Các tỉnh có thể tham khảo kinh nghiệm triển khai PMNM ở Bắc Giang

(ICTPress) - “Bắc Giang là một trong những tỉnh dẫn đầu trên cả nước triển khai đồng đều các hoạt động ứng dụng CNTT từ triển khai thư điện tử, quản lý hệ thống văn bản chỉ đạo điều hành, xây dựng cổng thông tin điện tử, họp tực tuyến, một cửa điện tử”.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng phát biểu tại Hội nghị

Trên đây là đánh giá cao của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Minh Hồng về tình hình ứng dụng CNTT của Bắc Giang trong những năm qua tại Hội nghị Trao đổi, học tập kinh nghiệm trung tâm CNTT và truyền thông các tỉnh khu vực phía Bắc năm 2014 do Sở TT&TT Bắc Giang đăng cai tổ chức tuần qua. Đại diện các Trung tâm CNTT của 22 tỉnh phía Bắc đã về dự Hội nghị này.

“Kinh nghiệm triển khai phần mềm nguồn mở (PMNM) của Bắc Giang rất hữu ích mà nhiều Sở TT&TT có thể triển khai được”, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng cho biết thêm.

Cụ thể về triển khai ứng dụng CNTT tại Bắc Giang, ông Nguyễn Văn Diệu, Giám đốc Sở TT&TT Bắc Giang cho biết đến thời điểm hiện nay, ở các mức độ khác nhau nhưng nhìn chung các cơ quan của Bắc Giang đã ở giai đoạn hoàn thành việc triển khai xây dựng xong cơ quan điện tử, với việc sử dụng một số phần mềm dùng chung như một cửa điện tử, phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc, trao đổi điện tử qua hệ thống thư điện tử và duy trì các website của cơ quan. Định hướng từ năm 2014 và tiếp theo, Sở TT&TT sẽ triển khai mô hình tỉnh Bắc Giang điện tử.

Ông Nguyễn Văn Diệu cũng cho biết trong triển khai ứng dụng CNTT Bắc Giang cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do nhiều cơ quan mới thành lập. Do vậy, Bắc Giang triển khai theo cách vừa triển khai tập trung quy mô, vừa triển khai xây dựng kiểu phong trào thi đua. Bắc Giang mấy năm trước khi triển khai ứng dụng CNTT khó khăn vì chi cho ứng dụng CNTT hầu như không đáng kể nên Bắc Giang phát động phong trào Sở nào, huyện nào cũng có một website. Nếu cơ quan nào làm website thì Sở TT&TT Bắc Giang cấp 10 triệu đồng, không phải bỏ thêm kinh phí nào nữa. Nếu cơ quan nào làm một cửa điện tử, Sở TT&TT cấp 100 triệu đồng và như vậy tạo thành phong trào, huyện nọ đua huyện kia, Sở nọ đua Sở kia.

Sau bước phong trào năm 2008, về cơ bản các Sở trong tỉnh Bắc Giang đã có trang thông tin điện tử. Hết năm 2009, các huyện ở Bắc Giang có bộ phận một cửa, tuy rằng, hoạt động còn có ở mức độ khác nhau. Bắc Giang cũng đã đề xuất UBND tỉnh để Sở TT&TT chấm điểm website và việc này đã được thực hiện 4 năm cũng có tác dụng tích cực. Kinh nghiệm của Bắc Giang là nhà nước và nhân dân cùng làm, tỉnh cho, địa phương, ngành phải bỏ ra và làm theo kiểu quy mô tác động các bên. Với cách làm này, trong giai đoạn vừa qua Bắc Giang đã thành công. UBND tỉnh Bắc Giang cấp cho Sở TT&TT không nhiều tiền, mỗi năm cũng chỉ trên dưới 2 tỷ đồng. Năm nay, Bắc Giang cấp kinh phí Sở TT&TT xây dựng phần mềm một cửa từ tỉnh xuống xã.

Cách thức để thúc đẩy ứng dụng CNTT tiếp theo mà Sở TT&TT Bắc Giang thực hiện là chọn hướng nguồn mở. Hiện nay, các chuyên gia CNTT của Bắc Giang đã viết được phần mềm dùng chung ứng dụng cho các cấp, các ngành. Sở TT&TT Bắc Giang triển khai phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc cho các sở và các huyện sử dụng vĩnh viễn. Khâu triển khai có 50 triệu đồng cho 1 đơn vị sử dụng vĩnh viễn.

Ông Nguyễn Văn Diệu cho biết với cách làm như vậy Bắc Giang mới thúc đẩy được ứng dụng CNTT ở một tỉnh kinh phí hạn hẹp. Sắp tới Bắc Giang tiếp tục theo mô hình này. Theo đó, Bắc Giang chủ động được công nghệ, cần thay đổi là thay đổi được ngay, rất chủ động và tiết kiệm kinh phí. Và mô hình CPĐT Bắc Giang là một trung tâm tích hợp dữ liệu phục vụ cho tới xã, các cơ quan, các sở ban ngành, các xã không phải đầu tư máy chủ, không phải quản trị, như vậy giải phóng sức lao động rất lớn. Các cán bộ chuyên trách CNTT chỉ chú trọng vào việc ứng dụng trong cơ quan của mình mà không phải quản trị máy tính.

Tại Hội nghị này, ông Nguyễn Văn Diệu cũng đề nghị Bộ TT&TT chú trọng hơn nữa cho việc triển khai nguồn mở theo xu hướng chung thế giới. Tiếp theo là triển khai nguồn mở mới phù hợp với tình hình địa phương.

Tuy nhiên, cái khó mà theo Giám đốc Nguyễn Văn Diệu là làm sao “nuôi” đội ngũ chuyên gia CNTT khi tiền lương trả cho đội ngũ thấp. Chính phủ nên hỗ trợ một số đơn vị, trung tâm nguồn mở như một giải pháp an toàn an ninh quốc gia để thúc đẩy PMNM.

Một khó khăn nữa mà theo ông Nguyễn Văn Diệu cũng cho biết khi triển khai PMNM là khi viết ra được phần mềm mở nhưng không dễ gì thuyết phục các đơn vị dùng phần mềm một lần vì không phát sinh thêm các chi phí khác.

HM

Tin nổi bật