Nikkei: Việt Nam là công xưởng smartphone hàng đầu thế giới
Báo Nikkei của Nhật Bản nhận định, Việt Nam đang trở thành trung tâm sản xuất điện thoại thông minh (smartphone) hàng đầu thế giới.
Theo Nikkei, ngày càng nhiều công ty nước ngoài đầu tư, mở rộng hoạt động tại Việt Nam để tận dụng các chính sách khuyến khích của chính phủ và lực lượng lao động dồi dào, giá rẻ.
Vốn ngoại rót vào ùn ùn
Nikkei cho biết, Tập đoàn phần mềm Microsoft của Mỹ đã chuyển các dây chuyển sản xuất của hai cơ sở bị đóng cửa tại Trung Quốc sang một nhà máy ở phía Bắc Việt Nam.
Samsung của Hàn Quốc sẽ đầu tư 4 tỷ USD nâng cấp năng lực sản xuất của nhà máy Samsung tại Việt Nam vào cuối năm nay. Tập đoàn này đã có các nhà máy ở Thái Nguyên và Bắc Ninh. Hãng sẽ mở rộng năng lực của nhà máy ở Thái Nguyên. Sau khi công suất tăng lên, hai nhà máy sẽ kết hợp, dự kiến tăng sản lượng xuất khẩu lên 21,7% từ năm 2014 lên 32 tỷ USD năm 2015.
Một nhà máy của Samsung tại tỉnh Bắc Ninh. - (Ảnh: Nikkei) |
Nguồn vốn đầu tư sắp tới của Samsung chủ yếu nhằm mở rông sản xuất dòng smartphone Galaxy của hãng. Samsung bắt đầu hoạt động sản xuất điện thoại ở Việt Nam vào 2009. Hãng đã thiết lập một trong những nhà xưởng lớn nhất của một công ty nước ngoài tại Việt Nam, tuyển dụng khoảng 100.000 công nhân. Với khoản đầu tư mới, sự kiến sẽ có thêm nhiều nhân lực được tuyển dụng.
Nhãn hàng LG nổi tiếng hồi tháng 3/2015 cũng đã mở một nhà máy mới trị giá 1,5 tỷ USD ở Việt Nam. LG cũng bắt đầu sản xuất smartphone và các thiết bị điện tử tiêu dùng tại nhà máy mới ở Hải Phòng hồi tháng Ba năm nay. Công ty bán 30% sản phẩm sản xuất tại nhà máy này ở Việt Nam, số còn lại xuất khẩu đi hơn 30 quốc gia trên thế giới.
Lợi thế hút đầu tư
Trong nửa đầu 2015 này, 107,3 triệu smartphone và điện thoại di đôngk (ĐTDĐ) đã được sản xuất tại Việt Nam, tăng 68,8% so với năm trước. Lần đầu tiên, công suất đạt trên 100 triệu máy trong thời hạn 6 tháng. Dự kiến, năng suất hàng năm chắc chắn sẽ vượt 200 triệu máy. Hiện, Samsung, Microsoft và LG chiếm 99% sản lượng xuất khẩu smartphone và ĐTDĐ tại Việt Nam.
Chi phí lao động tại Việt Nam chỉ bằng một nửa so với ở Thượng Hải và Quảng Châu (Trung Quốc). Hơn nữa, Việt Nam có nhiều nhân lực trẻ, kỹ năng tốt đang tìm kiếm công việc.
Nikkei nhận định, chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều chính sách khuyến khích nhằm thu hút các nhà sản xuất smartphone và ĐTDĐ. Trong đó phải kể đến một “lực hút” lớn từ động thái cắt giảm một nửa thuế doanh nghiệp và phí thuê đất./.
Nguồn: Trần Ngọc/VOV.VN Theo Nikkei Asian Review