Những cuốn sách viết từ những kinh nghiệm làm báo thực tế
(ICTPress) - Hai cuốn sách về nghiệp vụ báo chí: “Phóng sự báo chí - Lý thuyết, kỹ năng và kinh nghiệm” và “Biên tập báo chí” của TS. Nguyễn Quang Hòa đã được Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông xuất bản.
TS. Nguyễn Quang Hòa là Giảng viên Học viện Báo chí tuyên truyền, nguyên Trưởng ban Thư ký Tòa soạn báo Hà Nội mới, nguyên Tổng biên tập Báo Tuổi trẻ thủ đô.
Ông là tác giả của nhiều cuốn sách về nghề báo như Phóng viên và Tòa soạn (NXB Văn hóa Thông tin - 2002), Nghề báo - Những bài học nhớ đời (NXB TT&TT - 2012), Phóng sự báo chí – Lý thuyết, kỹ năng và kinh nghiệm (NXB TT&TT, 2014), Biên tập báo chí (NXB TT&TT, 2015).
Sách của ông được viết từ những kinh nghiệm làm báo thực tế, những khó khăn và cách khắc phục khi tác nghiệp nên được các phóng viên, các sinh viên báo chí coi là các bản sách quý về nghề báo.
“Phóng sự báo chí - Lý thuyết, kỹ năng và kinh nghiệm”
Cuốn sách “Phóng sự báo chí - lý thuyết, kỹ năng và kinh nghiệm” của TS. Nguyễn Quang Hòa do NXB TT&TT biên soạn để hỗ trợ việc giảng dạy môn Phóng sự báo chí cho sinh viên năm thứ ba của Học viện Báo chí tuyên truyền (bên cạnh giáo trình của Học viện Báo chí và Tuyên truyền). Qua cuốn sách này, sinh viên được học lịch sử báo chí, cách viết tin, quá trình sáng tạo một tác phẩm báo chí, làm quen với một số thể loại báo chí khác như tường thuật, ghi nhanh.
Theo tác giả, học nghề báo không thể chỉ nghe, đọc tài liệu mà phần trao đổi, hướng dẫn của những người giàu kinh nghiệm trong quá trình thực hiện đề tài cụ thể cũng rất quan trọng. Bởi vậy, cuốn sách “Phóng sự báo chí - lý thuyết, kỹ năng và kinh nghiệm” của TS. Nguyễn Quang Hòa cung cấp những kiến thức cơ bản về thể loại Phóng sự báo chí như: Hoàn cảnh, lịch sử ra đời và phát triển của phóng sự, các dạng phóng sự, các quan niệm khác nhau về thể loại phóng sự cũng như các đặc điểm của thể loại này, những tố chất cần có của người viết…
Cuốn sách cũng dành nhiều trang đề cập tới cách vượt qua những khó khăn khi tác nghiệp trong thực tế và cách thể hiện để bài viết sinh động, cuốn hút. Tác giả đã kể lại cả những vấp váp của tác giả và đồng nghiệp để bạn đọc tham khảo và rút ra kinh nghiệm cho bản thân trong quá trình tác nghiệp sau này.
"Biên tập báo chí"
Bước vào thế kỷ XXI, xu hướng tích hợp các loại hình báo in, báo điện tử, báo nói, báo hình trong một tòa soạn ngày càng phổ biến, khiến không chỉ các phóng viên mà những người làm biên tập cũng phải nhạy bén, quyết đoán, đa năng hơn trong việc tổ chức các trang báo, số báo, các chương trình phát thanh, truyền hình so với thời kỳ các tòa soạn chỉ có một loại hình báo chí.
Điều đó buộc công tác đào tạo, nâng cao kỹ năng biên tập báo chí cũng phải thay đổi để đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Cuốn sách "Biên tập báo chí" được viết để phục vụ đối tượng chính là sinh viên báo chí, những người sẽ trở thành phóng viên, biên tập viên ở các cơ quan báo chí, nhà xuất bản trong tương lai. Nội dung cuốn sách sẽ trả lời cho bạn đọc các câu hỏi như: Ai là biên tập viên báo chí; Vị trí và đặc điểm của công tác biên tập là gì; Những lỗi phổ biến trên báo và các lỗi hi hữu, xảy ra trong các hoàn cảnh đặc biệt; Những nguyên tắc khi biên tập; Người biên tập cần những tố chất gì để hoàn thành tốt công việc trong các tòa soạn đa phương tiện; Những kiến thức biên tập viên phải có để phục vụ cho công việc; Những điều cần chú ý khi biên tập các chuyên đề Xây dựng Đảng, Kinh tế, Văn hóa xã hội, Pháp luật, Thể thao...
Cuốn sách cũng nói rõ quy trình xuất bản ở các tòa soạn báo, hay nói cách khác là con đường đi của một bài viết, từ bản thảo của phóng viên tới tờ báo trên tay bạn đọc (hoặc các trang điện tử, chương trình phát thanh, truyền hình).
Tác giả cũng chỉ ra những “cạm bẫy” dễ mắc phải trong quá trình biên tập, cách khắc phục những “cạm bẫy này”. Cuốn sách là tài liệu rất cần thiết không chỉ cho các sinh viên báo chí, mà còn là tài liệu tham khảo hữu ích cho các phóng viên đang trong quá trình tác nghiệp.
Bảo Ngọc