70 năm Ngày Truyền thống Ngành Bưu điện: Tôi đi tìm gặp một người Bưu điện... “già”

(ICTPress) - Lịch sử là một dòng chảy liên tục. Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay, còn ngày hôm nay thì chắc chắn nó phải bắt đầu từ ngày hôm... qua rồi. 

Tôi cũng là một “Người Bưu Điện” - tôi tự nhận như thế bởi lẽ đến giờ tôi còn đang làm việc cho một đơn vị có tên là báo “Bưu điện”. Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Ngành Bưu điện, tôi muốn tìm gặp một người bưu điện... “già” - “già” cả về “tuổi bưu điện” lẫn “tuổi đời” so với tôi. Điều đó đảm bảo cho tôi được biết chi tiết hơn về việc cái “bưu điện xưa” có gì mà hôm nay gọi là “truyền thống”. Đồng thời với góc độ một người làm báo, tôi cũng muốn khai thác tâm sự của một người đã nghỉ hưu, xem dù đã đứng “ngoài dây chuyền” từ lâu nhưng trong không khí của ngày kỷ niệm hôm nay, họ có những suy nghĩ gì?

Người tôi tìm đến là một “bạn đồng nghiệp, đồng nghiệp vong niên”, một nhà báo cùng trong Liên chi hội Nhà báo Thông tin Truyền thông, hay mang bút danh  là M.C, người mà tôi vẫn thường có dịp trao đổi chuyện trò.

Tôi hỏi bác: “Theo bác thì truyền thống của Ngành là gì và cái gì đã tạo nên truyền thống đó?” - một câu hỏi rất báo chí. Bác cười hóm hỉnh: “Thì chính cái “Mụ Lịch sử” nó nặn ra “thằng cu Truyền thống” chứ còn ai vào đó nữa !”...

Gợi một hồi, bác kể dài dòng về lịch sử ngành mà tôi cũng đã từng được nghe, được đọc, được thấy đâu đó, tại sách báo, tại các cuộc họp hay tại bảo tàng... Và rồi bác “vào cuộc” lúc nào không hay: “Thôi, cháu đã hỏi thì bác cũng kể. Nhưng chỉ là một mảnh bằng cái đầu ghim thôi đấy, chắp nối lại thế nào để hiểu tùy cháu. Ngày còn trẻ, trẻ tức là ngày  60 tuổi, bác nghĩ khác. Bây giờ “bát thập” rồi, cái sự nghĩ cũng có khác đi đôi chút.

Bác biết cũng không ít người, nhiều bạn bè, đồng đội của mình ngày đó, giờ đây hễ cứ nói đến truyền thống là lại say sưa kể về “công tích” của mình. Thậm chí  trước những cơn lốc của cuộc đời không khỏi có đôi lúc cũng oán trách, giận hờn. Nhưng cháu phải hiểu, họ hoàn toàn không sai, họ không xấu, họ cũng không phải “máu công thần” như một số người nghĩ đâu. Quả thật họ đã phải trải qua không biết bao sự hy sinh, đóng góp... Phải làm sao để người của hôm nay và ngày mai hiểu cho họ. Cõng pho sử của chính mình lặc lè, không kịp ngẩng đầu lên nhìn ngó xung quanh, cứ nghĩ nó... là tất cả, nên vẩn vơ thế thôi chứ thật ra họ xứng đáng lắm!    

Nói đến sự hy sinh của ngành Bưu điện, giờ đây ta hay kể nấm mồ của  hơn một vạn liệt sỹ còn nằm đấy. Nhưng còn nhiều vạn tuổi xuân đã qua đi mà không được mọi người “hiểu cho”, nghĩ cũng ...tội! Người công tác Bưu điện là những người có mặt trên khắp các “hang cùng ngõ hẻm của đất nước”, họ gìn giữ từng giây cho sự liên tục của toàn mạng lưới. Họ ốm đau gầy mòn, xanh xao rồi có khi còn... “chết mất xác” cũng chẳng ai hay... Họ nằm trong các hang đá rừng sâu lúc chiến tranh. Rồi ngay khi hòa bình trở lại, mọi người xum họp đầm ấm thì vẫn còn những cô gái sống âm thầm trên các “trạm vi ba” heo hút ở các ngọn núi cao. Họ tận tụy bất kể ngày đêm để nối thông liên lạc mà chẳng bao giờ phàn nàn. Nhưng lúc nào họ cũng vẫn vui và lạc quan, “coi khinh” những tính đếm so bì ...”.

Ảnh tư liệu

Lan man chuyện cũ, bác kể thêm chuyện mới hôm qua, bác vừa đi thăm một cô trước công tác với bác ở Sơn La. “Cô” ấy bây giờ về sống ở quê hương, một bản của dân tộc Mường tận tít tắp Hòa Bình, cách Hà Nội hơn 100 km. Chú Huệ, người cùng “tổ sửa chữa vô tuyến” năm đó nhờ trời giờ đây có khấm khá hơn nhưng vẫn không thể quên bạn cũ. Nghe tin “cô” sắp làm đám cưới cho con, thế là chú Huệ bắt con dù có bận trăm công ngàn việc cũng phải bỏ đấy để “đánh xe” đi đón đưa các bác các chú cùng về...

Gặp nhau, cô hỏi: “các anh còn nhớ “cái... Liên” hồi đó không? Bây giờ thì nó đã “lên chức” mẹ chồng. Nó cũng đã có 2 cháu ngoại rồi”. Thế rồi các bác các chú xúm xít lại kể chuyện ngày xưa, về cái ngày “cái Liên” mới ra đời trong... hang đá ngày đó. Đúng phải bữa máy bay oanh tạc, giữa phiên cô trực, ngoài cửa hang thì lửa cháy đùng đùng. Nhưng mà rồi “Ùng! ùng! Oàng oàng mà ... em vẫn sinh !”... Các cụ ngồi kể chuyện với nhau cười nghiêng ngả. Quan viên hai họ ngơ ngác rồi cũng thấy vui theo....

Mải mê với hàng loạt kỷ niệm cũ có mới có, bác còn kể mấy hôm Hà Nội trời nóng vừa qua thì một bữa tối bác còn nhận được một cuộc điện thoại của bác Mười Ân, cũng là một bậc “đại ca” của Bưu điện thời mở cửa, nguyên giám đốc bưu điện Cần Thơ. Nghe ti vi thông báo tình hình thời tiết, “ông anh 83 tuổi” thấy sốt ruột vác máy gọi điện hỏi “thằng em 80 tuổi”  xem trời nóng thế có đau ốm gì không”... Một cử chỉ nhỏ nhưng thể hiện đầy ân tình của những người anh em trong Ngành. 

Gần kết thúc câu chuyện, bác cố kể thêm: Một người bạn già vừa chia sẻ lo lắng với bác về chuyện con họ chưa đến 60 mà rồi lần này cũng...phải về hưu vì Ngành đang tái cơ cấu. “ Bây giờ thì thực thể tổ chức của Ngành Bưu Điện không còn nữa. Cũng rất hiếm hoi mới thấy 1 vài đơn vị mang tên Bưu điện. Lâu ngày không nhắc đến thì không khéo người ta cũng quên... Cái “vật thể” tuy không còn nhưng cái “phi vật thể” là cái truyền thống cố giữ cho lâu dài. Trung thành với những cái đích đã đặt ra, cái phận sự xã hội là phải phục vụ người sử dụng sao cho ngày một chu đáo thuận tiện hơn. Muốn thế tất nhiên phải “sáng tạo” không ngừng, “biến khó thành khôn” để mà vượt qua chướng ngại. Nhưng cũng vẫn cố mà giữ lại được “nghĩa tình”, đừng “cuống” rồi làm ẩu”, bác chia sẻ suy nghĩ.

Bác bảo bác rất... “phục” không biết là cái anh nào là người đầu tiên nghĩ ra cái “10 chữ vàng” tặng ngành Bưu Điện? Chỉ 10 chữ “Trung thành - Dũng cảm - Sáng tạo - Tận tụy - Nghĩa tình” thôi mà khắc họa được cả một quá trình 70 năm của Ngành Bưu điện (15/8/1945 - 15/8/2015)...

Chia sẻ những hồi ức cũ, có những lúc thấy bác nghẹn ngào khiến tôi cũng phải ngoảnh mặt đi cho qua cơn xúc động... Hai ngày sau, bác điện thoại cố thanh minh về những điều không kìm nén được của lòng mình. Bác bảo: “Cháu thông cảm, đấy không phải là một biểu hiện của một trạng thái tâm lý yếu ớt đâu. Bệnh lý đấy. Mấy anh già bây giờ nhũn não cứ hễ nhắc đến chuyện xưa là... vãi nước mắt ra. Cháu thông cảm!”. Thật không có gì buồn bằng thấy một ông già mếu máo, nước mắt, nước mũi quệt ngang.

Lịch sử là một dòng chảy liên tục. Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay, còn ngày hôm nay thì chắc chắn nó phải bắt đầu từ ngày hôm... qua rồi. Nhưng đừng để dòng chảy liên tục đó chảy lờ đờ mà hãy chảy cuồn cuộn hiên ngang. Đừng quên mình là Bưu điện, đừng quên quá khứ!

P.B.M

Tin nổi bật