Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trả lời phỏng vấn các hãng thông tấn, báo chí Hoa Kỳ
Ngày 3/7, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp và trả lời phỏng vấn của một số hãng thông tấn, báo chí Hoa Kỳ trước thềm chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Tổng Bí thư. Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu nội dung cuộc phỏng vấn.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp và trả lời phỏng vấn các hãng thông tấn, báo chí Hoa Kỳ: AP (Associated Press), Bloomberg News và Wall Street Journal - Dow Jones. Ảnh: TTXVN |
Việt Nam và Hoa Kỳ vừa kỷ niệm 40 năm ngày kết thúc chiến tranh và sắp kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Xin Ngài đánh giá về quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ? Những thách thức còn tồn tại trong mối quan hệ hai nước là gì? Hoa Kỳ có thể làm gì để cải thiện quan hệ hai nước?
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Tôi tin rằng, nhân dân Việt Nam và Hoa Kỳ, cũng như toàn thể nhân loại tiến bộ trên thế giới đều yêu chuộng và khao khát được sống trong hòa bình. Chiến tranh chắc chắn là điều ít người mong muốn. Tuy nhiên, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã phải chứng kiến một chương buồn trong lịch sử, để lại di chứng nặng nề trong lòng hai dân tộc. Nhưng thời gian đã cho thấy, vượt lên trên hết là khát vọng hòa bình và mong muốn xây đắp quan hệ hữu nghị, hợp tác của nhân dân Việt Nam và Hoa Kỳ, hai nước đã cố gắng “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai”.
40 năm sau chiến tranh, 20 năm bình thường hóa quan hệ, từ chỗ là “cựu thù”, Việt Nam và Hoa Kỳ đã trở thành “bạn” và từ năm 2013 đến nay là “đối tác toàn diện”. Đây thật sự là một bước tiến dài mà 20 năm trước, ít ai hình dung được.
Nếu vào thời điểm năm 1995, quan hệ hai nước mới chủ yếu trong lĩnh vực tìm kiếm người mất tích trong chiến tranh (MIA) thì nay đã được mở rộng trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, ngoại giao, kinh tế-thương mại, văn hóa-giáo dục, khoa học-công nghệ, quốc phòng-an ninh, quan hệ giao lưu nhân dân…. Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á có số lượng sinh viên, học sinh đang theo học tại Hoa Kỳ đông nhất. Kim ngạch thương mại hai chiều trong 20 năm qua tăng gấp 130 lần. Hai nước hiện cùng các đối tác khác tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp định có ý nghĩa rất quan trọng đối với hợp tác kinh tế khu vực. Bên cạnh các lĩnh vực hợp tác song phương, hai bên tăng cường hợp tác trong các vấn đề khu vực cũng như trong các vấn đề toàn cầu như chống phổ biến vũ khí hạt nhân, chống khủng bố, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại châu Á - Thái Bình Dương và thế giới.
Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì thăm lẫn nhau và tiếp xúc bên lề các diễn đàn quốc tế và khu vực, qua đó góp phần xây dựng lòng tin giữa hai nước và tạo cơ hội để thảo luận các biện pháp tăng cường quan hệ song phương. Chuyến thăm Hoa Kỳ lần này của tôi cũng nhằm mục đích trên và hy vọng chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống B. Obama cũng có thể diễn ra vào cuối năm 2015.
Cũng giống như bất kỳ mối quan hệ nào giữa hai quốc gia trên thế giới, Việt Nam và Hoa Kỳ còn có những tồn tại khác biệt trên một số lĩnh vực như nhận thức về dân chủ, nhân quyền, thương mại… Đối với những khác biệt, tôi cho rằng cách tốt nhất và hiệu quả nhất là hai bên tiếp tục đối thoại thẳng thắn, xây dựng để hiểu nhau hơn, không để những khác biệt đó gây trở ngại cho việc tăng cường quan hệ chung.
Chuyến thăm chính thức của Ngài tới Hoa Kỳ là chuyến thăm lịch sử, Ngài mong muốn chuyến thăm này đạt những mục tiêu cụ thể gì?
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Đây là chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ lần đầu tiên của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam theo lời mời của chính quyền Hoa Kỳ đúng vào dịp hai nước đang kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Đây là thời điểm tốt để chúng ta đánh giá lại chặng đường đã qua và chia sẻ tầm nhìn “hướng tới tương lai”, cùng chung tay xây dựng quan hệ hữu nghị, hợp tác ổn định lâu dài, trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng thể chế chính trị của nhau, vì lợi ích của nhân dân mỗi nước và góp phần vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác, phồn vinh ở khu vực và trên thế giới.
Tôi cũng mong muốn khẳng định với Chính quyền, Quốc hội và nhân dân Hoa Kỳ về đường lối đối ngoại nhất quán của Việt Nam, đó là độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, là bạn và đối tác tin cậy của các nước trên thế giới, vì hòa bình, độc lập và phát triển; trong đó chúng tôi luôn coi trọng quan hệ với Hoa Kỳ, coi Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Chuyến thăm này sẽ là cơ hội làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực. Bên cạnh hợp tác song phương, chúng tôi cũng muốn trao đổi với các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ với tầm nhìn dài hạn các vấn đề khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm, như tình hình khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương, vấn đề biến đổi khí hậu, các cơ chế hợp tác chính trị, kinh tế và an ninh khu vực, an ninh và an toàn hàng hải, nhằm cùng nhau góp phần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác, phát triển của khu vực và trên thế giới.
Tôi hy vọng, đây cũng là một dịp để hai bên có thể trao đổi thẳng thắn về các vấn đề mà hai bên còn có những khác biệt, nhằm góp phần vào việc tăng cường hiểu biết lẫn nhau, giảm bớt khác biệt, từng bước xây dựng lòng tin giữa hai bên nhằm đưa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ ngày càng phát triển ổn định và thực chất, hướng tới tương lai tốt đẹp hơn.
Việt Nam có thuyết phục Hoa Kỳ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương hay không?
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Trên nền tảng quan hệ Đối tác toàn diện đang tiến triển năng động và tích cực, Việt Nam mong muốn đẩy mạnh hơn nữa hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, trong đó có hợp tác về an ninh-quốc phòng. Việc Hoa Kỳ đã gỡ bỏ một phần, tiến tới gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương với việt Nam, thể hiện sự tin cậy giữa hai nước, tạo điều kiện làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác toàn diện và thực hiện Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng Việt Nam - Hoa Kỳ 2011 cũng như Tuyên bố Tầm nhìn chung Việt Nam - Hoa Kỳ về Quan hệ Quốc phòng 2015.
Xin Ngài cho biết Hoa Kỳ đóng vai trò quan trọng như thế nào và có thể làm gì nhằm xây dựng sự ổn định ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung, khu vực Biển Đông nói riêng?
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Chúng tôi cho rằng, là cường quốc hàng đầu thế giới và là ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Hoa Kỳ có lợi ích, đồng thời có trách nhiệm lớn trong việc giữ gìn hòa bình, ổn định trên thế giới, trong đó có khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Việt Nam hoan nghênh Hoa Kỳ tăng cường hợp tác, coi trọng việc phát triển quan hệ nhiều mặt với khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tôi cho rằng trên cơ sở sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, Hoa Kỳ có thể đẩy mạnh hơn nữa quan hệ song phương nhiều mặt với từng nước trong khu vực, nhất là về kinh tế-thương mại, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, ứng phó biển đổi khí hậu… Các lĩnh vực này mang đến những lợi ích cụ thể, thiết thực cho người dân, qua đó tạo ra nền tảng vững chắc, lâu dài cho hòa bình, ổn định ở khu vực.
Về vấn đề Biển Đông, tôi đánh giá cao việc Chính phủ Hoa Kỳ có những phát biểu tích cực, ủng hộ việc giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và ủng hộ việc tiến tới đạt được một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Chúng ta đều biết khu vực Biển Đông có vị trí chiến lược quan trọng. Khoảng 50% lượng hàng hóa được vận chuyển đường biển của thế giới đi qua các tuyến hàng hải quan trọng trên Biển Đông. Do đó, duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không, không làm thay đổi hiện trạng, quân sự hóa hoặc áp đặt kiểm soát trên biển và trên không ở Biển Đông, không phải là lợi ích của riêng ai, mà là nguyện vọng chung của các nước trong khu vực và cả thế giới. Tôi hy vọng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục có tiếng nói và hành động phù hợp, đóng góp vào việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế, góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng như trên thế giới.
Trung Quốc và Hoa Kỳ là những đối tác kinh tế lớn của Việt Nam, đồng thời cả hai nước đều đang tăng cường mạnh mẽ ảnh hưởng của mình tại khu vực. Vậy Việt Nam sẽ làm gì trong bối cảnh này?
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Trung Quốc và Hoa Kỳ đều là hai cường quốc ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới. Việc Trung Quốc và Hoa Kỳ có vai trò và ảnh hưởng quan trọng ở khu vực cũng là dễ hiểu. Thực tiễn cho thấy, nếu các nước lớn hành xử phù hợp với luật pháp quốc tế, không ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng của nước khác, đồng thời đóng góp tích cực và xây dựng vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của cả khu vực, thì luôn được cộng đồng các nước hoan nghênh.
Hiện nay, Trung Quốc và Hoa Kỳ đều là hai đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam. Do đó, việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác cùng có lợi với cả Trung Quốc và Hoa Kỳ là một trong những ưu tiên đối ngoại hàng đầu của chúng tôi. Bên cạnh đó, cũng như các nước khác trong khu vực, chúng tôi mong muốn quan hệ Trung Quốc - Hoa Kỳ phát triển ổn định, đóng góp cho hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực.
Ngài mong đợi gì từ Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ được tổ chức vào năm sau? Đảng cần làm gì hơn nữa để giải quyết vấn đề tham nhũng vốn đang làm xói mòn lòng tin của người dân đối với Đảng?
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng đối với đất nước chúng tôi. Đại hội sẽ kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng (2011-2015) và nhìn lại chặng đường 30 năm đổi mới, đề ra những chủ trương và quyết sách lớn trên tất cả các lĩnh vực trong 5 năm tới nhằm tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; chăm lo cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; nâng cao vị thế của đất nước, chủ động và tích cực, hội nhập quốc tế phấn đấu đưa Việt Nam sớm trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Để củng cố uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và sự quản lý của Nhà nước Việt Nam, chúng tôi chủ trương tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Trong những năm qua, nỗ lực phòng, chống tham nhũng của chúng tôi đã đạt được nhiều kết quả tích cực, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, chúng tôi không tự hài lòng với kết quả đó, mà càng nỗ lực, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.
Một trong những trở ngại trong quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là vấn đề nhân quyền. Mong Ngài cho biết ý kiến về những chỉ trích cho rằng Việt Nam không có tự do báo chí và các quyền tự do cơ bản, thành tích nhân quyền của Việt Nam đang kém đi trong những năm gần đây?
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Trong Tuyên ngôn độc lập mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc cách đây tròn 70 năm, ngay những dòng đầu tiên, Người đã trích Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp. Việc tôn trọng quyền con người, đấu tranh vì quyền con người chính là khát vọng của dân tộc chúng tôi, là mục tiêu phấn đấu của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tôi cho rằng, đó cũng là khát vọng chung của nhân loại, là mục tiêu phấn đấu của mọi chế độ tiến bộ trên thế giới.
Thực tiễn cho thấy, qua 30 năm Đổi mới, quyền của người dân Việt Nam ngày càng được phát triển, ngày càng được Nhà nước Việt Nam bảo đảm. Điều này đã được thể chế hóa trong Hiến pháp, pháp luật, được quy định cụ thể bằng các chính sách, giải pháp thực hiện từ Trung ương đến địa phương. Qua những nỗ lực đó, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc bảo đảm quyền con người trên tất cả các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội…. Nỗ lực đó được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, thể hiện qua việc Việt Nam được bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2014-2016 với số phiếu rất cao. Các quốc gia cũng đánh giá cao thực tế tình hình thực thi quyền con người ở Việt Nam ở trong nước cũng như những đóng góp tích cực của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, chúng tôi cũng còn nhiều việc phải làm, nhằm bảo đảm tốt hơn quyền của người dân Việt Nam.
Đúng là hiện nay trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam còn có những cách hiểu khác nhau về quyền con người. Chúng ta cần tiếp tục duy trì các kênh đối thoại trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn và xây dựng để tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thu hẹp những khác biệt và khai thác những tiềm năng hợp tác; cố gắng không để những khác biệt đó trở thành lực cản đối với quan hệ song phương. Một số ý kiến chỉ trích về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam thời gian qua là thiếu khách quan và không có cơ sở. Tôi rất mong các bạn đến thăm Việt Nam thường xuyên hơn để có cái nhìn khách quan và toàn diện về Việt Nam. Các bạn sẽ tận mắt thấy những nỗ lực và thành quả trên thực tế trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam.
Những thử thách lớn đối với kinh tế Việt Nam hiện nay là gì và Việt Nam sẽ tập trung chủ yếu vào những chính sách gì để thúc đẩy nền kinh tế? Nền kinh tế Việt Nam sẽ như thế nào trong thời gian tới? Việt Nam đã sẵn sàng gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương chưa?
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Sau 30 năm tiến hành Đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu kinh tế-xã hội to lớn. Từ một nước chậm phát triển với nền kinh tế khép kín, nay Việt Nam đã bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình với nền kinh tế phát triển năng động và ngày càng hội nhập sâu vào kinh tế khu vực và thế giới. Tuy nhiên, nhìn lại chặng đường phát triển vừa qua, sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam còn chưa bền vững và sức cạnh tranh còn hạn chế. Việc bước vào nhóm nước thu nhập trung bình đang đặt ra những thách thức lớn, trong đó nổi lên là thách thức làm sao không để rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” và tạo dựng được một nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững, bảo đảm công bằng, tiến bộ xã hội và thân thiện với môi trường. Đồng thời, Việt Nam cũng phải đối mặt với rất nhiều thách thức đến từ bên ngoài, như tác động của khủng hoảng tài chính-tiền tệ toàn cầu, sức cạnh tranh khốc liệt trên thị trường thế giới, quá trình liên kết với yêu cầu ngày càng cao ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương… Tuy nhiên, có nội lực mạnh mới có thể xử lý được thách thức bên ngoài, thậm chí còn hóa giải được thách thức, tận dụng được thời cơ để vươn lên. Nhằm mục đích đó, trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020, Việt Nam quyết tâm đẩy mạnh toàn diện công cuộc Đổi mới với ba đột phá chiến lược là hoàn thiện thể chế kinh tế, phát triển nguồn nhân lực và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng nhằm khơi dậy và giải phóng các tiềm năng của đất nước.
Về Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), tôi cho rằng đây là một Hiệp định có quy mô rất lớn, với sự tham gia của nhiều nền kinh tế chủ chốt ở khu vực và thế giới, đồng thời bao hàm nhiều vấn đề thương mại thế hệ mới và mức độ cam kết cao hơn nhiều so với các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết. Tuy nhiên, với sự chuẩn bị nghiêm túc, chúng tôi có đủ tự tin và tham gia thành công vào tiến trình quan trọng này. Và trên thực tế, chúng tôi đang cùng Hoa Kỳ và các thành viên khác nỗ lực để có thể kết thúc đàm phát trong thời gian sớm nhất.
Chúng tôi cũng nhận thức rằng, là quốc gia đang phát triển ở trình độ thấp hơn so với các nước đối tác trong TPP, Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa, nhất là về hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách và thủ tục đầu tư,… nhằm tạo môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài, góp phần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng và hiệu quả của tăng trưởng kinh tế.
Nguồn: chinhphu.vn