Chúng ta kỳ vọng gì ở VietStampex 2015?

(ICTPress) - Từ ngày 11 - 13/12/2015, Triển lãm Bưu chính quốc gia (VietStampex) 2015 sẽ diễn ra tại Thủ đô Hà Nội với nhiều hoạt động.

Suốt hơn 3 tháng qua, rải rác trong cả nước, suốt từ Bắc chí Nam chúng ta đã được gặp những cuộc trưng bày triển lãm tem tại các địa phương do các Hội Tem tổ chức. Có thể thấy đây là một sự chuẩn bị tích cực, đầy nhiệt tình và rất kỹ lưỡng của những người sưu tập tem hướng tới VietStampex 2015 đang đến rất gần.

Mẫu thiết kế biểu tượng (logo) Triển lãm Tem bưu chính Quốc gia 2015 (VIETSTAMPEX 2015)

Chắc hẳn những người sưu tập tem Việt Nam chúng ta đang quyết tâm và đồng lòng cùng nhau làm nên một kỳ triển lãm quốc gia về tem bưu chính mà 5 năm mới được tổ chức một lần và đã được đưa vào chương trình của Chính phủ từ tháng 8 năm 2013.

Có thể cảm nhận rất rõ rằng, những người tổ chức và những người sẽ tham gia triển lãm đang đồng vọng. Họ đều mong đợi sẽ có một cuộc trình diễn sôi động thu hút được đông đảo lực lượng những người sưu tập tem không phân biệt trong hay còn ở ngoài Hội. Chính cuộc trình diễn này sẽ là một dịp để tập hợp lực lượng sưu tập tem một cách rộng rãi nhất đoàn kết quanh Hội Tem Việt Nam...

Không khí phấn khởi, tin tưởng trong cộng đồng những người sưu tập tem Việt Nam chỉ nảy sinh khi chúng ta đồng tâm nhất trí. Hơn nữa chúng ta còn kỳ vọng Triển lãm này sẽ không đơn giản chỉ là một sự kiện nội bộ của những người sưu tập tem mà nó sẽ cuốn hút được sự chú ý của toàn xã hội đối với tem bưu chính và phong trào sưu tập tem và để từ đó nâng cao uy thế của Bưu Điện Việt Nam và Hội Tem Việt Nam. Và chúng ta cùng kỳ vọng qua Triển lãm sẽ nâng cao một bước về trình độ sưu tập, trưng bầy của người sưu tập theo hướng hội nhập với quốc tế, đồng thời đây cũng là cơ hội lớn để tập dượt, nâng cao trình độ tổ chức của các cấp bộ và cán bộ Hội.

Không chỉ kỳ vọng mà chúng ta đang và sẽ cùng nhau biến kỳ vọng đó thành những mục tiêu, chương trình kế hoạch cụ thể.

Bắt đầu từ việc khảo sát, nắm bắt tình hình thực tiễn, bối cảnh hiện nay của phong trào sưu tập, của những người sưu tập, của phong trào hoạt động Hội trong  cả nước để “thiết kế” một cuộc triển lãm xứng tầm.

Qua khảo sát nắm bắt tình hình đã giúp những người tổ chức nhận ra rằng có 3 điểm nhấn về sự khác biệt của thời điểm hiện nay so với các kỳ triển lãm trước.

Thứ nhất, trong các kỳ triển lãm trước đây, phong trào tem chơi trong và ngoài nước đang lên. Tổ chức Hội mạnh và có uy thế nổi bật trong xã hội, đang được các cấp lãnh đạo (cả trung ương và địa phương) hết sức quan tâm. Điều này còn một phần là do các hình thức sinh hoạt văn hóa trong xã hội những năm đó còn hạn chế, trong khi đó triển lãm tem nói lên được cả các vấn đề chính trị, tư tưởng lẫn văn hóa một cách phong phú và đa dạng. Người sưu tập háo hức tìm đến tổ chức Hội và khi không được tham gia thì coi như mình tự đánh mất một cơ hội. Giờ thì mọi chuyện đã khác. Triển lãm tem đã diễn ra nhiều lần, tính mới của nó không còn nữa. Tổ chức Hội sau Đại hội IV gần như án binh bất động khiến người ta nghi ngờ về vai trò của nó, người ta còn nghe ngóng và ngại tham gia. Vì vậy người chơi không tìm đến Hội mà Hội phải tìm đến người chơi.

Tìm hiểu và trao đổi với nhiều người sưu tập, những người tổ chức được nghe lời tâm sự về những khó khăn, về những vất vả và tốn kém như thế nào trong việc thực hiện một bộ trưng bầy. Họ biết được, cái danh mang lại đối với từng bộ sưu tập không còn “sáng giá” như ngày xưa. Vì vậy tất cả là làm sao thôi thúc được nhiều người tham gia. Tạo điều kiện dễ dàng cho nhiều người có cơ hội tiếp cận mới là mục tiêu chính, là điều cần thiết. Thu hút được mọi người vào cuộc - thu hút bằng chính sự chân thành và thực sự trân trọng - để mọi người cùng chung tay góp sức là điều cần làm trong lúc này.

Thứ hai, đối tượng tham gia hôm nay rất khác xưa. Khác về trình độ, khác về thông tin… từ đó khác về “lòng tin”.  Xưa nếu có một văn bản của “Trung ương Hội” gửi đi thì chỉ có “từ đúng trở lên”. Trung ương mới có dịp đi nước ngoài, mới có dịp kể những câu chuyện FIP, FIAP… mà người nghe thấy rất kinh ngạc và hấp dẫn. Nay ngược lại, mọi người “đồng đẳng” trong việc tiếp cận thông tin. Giới trẻ được cọ sát với thực tế nước ngoài nhiều hơn nên họ cũng rất dễ phản bác. Và vì thế một vấn đề mới được đặt ra là chúng ta cần tổ chức thông tin, định hướng thông tin để không bị nhiễu loạn thông tin.  

Thứ ba, tổ chức Hội gần đây có phần lỏng lẻo, cán bộ Hội phân tán không tập hợp được nhiều người tâm huyết nhiệt thành hưởng ứng công tác Hội ở các địa phương như những năm xưa. Cũng may, tổ chức Hội vừa “lấy lại được điểm” nhờ “Bản thỏa thuận” của Bưu điện Việt Nam và Hội Tem Việt Nam vừa được lãnh đạo hai bên ký vào tháng 4 năm nay. Lãnh đạo các Bưu Điện tỉnh thành được nhắc nhở, được tạo điều kiện đã bắt tay ngay vào việc.

Từ những nhận định đó, Ban Tổ chức đã bắt tay vào việc xây dựng Qui chế Triển lãm sao cho phù hợp với tình hình mới. Có thể nói rằng việc xây dựng qui chế triển lãm, qui tắc đánh giá bộ sưu tập kỳ này đã được nghiên cứu rất kỹ lưỡng.

Tự cho mình hiểu biết hơn người, chờ mọi người phải tìm đến mình mới “hạ cố” tham gia, “phán nhiều hơn góp”, hoặc chần chừ “chờ xem sao đã” hay “vui thì vào, không thì thôi”...v.v... là những thái độ không phù hợp trong lúc này.

Chúng ta có quyền đặt nhiều kỳ vọng ở VietStampex và đang làm tất cả những gì có thể làm được cho những kỳ vọng đó thành hiện thực.                                                              

Nguyễn Thị Hồng Vĩnh

Phó Chủ tịch Hội Tem Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Tem

Tin nổi bật