Truyền thông đa kênh - nhìn từ báo chí Đức

Cách đây 7 năm, Hiệp hội Báo chí thế giới (WAN) đã nêu xu hướng của báo chí thế giới năm 2008 là đa truyền thông. Các tòa soạn sẽ được tổ chức lại theo các mô hình: Liên thông giữa tòa soạn báo in và online hoặc tổ chức hai tòa soạn riêng lẻ hoặc hợp nhất hai tòa soạn làm một. Trong chuyến thăm và tìm hiểu quy trình tác nghiệp của các đồng nghiệp ở CHLB Đức cuối năm 2014 vừa qua, bài học chúng tôi thu nhận được là không chỉ có truyền thông đa phương tiện (multi media) mà là truyền thông đa kênh (multi platform).

Khi thông tin được truyền tải trên nhiều kênh của cùng một phương tiện truyền thông

Không chỉ là một nội dung thông tin được phát trên các phương tiện truyền thông khác nhau (báo in, báo điện tử, báo hình và báo nói), mà xu hướng là một nội dung thông tin được truyền đi bằng cách kết hợp nhiều kênh (kênh chữ, kênh hình, kênh tiếng, kênh đồ họa, ... ngay trên một phương tiện truyền thông (chẳng hạn ngay trên báo điện tử).

Ở Đức, có 323 nhật báo trung ương và địa phương, xuất bản 24 triệu bản/ngày, không kể các tạp chí. Riêng phát thanh đã có 430 kênh radio địa phương. Các đài truyền hình đều phát triển theo hướng đa kênh (chính trị, kinh tế, giải trí,...). Báo chí Đức sống bằng quảng cáo là chính (khoảng 70% nguồn thu). Truyền thông công do Nhà nước quản lí, điều hành, nhưng hoạt động bằng nguồn thu phí của người dùng (18 euro/tháng/căn hộ cho nghe và xem). Phát thanh và truyền hình đều theo mô hình của BBC, hệ thống kép nhà nước và tư nhân, ở tất cả các tiểu bang. Còn truyền thông tư nhân (mới có từ 1980) hoạt động bằng nguồn thu từ quảng cáo. Báo in ở Đức cũng giống như các quốc gia khác, đều khó khăn, giảm sút. Trước sự sa sút của báo in, đã có đề nghị lập các quỹ địa phương để ủng hộ báo chí truyền thống trước sự cạnh tranh của báo mạng ngày càng mạnh.

Vài năm nay đã thu phí truy cập báo mạng với một số nội dung báo in đưa lên mạng, chỉ có một số nội dung được miễn phí. Điều này không làm giảm số lượng người truy cập.

Các nhà nghiên cứu báo chí và chính sách truyền thông ở Đức cho rằng, nước Đức đã ngủ quên giai đoạn bản lề báo in - báo điện tử, nay đang tích cực thay đổi. Sự thay đổi thể hiện từ trong chính sách quản lí đến cuộc cách mạng trong đào tạo nhà báo: đào tạo phóng viên 3 trong 1 (báo viết, báo hình, báo mạng) ngay tại tòa soạn.

Sinh viên báo chí Học viện Axel-Springer đang thảo luận để tìm đường đi ngắn nhất đến thực địa, thực hiện một đề tài của nhóm.

Chúng tôi đến thăm Học viện đào tạo báo chí thuộc tập đoàn xuất bản Axel-Springer, nơi sở hữu tờ Springer phát hành 3,1 triệu bản/ngày. Sinh viên báo chí được đào tạo trong 2 năm. Lưu lượng 80 sinh viên (mỗi năm tuyển 40), cao nhất cả nước. Ngoài việc tự đào tạo của các báo lớn, ở Đức có hơn 20 trường có đào tạo báo chí. Trong đó có 2 trường đại học báo chí tư nhân ở Hăm-buốc và Muy-nich mà Hội nhà báo Đức là cổ đông. Cách đào tạo của Học viện là 30 phần trăm thời gian học lí thuyết, còn 70 phần trăm thời gian học thực hành ngay tại tòa soạn. Chủ yếu sinh viên tự tìm đề tài, tự thảo luận cách thức thực hiện đề tài theo nhóm và nộp sản phẩm. Và sinh viên cũng được đào tạo theo công thức 3 trong 1: kĩ năng viết, kĩ năng quay phim, chụp ảnh và kĩ năng xử lí báo mạng.

Cơ hội và thách thức 

Xu hướng truyền thông đa kênh buộc các tòa soạn phải tự điều chỉnh cho phù hợp. “Hãy thay đổi văn hóa của tòa báo trước khi thay đổi chính tòa soạn”, “Truyền thông không đơn thuần là người gác cổng nữa. Vì không ai còn muốn bị xem là người tiêu thụ thông tin” (Richard Sambrook - giám đốc của BBC Global News). Theo xu hướng này, báo New York Times đã thay đổi văn hóa tòa soạn:- Nhịp độ sản xuất tin tức thay đổi: chế độ 24/7 (24 giờ mỗi ngày và 7 ngày mỗi tuần) thay vì “một hạn chót mỗi ngày”(one deadline per day) trước đây.- Hoạt động tác nghiệp của nhà báo thay đổi: thay vì là nhà báo cho một loại hình báo chí, trở thành “người kể chuyện” (storyteller) cho nhiều loại hình.- Cách tư duy của tờ báo thay đổi: từ “nhà sản xuất báo” trở thành “nhà cung cấp nội dung”.- Cách nhìn đối với bạn đọc thay đổi: bạn đọc trở thành trung tâm và là người quyết định (thay vì tờ báo là trung tâm và quyết định luôn người ta đọc gì).

Ở Đức cũng vậy, quy trình làm báo đã thay đổi sâu sắc. Khó khăn chung là báo in sụt giảm, quảng cáo báo in cũng giảm. Hầu như các báo đều chưa tìm được mô hình thật sự phù hợp, làm sao đưa được thông tin lên mạng mà người đọc phải trả tiền hay nói cách khác là vẫn đang chật vật tìm cách để bán được thông tin trên báo mạng cho bạn đọc.

Do sức ép cạnh tranh gay gắt giữa báo in với báo mạng và giữa các báo với nhau, với hệ thống phát thanh, truyền hình rộng khắp, thời gian viết bài của các nhà báo Đức chỉ còn 1 phần 5 so với trước đây. Nghĩa là trước đây có 5 tiếng để viết một bài thì nay phóng viên chỉ được phép hoàn thành trong vòng một giờ.

Tiến sĩ, nhà báo Stefan Braun, biên tập viên đối ngoại của tờ Nhật báo miền Nam nước Đức – một trong những tờ báo phát hành lớn nhất ở Đức, với 390 nghìn bản/ngày cùng 25 nghìn bản phát hành qua mạng máy tính, cho biết, quyết định mạnh mẽ nhất của báo(giống như tờ Tấm gương - tạp chí số 1 ở Đức) là nhập ban điện tử vào ban báo in (gần 10 năm trước), vì nếu không thì báo in khó phát hành. Đối với báo mạng, tòa soạn miễn một phần phí truy cập. Xu hướng nghiệp vụ của báo cũng thay đổi: từ chỗ đưa tin riêng và bình luận riêng thì nay là đưa tin kết hợp bình luận.

Ở Hãng thông tấn Đức DPA, xu hướng đưa tin là địa phương hóa thông tin. Địa phương nào thì hãng cũng có sản phẩm thông tin riêng về địa phương đó, vùng đó. Chính phủ là khách hàng mua tin của DPA, không cấp tiền, không phải cổ đông. Nguyên tắc tác nghiệp của DPA là không được để ai bỏ tiền mời phóng viên. Nếu có phóng viên cùng một Bộ trưởng đi ra nước ngoài thì khi về, phóng viên phải trình hóa đơn các khoản chi phí để hãng thanh toán, không phụ thuộc ai.Một tờ báo khác là tờ Nghị viện của Quốc hội Đức, hoạt động lâu đời nhất với hơn 60 năm, không theo phe phái chính trị nào trong Quốc hội mà giữ vị thế trung lập. Báo thuần túy theo đuổi các vấn đề chính trị của Quốc hội, không có chút giải trí nào. Tuy vậy, số lượng phát hành cũng đạt 60 - 65 nghìn bản/kì (khoảng 10 nghìn khách hàng đặt mua qua bưu điện, còn lại là phát không cho các nghị sĩ và các đảng phái để tác động chính trị). Để trung lập nhất có thể trong đưa tin, báo giữ cân bằng cả trong cách mời phỏng vấn. Số trước phỏng vấn đảng cánh tả thì số sau sẽ phỏng vấn đảng đối lập.

Trong xu hướng đa kênh, báo vừa đưa tin trên cả báo giấy và phiên bản điện tử, vừa chuyển sang xuất bản nhiều phụ bản (Luật xuất bản của Đức quy định là các báo phải có phụ bản dành cho người có trình độ thấp). Các bài trên báo giấy được mã hóa code riêng ở cuối bài. Bạn đọc có thể dùng smartphone quét mã code rồi up lên mạng để đọc toàn văn bài báo trên bản điện tử.

Nhìn rộng ra, từ báo chí ở Đức - một quốc gia hàng đầu về công nghệ, đến báo chí ở các quốc gia phát triển khác, đều có nét chung là sự suy giảm báo in và đang chuyển sang mô hình truyền thông hội tụ, tòa soạn hội tụ. Đó là về phương diện tổ chức tòa soạn và sự liên kết bề ngoài. Còn thực chất bên trong là sự chuyển hướng sang truyền thông đa kênh – sản xuất một nội dung, truyền thông đến công chúng bằng nhiều kênh khác nhau. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với quan báo chí, với mỗi nhà báo.

TS. Trần Bá Dung

Trưởng Ban Nghiệp vụ HNBVN 

Nguồn: congluan.vn

Tin nổi bật