Thông tin tại Hội thảo “Báo chí và mạng xã hội” do Hội nhà báo Việt Nam tổ chức sáng 2/12 tại Hà Nội cho biết: Mạng xã hội (MXH) sẽ đem lại cho người sử dụng nhiều tác động tích cực nếu chúng được sử dụng một cách hợp lý; là kênh thông tin phản hồi của công chúng về báo chí, giúp quảng bá cho báo chí.
Tuy nhiên, MXH cũng đang đe dọa sự tồn vong của một số loại hình báo chí truyền thông, làm hỏng nhiều cây bút, tạo nên sự lệch lạc, lười nhác cho người làm báo.
Các nhà báo tham dự hội thảo |
“Xào” thông tin từ facebook thành bài báo
Nhà báo Vũ Tuấn Anh, Phó chủ tịch thường trực Hội nhà báo Thanh Hóa chia sẻ câu chuyện có thật về bản thân mình khi còn trên cương vị Phó tổng biên tập một tờ báo. Đó là xuất phát từ một status (dòng trạng thái) xuất hiện trên một facebook nói về nét độc đáo về một tục của thanh niên người dân tộc ở tỉnh này.
Từ đó, phóng viên đã tận dụng tối đa, “bù đắp da thịt”, trở thành một bài báo “đình đám” trong dư luận khiến người dân địa phương phản ứng, coi đó là sự vu khống nhằm hạ giá phẩm hạnh của họ, bài báo ở chừng mực nào đó đã động chạm vào chính sách đại đoàn kết dân tộc.
“Người đứng đầu tòa soạn lúc đó phải một phen lao đao với 9 bản tường trình, công văn giải đáp tới nhiều cơ quan, phải đăng bài cáo lỗi. Còn tác giả bị tòa soạn cấm cửa vĩnh viễn" - nhà báo Tuấn Anh nói.
Theo kinh nghiệm của nhà báo Tuấn Anh: MXH nếu không cẩn trọng sẽ trở thành gió độc. Những thông tin đưa lên MXH theo cách không bị "đánh thuế" và phóng viên lập tức "xào" thành tin nóng báo chí. Họ không lường hết được sự nguy hại của thông tin đối với cộng đồng và cả chính họ.
PGS.TS. Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Tạp chí Người Làm Báo cũng khẳng định, bên cạnh những lợi ích MXH đem lại, nếu nhà báo sử dụng thông tin trên MXH ảo này bừa bãi hoặc không kiểm chứng nguồn tin sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường. Tin tức giật gân, câu khách dễ dẫn đến hiện tượng phỏng theo, bắt chước.
Theo nhà báo Vũ Văn Tiến – Phó Tổng biên tập báo Xây dựng: Báo chí chạy theo, bị dẫn dắt bởi MXH; MXH trở thành một kênh cạnh tranh mạnh mẽ về thông tin với báo chí. Một vụ đụng xe liên hoàn, một vụ cháy… có thể được cập nhật lên mạng ở bất cứ đâu, từ bất cứ ai. Chính điều này đã đẩy báo chí vào tình thế luôn phải đuổi theo MXH, đặc biệt là những tờ báo thiên về giải trí.
Do đó xuất hiện tình trạng một số tờ báo điện tử chạy theo kiểu “câu view” rẻ tiền, đăng những thông tin “lá cải”, thiếu kiểm chứng. Hậu quả là xuất hiện nhiều thông tin sai lệch trên mặt báo, gây ra nhiều hậu quả xã hội và nhiều tờ báo đã bị phạt.
Ứng xử với thông tin trên MXH như thế nào?
Theo các diễn giả, MXH có thể ví như “chợ trời” với đủ loại thông tin đúng, sai, thiện, ác. Hầu hết người làm báo cũng là “cư dân mạng”, có điều kiện tiếp xúc với đủ loại thông tin. Bối cảnh đó đòi hỏi những người làm báo phải có ứng xử văn hóa trên MXH.
Nhà báo Mai Phan Lợi – Phó Tổng thư ký tòa soạn Báo Pháp luật TP HCM thừa nhận, MXH vừa là “đối tác” vừa là “đối thủ” của báo chí. Rất nhiều thông tin trên MXH đã tạo được hiệu ứng tốt và trở thành “nguồn tin” cho báo chí. Thực tế này vừa là cơ hội, vừa là thách thức gay gắt cho hoạt động báo chí, đặc biệt là báo chí điều tra.
Nhà báo Nguyễn Nga, Phó Tổng biên tập Báo Giao thông khẳng định, tác động của MXH là rất tốt cho những người làm báo. Từ khi MXH ra đời, đây là một kênh phản biện của báo chí, tạo áp lực để báo chí dần thay đổi cách thức đưa tin theo kiểu “một chiều”, chất lượng của báo chí cũng tốt lên, thu hút thêm độc giả.
Tuy nhiên, điều nhà báo Nguyễn Nga băn khoăn là để cạnh tranh với MXH, quy trình xuất bản của báo chí với những sự kiện “nóng” có cần thay đổi? Có cần quy tắc ứng xử khi tham gia MXH, vì MXH không bị ràng buộc, không có giới hạn? Có nên quy định cách “phát ngôn” của nhà báo khi tham gia MXH với danh tính thật của mình?
Nói về ứng xử với thông tin MXH, TS. Đinh Thị Thu Hằng, Phó trưởng Khoa PT-TH, Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhấn mạnh, báo chí cần tiếp nhận, lựa chọn, kiểm chứng và “chính thống hóa” thông tin trên MXH; ngăn chặn và giảm thiểu tác hại của thông tin sai lệch nảy sinh trên MXH; đồng thời định hướng thông tin trên MXH.
Nhà báo Mai Phan Lợi cũng đề xuất, báo chí cần thể hiện và chứng tỏ năng lực dẫn dắt dư luận bằng thông tin chuẩn xác. Bên cạnh đó, cần có “Quy tắc ứng xử và tác nghiệp” cho nhóm cộng tác viên báo chí, nhà báo công dân đang hoạt động xã hội, trong đó đề cao tính pháp lý và đạo đức của những người tham gia MXH, nhằm hạn chế tình trạng tự do của người này không xâm hại tự do của tổ chức, cá nhân khác./.