Ngày 10/4/1945, Bác Hồ ra lời kêu gọi chống thất học, nêu rõ: “Muốn giữ vững nền độc lập, muốn làm cho dân mạnh, nước giàu, mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ Quốc ngữ”.
Người nhấn mạnh: “Phụ nữ lại càng cần phải học, đã lâu chị em bị kìm hãm, đây là lúc chị em phải cố gắng để kịp nam giới, để xứng đáng mình là một phần tử trong nước, có quyền bầu cử và ứng cử.” Lời kêu gọi của Bác được phát nhiều lần trên làn sóng Đài TNVN.
Ông Trần Lâm và nhiều người làm việc tại Đài lúc bấy giờ sinh hoạt trong hội “Truyền bá Quốc ngữ” của cụ Nguyễn Văn Tố nên có nhiều sáng kiến tuyên truyền nhiệm vụ quan trọng và cấp bách này.
Bà Dương Thị Ngân, phát thanh viên đầu tiên của Đài từng kể lại là trong những ngày sôi động ấy rất muốn về cơ sở, nhưng cơ quan còn ít người, công việc quá nhiều nên loanh quanh trong phòng thu với bàn biên tập. Bà muốn nhin thấy bà con miền quê đêm đêm đốt đuốc đến lớp bình dân học vụ như các anh phóng viên kể lại. Nhưng nào có được, bởi bà là phát thanh viên nữ duy nhất.
Rồi một ngày đầu tháng 1/1946, ông Trần Lâm đi họp về, vẻ mặt quan trọng hỏi bà Ngân đã soạn xong chương trình chưa? Có những phần gì? Bà Ngân lúng túng, không biết thủ trưởng muốn kiểm tra hay phải thay chương trình.
Nhìn nữ phát thanh viên vân vê tà áo, ông Trần Lâm hiểu ra, cười khà: “Có gì đâu, chương trình trưa nay phải thay đổi một chút, rút bài bình luận ra, đưa bài này vào, quan trọng lắm đấy, cô phải đọc rõ ràng, mạch lạc, mềm, không được cương giọng. Để phần tin tôi đọc cho.”
Bình tĩnh, lướt qua bài báo, bà Ngân cất giọng: “Mời đồng bào nghe bài: “Ý nghĩa Tổng tuyển cử” của Cụ Hồ Chí Minh:
“Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà. Trong cuộc tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử. Hễ là công dân đều là có quyền đi bầu cử. Không chia trai, gái, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó. Vì lẽ đó cho nên tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng, tức là dân chủ, đoàn kết. Do Tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội, Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân.
Vậy nên khẩu hiệu cuộc Tổng tuyển cử thứ nhất của nước Việt Nam ta phải là:
Kháng chiến đến cùng để hoàn toàn độc lập
Ra sức phấn đấu để xây dựng nước nhà.
Tôi mong rằng toàn thể quốc dân sẽ hăng hái tham gia cuộc Tổng tuyển cử này.”
Bài báo giản dị, dễ hiểu mà sâu sắc của Bác được đọc nhiều lần trên làn sóng Đài phát thanh Quốc gia. Nhiều nơi, cán bộ tuyên truyền chép lại, đọc qua loa cầm tay.
Ông Nguyễn Văn Nhất, biên tập viên, phát thanh viên giọng nam đầu tiên của Đài kể lại: Càng gần đến ngày Tổng tuyển cử, cấp trên càng thúc giục Đài phải tuyên truyền rầm rộ hơn nữa, cụ thể hơn nữa, phải kêu gọi thiết thực để dân đi bầu càng nhiều, càng đông càng tốt. Chương trình nào cũng hô khẩu hiệu: “Mỗi lá phiếu là một viên gạch xây nền dân chủ, cộng hòa”, “Mỗi lá phiếu là một viên đạn bắn thẳng vào đầu giặc.”
Ngày 5/1, ông Nguyễn Văn Nhất soạn chương trình, nêu khẩu hiệu thiết thực, giục giã: “Ngày mai, mọi nam phụ lão ấu hãy đi bỏ phiếu.”
Duyệt chương trình, ông Trần Lâm cho rằng dùng từ “hãy” có vẻ ra lệnh quá, không khiêm nhường, nên sửa lại là: “Ngày mai, mọi người, già trẻ gái trai rủ nhau cùng đi bỏ phiếu”.
Ông Nguyễn Văn Nhất được phân công viết bài bình luận hô hào toàn dân đi bỏ phiếu theo yêu cầu ngắn gọn, thiết thực, dễ hiểu, nhưng phải cuốn hút.
Ông Nhất tâm sự: thủ trưởng chỉ đạo như vậy, nhưng người thực hiện mới thật sự khó. Đặt bút xuống là tuôn ra những lời hô hào sáo rỗng, chung chung.
Đang loay hoay thì Tổng biên tập Trần Lâm đi họp về, mang theo lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu của Hồ Chủ tịch.
Vậy là chương trình thời sự chiều 5/1/1946 ông Nguyễn Văn Nhất và bà Dương Thị Ngân thay nhau đọc nhiều lần lời kêu gọi của Bác:
“Ngày mai mùng 6 tháng giêng năm 1946.
Ngày mai là một ngày sẽ đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ.
Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình.
Ngày mai dân ta sẽ tỏ cho các chiến sỹ ở miền Nam rằng: về mặt quân sự thì các chiến sỹ dùng súng đạn mà chống quân thù. Về mặt chính trị thì nhân dân dùng lá phiếu mà chống với quân địch. Một lá phiếu cũng có sức lực như một viên đạn.
Ngày mai quốc dân ta sẽ tỏ cho thế giới biết rằng: Dân Việt Nam ta đã:
Kiên quyết đoàn kết chặt chẽ
Kiên quyết chống bọn thực dân
Kiên quyết tranh quyền độc lập
Ngày mai dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho dân mình, và gánh vác việc nước.
Ngày mai, người ra ứng cử thì đông, nhưng số đại biểu thì ít, lẽ tất nhiên có người được cử, có người không được cử.
Những người trúng cử sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu sự hạnh phúc cho đồng bào. Phải luôn luôn nhớ và thực hành câu: vì lợi nước quên lợi nhà, vì lợi chung quên lợi riêng.
Phải làm cho xứng đáng với đồng bào, cho xứng đáng với Tổ quốc.
Người không trúng cử cũng không nên ngả lòng. Mình đã tỏ lòng hăng hái với nước, với dân thì phải luôn luôn giữ lòng hăng hái đó. Ở trong Quốc hội hay ở ngoài Quốc hội, mình cũng cứ ra sức giúp ích nước nhà. Lần này không được cử, ta cố gắng làm cho quốc dân nhận rõ tài đức của ta, thì lần sau quốc dân nhất định cử ta.
Ngày mai, tất cả các bạn cử tri đều phải nhớ đi bầu cử. Ngày mai mọi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do”
Cũng ngày 5/1, trong buổi lễ ra mắt ứng cử viên tổ chức tại Việt Nam đại học xá (nay là trường Đại học Bách khoa Hà Nội) Bác Hồ nói: “Làm việc nước bây giờ là hy sinh, là phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung. Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu”.
Trước đó, tại Hà Nội, 118 chủ tịch các Ủy ban Nhân dân và tất cả đại biểu các giới, làng xã công bố một bản kiến nghị yêu cầu Cụ Hồ Chí Minh được miễn phải ứng cử trong cuộc Tổng tuyển cử sắp tới, vì Cụ được toàn dân suy tôn làm Chủ tịch vĩnh viễn nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Đáp lại nguyện vọng tha thiết của đồng bào, Hồ Chủ tịch đã gửi thư cho nhân dân ngoại thành Hà Nội. Bức thư được phát trên sóng Đài TNVN ngày 15/12/1945. Bức thư có đoạn: “Tôi là một công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nên không thể vượt qua thể lệ Tổng tuyển cử đã định. Tôi đã ứng cử ở thành phố Hà Nội, nên không thể ra ứng cử nơi nào khác nữa”.
7h ngày 6/1/1946, tiếng chuông từ các nhà thờ, nhà chùa ngân vang, tiếng trống giục giã, tiếng pháo nổ giòn, kéo dài mươi, mười lăm phút, mở đầu cuộc bỏ phiếu. Bác Hồ đi bầu đại biểu Quốc hội tại hòm phiếu đặt ở nhà số 10 phố Hàng Vôi. Sau khi làm xong nghĩa vụ công dân, Bác đi thăm một số khu vực bỏ phiếu ở Hàng Bạc, Hàng Gai, Hàng Trống, Thụy Khuê, làng Hồ Khẩu và Ô Đông Mác.
Ở đâu Bác cũng nói chuyện thân mật vui vẻ với cử tri. Các phóng viên ảnh đã chụp được những bức ảnh quý hiếm về Bác Hồ trong ngày Tổng tuyển cử đầu tiên. Còn phóng viên nhà Đài tiếc ngẩn ngơ, vì không thu được tiếng nói của Bác với cử tri. Bởi lúc ấy Đài Quốc gia chưa có máy ghi âm.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trúng cử với số phiếu cao nhất: 98,4%.
Trong 133 đại biểu Quốc hội đầu tiên có 7 vị thuộc lớp người đầu tiên xây nền đắp móng cho Đài Phát thanh Quốc gia và ngành phát thanh cả nước.
Đó là ông Trần Kim Xuyến, nhà thơ Cù Huy Cận, Xuân Diệu; nhà văn, nhạc sỹ Nguyễn Đình Thi; nhà báo, nhà văn Nguyễn Văn Nguyễn; nhà sử học Trần Huy Liệu và nhà hoạt động xã hội Huỳnh Văn Tiểng./.