Cả nước có trên 18.000 nhà báo được cấp thẻ
Báo cáo đánh giá công tác báo chí năm 2015 của Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn tại Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2015, triển khai nhiệm vụ năm 2016 vừa được tổ chức mới đây cho biết.
Ảnh minh họa: Internet |
Về báo chí in: Hiện cả nước có 857 cơ quan báo chí, trong đó có 199 cơ quan báo chí in (86 báo trung ương, 113 báo địa phương), 658 tạp chí (521 tạp chí trung ương, 137 tạp chí địa phương), 01 hãng thông tấn quốc gia.
Năm 2015, số lượng cơ quan báo chí in tăng 12 cơ quan, chủ yếu là các tạp chí nghiên cứu khoa học chuyên ngành của các trường đại học. Nhiều cơ quan báo chí đã ra báo điện tử hoặc trang thông tin điện tử tổng hợp nhằm phục vụ nhu cầu thông tin nhanh của công chúng. Trong 5 năm (2011-2015), số lượng cơ quan báo chí tăng 71 cơ quan (05 báo, 66 tạp chí).
Về báo chí điện tử: Hiện cả nước có 105 báo, tạp chí điện tử (tăng 7 báo so với năm 2014). Trong đó có 83 báo, tạp chí điện tử của cơ quan báo chí in và 22 báo, tạp chí điện tử độc lập. Tổng số trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí được cấp phép là 248. 5 năm qua, số lượng cơ quan báo chí điện tử tăng 44 cơ quan.
Về phát thanh, truyền hình (PTTH): Hiện cả nước có 67 đài PTTH (02 đài quốc gia là Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam; Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC trước đây thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, nay đã chuyển sang trực thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam; 64 đài địa phương).
Số kênh chương trình PTTH quảng bá là 183 kênh, với 106 kênh chương trình truyền hình quảng bá, 77 kênh chương trình phát thanh quảng bá (năm 2015 cấp mới kênh FM cảm xúc và kênh Tiếng Anh 24/7; cấp mới 01 kênh truyền hình quảng bá, kênh Giáo dục - VTV7, cho Đài Truyền hình Việt Nam); 75 kênh chương trình truyền hình trả tiền.
Trong giai đoạn 2011-2015, một số đơn vị mới tham gia hoạt động truyền hình, đánh dấu sự phát triển của truyền hình trong xu thế hội tụ và sử dụng chung hạ tầng, là các đơn vị: Đài Tiếng nói Việt Nam (Kênh Truyền hình VOV TV, Kênh Truyền hình Quốc hội); Trung tâm PTTH, Điện ảnh Công an nhân dân của Bộ Công an (Kênh Truyền hình ANTV); Trung tâm Truyền hình thông tấn - TTXVN (Kênh VNews); Trung tâm PTTH Quân đội (Kênh Truyền hình Quốc phòng); Báo Nhân dân (Kênh Truyền hình Nhân dân).
Về tình hình tài chính của các cơ quan báo chí: Hiện có 300/857 cơ quan báo chí tự chủ về tài chính. Khối cơ quan báo Đảng phần lớn được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Báo của các bộ, ngành và các tổ chức đoàn thể phần lớn tự hạch toán, tiếp tục gặp nhiều khó khăn.
Khối tạp chí của các viện nghiên cứu cơ bản được bù lỗ; khối tạp chí giải trí mặc dù cân đối được thu chi nhưng lượng quảng cáo và lượng phát hành tiếp tục giảm. Một số cơ quan báo chí có doanh thu cao trước đây (Tuổi trẻ TP.HCM, Thanh Niên, Bóng đá, các báo ngành Công an...) năm qua tiếp tục sụt giảm doanh thu đáng kể.
Nhiều cơ quan báo chí in đã xin ra báo điện tử, trang tin điện tử tổng hợp để thu hút công chúng, mở rộng phạm vi ảnh hưởng của thông tin. Trước xu hướng tăng nhanh số người sử dụng internet và truyền thông xã hội, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, quảng cáo trên báo điện tử vẫn tăng trưởng chậm, phần lớn quảng cáo chỉ tập trung ở một số báo điện tử có số lượng người truy cập lớn.
Trong lĩnh vực PTTH, nhờ có sự đổi mới, nâng cao chất lượng chương trình, mở rộng hoạt động hợp tác, liên kết, nguồn thu của nhiều đài phát thanh, truyền hình cơ bản tăng hơn so với các năm trước.
Tổng doanh thu 2015 (trước thuế) tính đến ngày 30/11/2015 của toàn ngành PTTH là 11,1 nghìn tỷ đồng (năm 2012 là 8,5 nghìn tỷ đồng; năm 2013 là 9,9 nghìn tỷ đồng; năm 2014 là 10,3 nghìn tỷ đồng).
Đáng lưu ý, doanh thu quảng cáo trên tổng doanh thu của các đài PTTH vẫn chiếm tỷ lệ khá lớn (đài THVN: 4373/4962 tỷ đồng; đài PTTH Vĩnh Long: 1700/1854 tỷ đồng; đài TH TPHCM: 1442/1950; đài PTTH Hải Phòng: 125/131…).
Đến nay, trong số 67 đài PTTH cả nước, đã có 10 đài PTTH, đài truyền hình thực hiện cơ chế tự chủ hoàn toàn về tài chính: đài PTTH Vĩnh Long tự chủ từ năm 2002; đài PTTH Hà Nội (2003); đài Truyền hình Việt Nam (2005); đài truyền hình TP.HCM (2006); đài PTTH Khánh Hòa (2007); đài PTTH Đồng Nai (2008); đài PTTH Hải Phòng và đài PTTH Kiên Giang (2009); đài PTTH Bình Dương (2012); đài PTTH An Giang và đài PTTH Đồng Tháp (2013).
Về đội ngũ cán bộ, phóng viên và nguồn nhân lực báo chí: Cả nước có trên 18.000 nhà báo được cấp thẻ (tăng 1500 người so với năm 2011) và khoảng trên 5.000 phóng viên đang làm việc tại các cơ quan báo chí, nhưng chưa đủ điều kiện cấp thẻ nhà báo. Số người làm việc trong lĩnh vực báo chí khoảng trên 35.000 người (tăng trên 3.000 người so với năm 2011).
Phần lớn số người làm việc trong lĩnh vực báo chí đều có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Năm 2011, tỷ lệ nhân lực có trình độ đại học là 88% và trên đại học là 5%. Đến năm 2015, tỷ lệ nhân lực có trình độ đại học là khoảng 94% và trên đại học là 5,5%. Số liệu trên cho thấy chất lượng nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực báo chí đang có những chuyển biến tích cực.
Nguồn: MIC