Từ ý tưởng gộp các tổng đài khẩn cấp tại TP. HCM
(ICTPress) - Từ ý tưởng gộp các tổng đài 113, 114 và 115 của TP. Hồ Chí Minh có thể thấy đây là cách làm sáng tạo và đáng được nhân rộng trên quy mô cả nước.
Cho đến hiện nay, tại tất cả các tỉnh thành thì ba tổng đài khẩn cấp nói trên (báo cháy, cứu hộ, cứu nạn gọi 114; cấp cứu y tế gọi 115; cảnh sát phản ứng nhanh gọi 113) đều hoạt động độc lập. Do vậy, người dân muốn báo tin hay yêu cầu hỗ trợ khẩn cấp với tổng đài nào thì phải bấm máy gọi đúng vào số tổng đài đó. Điều đó vừa lãng phí nhân lực trực đài, tốn kém về hạ tầng thông tin và khá bất lợi cho người dân. Đối với một người trí thức nhưng trong tình thế hoảng loạn, khẩn cấp cũng không thể nào nhớ hết số hỗ trợ để gọi hống hồ gì một người dân thường. Chẳng hạn, khi một đám cháy xảy ra thì đầu tiên phải gọi 114 đến cứu hoả, rồi sau đó có thể phải gọi 115 để cứu thương và 113 để giải quyết các vấn đề về an ninh trật tự; vì vậy, tại một địa điểm, một sự việc đôi khi phải cần rất nhiều lần gọi tổng đài hỗ trợ nhưng việc nhớ số không phải là dễ và tổng đài đâu phải lúc nào cũng rỗi.
Tác nghiệp tại Tổng đài 113 (Ảnh: Internet) |
Với giải pháp kỹ thuật của TP Hồ Chí Minh thì ba tổng đài khẩn cấp nói trên đã được kết nối thành một hệ thống duy nhất, đảm bảo được thông tin thông suốt khi người dân có yêu cầu hỗ trợ, báo thông tin khẩn cấp.
Ngoài ra, theo Sở TTTT TP Hồ Chí Minh, bằng các giải pháp kỹ thuật đã cho phép các cơ quan chức năng của Thành phố có thể định vị được các cuộc gọi đến hệ thống tiếp nhận thông tin khẩn cấp nói trên với sai số rất nhỏ, nhằm nâng cao khả năng và tính kịp thời khi người dân cần sự hỗ trợ trong các tình huống khẩn cấp, nhất là cứu hộ, cứu nạn. Chính vì vậy còn tăng thêm hiệu quả kết nối thông tin và giải quyết tình huống.
Được biết, thời gian sắp đến, TP. Hồ Chí Minh sẽ tiến tới kiện toàn một trung tâm điều hành chung, tiếp nhận, xử lí mọi tin báo khẩn cấp, các yêu cầu hỗ trợ khẩn cấp của người dân.
Với việc triển khai trên, nếu ứng dụng tốt kỹ thuật IPCC (Internet Protocol Contact Center) thì sẽ thực hiện định tuyến, phân luồng, chuyển tiếp cuộc gọi rất hiệu quả để nâng cao năng lực tiếp nhận thông tin và hiệu quả điều phối hoạt động.
Từ ý tưởng trên có thể mở rộng cho việc kết nối các tổng đài hỗ trợ khẩn cấp người dân không chỉ ở phạm vi một tỉnh thành mà có thể liên thông cả nước với một số duy nhất tạm gọi là Số hỗ trợ khẩn cấp để người dân dễ nhớ, tiện liên lạc khi cần, tiết kiệm tài nguyên và nguồn nhân lực cho quốc gia.
Cách Tân