt với phần Challenge, nhóm của mình đạt giải chung cuộc. Hạnh phúc lắm vì được đem cờ Tổ quốc lên sân khấu! Cảm ơn sự đồng hành của cả thế giới với mình để together we can change the world!”.

Các đoàn tại MIEE 2017

Sáng kiến tổ chức Diễn đàn Giáo dục Toàn cầu thường niên là một phần quan trọng của Chương trình Giáo dục của Microsoft. Đây thực sự là nơi để các giáo viên từ tất cả các nước với nền tảng giáo dục và kinh tế khác nhau có thể giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, trau dồi kỹ năng trong nghề đồng thời gỡ bỏ sự kết hợp chưa nhuần nhuyễn giữa ứng dụng công nghệ vào các phương pháp giảng dạy tiên tiến. 

Theo PGS. TS. Nguyễn Thúy Hồng, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý Cơ sở  giáo dục, Bộ GD&ĐT: Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các nhà trường sẽ góp phần thu hẹp khoảng cách và thời gian tiếp cận, nâng cao chất lượng và hiệu quả các chương trình học tập, đáp ứng nhu cầu tự học và học tập suốt đời của người học. Những chương trình hợp tác cùng Microsoft trong hơn 10 năm qua là đòn bẩy hiệu quả, giúp phát triển năng lực giáo viên, cán bộ quản lí, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong bối cảnh kinh tế xã hội hiện tại của Việt Nam”. 

Ông Vũ Minh Trí, Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam nhấn mạnh: “Bước vào cuộc Cách mạng Công nghệ lần thứ Tư, ngành giáo dục toàn cầu và đặc biệt là Việt Nam đều đối mặt với những thách thức mới. Tuy nhiên đây cũng sẽ là những cơ hội để các quốc gia, đặc biệt là Việt Nam có thể tiến nhanh và tiến xa khi xác định chính xác mục tiêu và giải pháp phát triển.

Diễn đàn toàn cầu Microsoft với sứ mệnh “trao quyền cho giáo viên và học sinh để đạt được nhiều hơn nhờ công nghệ” đã và đang nỗ lực hỗ trợ các chuyên gia Giáo dục thế giới trong đó có Việt nam các cơ hội tiếp cận những công cụ công nghệ tiên tiến và kỹ năng sư phạm của thế kỷ 21”.

QA

Tin nổi bật