Thủ tướng: Quy hoạch báo chí để phát triển nhanh và vững chắc

(ICTPress) - Chiều nay, 19/6/2015, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đến dự và phát biểu chỉ đạo buổi gặp mặt Kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2015) do Bộ TT&TT tổ chức.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp mặt Kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2015)

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo: “Quy hoạch là để báo chí làm tốt hơn chức năng nhiệm vụ, báo chí cách mạng làm tốt hơn vai trò của mình, báo chí phát triển nhanh và vững chắc hơn. Bộ TT&TT trên cơ sở đề án quy hoạch báo chí đã trình Bộ Chính trị, làm việc với từng cơ quan, báo chí để nghe từng cơ quan đề xuất việc sắp xếp".

Thủ tướng nhấn mạnh: “Mục đích của quy hoạch là để báo chí làm tốt hơn chức năng, nhiệm của mình, phát triển nhanh và vững chắc hơn. Cách làm quy hoạch là giao Bộ TT&TT xây dựng đề án lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, trình Bộ Chính trị 2 - 3 lần rồi trình Trung ương. Đến nay, Bộ Chính trị đã cơ bản đồng tình với nội dung quy hoạch, giao Chính phủ phê duyệt quy hoạch, triển khai thực hiện.

Lĩnh vực này rất phong phú. Phiên họp Chính phủ vừa rồi yêu cầu Bộ TT&TT trên cơ sở đề án trình Bộ Chính trị và Trung ương, làm việc với từng cơ quan báo chí, xem từng cơ quan đề xuất việc sắp xếp thế nào, nội dung sắp xếp, yêu cầu, giải pháp, lộ trình thế nào để từ đó tổng hợp lên. Thủ tướng sẽ phê duyệt khi đã đồng thuận. Chúng ta sẽ cùng nhau chung sức làm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, căn chỉnh, Thủ tướng nói.

"Khi vào thực tiễn, nếu nảy sinh vướng mắc thì sẽ lắng nghe và tìm cách giải quyết. Ví dụ, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh có các báo Tiền Phong, Thanh niên, Tuổi trẻ... kèm báo in thì có báo điện tử. Yêu cầu Trung ương Đoàn ngồi cùng Bộ TT&TT xem nên thế nào là phù hợp nhất. Tinh thần là chấp hành chủ trương của Trung ương để báo chí làm tốt nhiệm vụ, chức năng, phát triển tốt hơn, đội ngũ người làm báo phát huy tốt hơn.  Hiện có 35.000 người làm báo, 18.000 nhà báo. Khi sắp xếp, không thể đẩy họ ra đường... Mong các đồng chí vừa làm vừa điều chỉnh cho phù hợp”, Thủ tướng đề nghị.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý: “Trong bối cảnh mới, báo chí phải hoạt động trong điều kiện kinh tế thị trường cạnhh tranh rất gay gắt, kinh phí Nhà nước không thể bao cấp. Báo chí vừa phải làm nhiệm vụ chính trị, vừa phải có thu nhập để tồn tại, phát triển. Các đồng chí cần suy nghĩ, đề xuất giải pháp để báo chí vừa thực hiện được vai trò, chức năng báo chí cách mạng, tuyên truyền thông tin định hướng đường lối chính sách của Đảng, vừa có nguồn thu, thu nhập. Mặt khác, trong bối cảnh hiện tại, chúng ta phải đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với báo chí, vừa phải đảm bảo quyền tự do báo chí, ngôn luận của người dân”.

Đánh giá cao sự phát triển của báo chí nước nhà, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “90 năm qua, đất nước ta đứng trước nhiều giai đoạn lịch sử, nhiều bước ngoặt lịch sử, nhưng báo chí cách mạng nước ta luôn trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước, nhân dân; đóng góp quan trọng, to lớn vào thành tựu chung của đất nước trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng phát triển đất nước. Báo chí nói chung và đội ngũ làm báo đã lớn mạnh, trưởng thành, cả về trình độ chính trị, ý thức chính trị, cả về chuyên môn nghiệp vụ, trình độ công nghệ, trong điều kiện phải hội nhập nhanh với thế giới. Thay mặt Chính phủ, tôi biểu dương, đánh giá cao đóng góp, nỗ lực của báo chí vào thành tựu chung của đất nước”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chụp ảnh lưu niệm và các nhà báo lão thành (Ảnh: X.Lộc)

Thủ tướng yêu cầu các cơ quan báo chí, người làm báo phải quan tâm triển khai 3 vấn đề trọng tâm:

Thứ nhất, phải đề cao trách nhiệm lãnh đạo, quản lý của các cơ quan chủ quản, lãnh đạo cơ quan báo chí. Cần phải quản lý báo mình, cơ quan mình hiệu quả hơn. Phát huy ưu điểm. Hết sức tránh khuyết điểm, tai nạn nghề nghiệp. Khi có sai sót thì cố gắng tìm nguyên nhân và ra sức khắc phục với tấm lòng, tinh thần tất cả vì đất nước, nhân dân, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thứ hai, các nhà báo, phóng viên, biên tập viên, người làm báo phải hết sức đề cao trách nhiệm của mình với xã hội, đề cao nghĩa vụ của mình với đất nước (nghĩa vụ của 1 công dân, 1 cán bộ, Đảng viên). Tự mình rèn luyện phấn đấu để nâng cao đạo đức nghề nghiệp. Đối với báo chí cách mạng nước ta, chúng ta tiếp cận công nghệ mới tiên tiến nhưng không thể đánh mất cái quý giá nhất của chúng ta là đạo đức nghề nghiệp.

Thứ ba, Bộ TT&TT, Hội Nhà báo Việt Nam phải tạo điều kiện để báo chí phát triển ngày càng lớn mạnh hơn, hoạt động báo chí thuận lợi hơn.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng đã tiếp nhận những đề xuất, kiến nghị của lãnh đạo các báo. Chẳng hạn, về hạn chế trong cung cấp thông tin cho báo chí, đúng là hiện nay còn chậm, như vấn đề biển đảo, chủ quyền quốc gia. Thủ tướng chỉ đạo: để đảm bảo thông tin vừa nhanh nhạy, kịp thời, chính xác, vừa đảm bảo yêu cầu chính trị đối ngoại thì rất khó, nhưng phải cố gắng cao nhất để thực hiện.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son tại buổi gặp mặt cho biết đây là lần đầu tiên Bộ TT&TT được Chính phủ cho phép tổ chức cuộc gặp mặt quan trọng và có ý nghĩa lịch sử như vậy, với sự tham dự của các tổng biên tập, phó tổng biên tập thuộc hơn 100 cơ quan báo chí. Tại đây, báo giới cả nước được trực tiếp báo cáo thành quả đạt được, đồng thời, mạnh dạn bày tỏ những nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất với Thủ tướng, mong Thủ tướng trên cương vị của mình tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất để báo chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong thời kỳ mới.

HM

Tin nổi bật