Na Uy đất nước nhiều kỳ thú

Vương quốc Na Uy tự hào bởi được khoác lên mình nhiều kỳ thú thiên nhiên. Oslo là thủ đô, cũng là thành phố lớn nhất của Vương quốc này, thuộc khu vực Bắc Âu. Oslo nằm ở phía Đông Nam Na Uy, trải dài trên các triền núi và quanh các hồ. Sau Oslo là Bergen, thành phố cảng, trung tâm công nghiệp dầu khí quan trọng hàng đầu quốc gia này.

Tác giả tại công viên điêu khắc Vigeland, thủ đô Oslo, Na Uy; công viên điêu khắc lớn nhất thế giới với hơn 200 tác phẩm điêu khắc bằng đồng, đá granit và sắt rèn, hoàn thành từ những năm 1939-1949, được thực hiện bởi nghệ sĩ Gustav Vigeland.

Báo chí Na Uy nói chung, báo chí Oslo nói riêng có lịch sử phát triển hàng trăm năm nay. Trường đại học báo chí Na Uy mỗi năm thu hút hàng ngàn sinh viên nhiều nước trên thế giới. Phương pháp đào tạo nhà báo ở Na Uy coi trọng thực tiễn, coi trọng tính ứng dụng; đào tạo người làm báo theo hướng chuyên nghiệp, tác nghiệp thông thạo ngay sau khi ra trường, trong môi trường báo chí hiện đại.

 Đất nước nhiu k thú

Tôi đến Oslo dự cuộc họp “Đối thoại nhân quyền”, theo lời mời của Bộ Ngoại giao Na Uy, thực hiện theo kế hoạch của 2 bộ ngoại giao Việt Nam, Na Uy. Công việc diễn ra suôn sẻ, tốt đẹp. Sau công việc, tôi tranh thủ thời gian tìm hiểu, khám phá đất nước có ngành công nghiệp dầu khí và cảng biển phát triển, những thắng cảnh du lịch ấn tượng, đất nước thân thiện, nhân văn, mến khách - quốc gia có truyền thống “nhân quyền” lâu đời.

Nói Oslo - Na Uy là đất nước nhiều kỳ thú, quả không có gì quá đáng. Chúng tôi đến Oslo vào tháng 5, nhiệt độ ngoài trời ban ngày khá dễ chịu. Trên nhiều tuyến phố, rực rỡ các loài hoa xứ lạnh khoe màu xanh, đỏ, tím, vàng. Công viên nhiều loài chim, thú, sóc bay nhảy tự nhiên, những thảm cỏ xanh mượt mà. Na Uy có 4 mùa rõ rệt, nhưng vẫn là nơi có 2 loại khí hậu tiêu biểu: lạnh về mùa đông, ấm áp về mùa hè. Mùa đông nhiệt độ trung bình -50C, mùa hè, nhiệt độ trung bình 150C. Thật lý tưởng cho những ai mong muốn khám phá và thích hợp cho loại hình du lịch nghỉ dưỡng.

Số đông dân cư Oslo, dân cư Na Uy sống tập trung ven biển, gần dòng hải lưu nóng chạy dọc biển, nên mùa đông không quá lạnh, tuyết đổ xuống nhưng lại tan nhanh. Phụ nữ Na Uy, trong những bộ quần áo dân tộc đặc sắc, vẻ đẹp vừa dân dã, vừa có nét hiện đại, cao sang, quý phái được nuôi dưỡng từ một đất nước phát triển, giàu có.

Na Uy có nhiều hồ và vịnh biển, những cánh đồng cỏ bao la. Dê, cừu, bò sữa tự do gặm cỏ trên thảo nguyên xanh. Bầu không khí thanh bình, tĩnh lặng thật dễ chịu. Mùa hè ở Na Uy kéo dài, nên người ta mệnh danh đất nước này là “mặt trời lúc nửa đêm”. Nếu ở phía bắc nước Nga có “đêm trắng” thì ở Na Uy, vùng cực Bắc, mặt trời không bao giờ lặn, kéo dài suốt 20 ngày. Phía đông và miền Trung Na Uy là những dãy núi cao trải dài, nhiều cánh đồng cỏ và những hồ lớn nước ngọt. Núi cao thích hợp cho du lịch leo núi, du lịch thám hiểm; hồ nước lớn là nơi hội tụ các cuộc bơi thuyền, du thuyền. Chung quanh hồ Flecken dày những thảm hoa tự nhiên. Công viên hoa File là nơi hội tụ nhiều cuộc thi “kết hoa lễ hội” không chỉ của Na Uy mà cả khu vực Bắc Âu.

Phía Nam Na Uy nhiều vịnh đẹp, nổi lên những hòn đảo nhỏ chẳng khác mấy vịnh Cát Bà của Việt Nam, nơi có nhiều làng mạc trù phú, những ngôi nhà gỗ 2 tầng bản địa “Germanic” độc đáo. Du khách có thể đến tá túc những ngôi nhà gỗ độc đáo này câu cá giải trí, nghỉ dưỡng dài ngày, thưởng thức nhiều món ăn ngon, những món hải sản lạ phương Bắc. Công viên quốc gia Hardangervidda, nơi nhiều loài chim thú, thảo mộc quý hiếm, nhiều buổi hòa nhạc, biểu diễn nghệ thuật đặc sắc Bắc Âu được tổ chức tại đây.

Na Uy, từ thủ đô Oslo đến các thành phố Bergen, Trondheim; từ miền Bắc, đến miền Trung, miền Đông, xuống miền Nam… bất cứ nơi nào trên đất nước Bắc Âu này cũng đều là những thiên đường du lịch. Nhiều vịnh đẹp, bãi tắm hoang sơ; nhiều hồ nước ngọt lớn; nhiều dãy núi cao, hang động kỳ thú chạy dài tít tắp; những cánh đồng cỏ bao la; những cung đường vượt vịnh biển, ngoằn ngoèo, leo đèo vượt suối, băng rừng nguyên sinh…  chỉ ở Vương quốc Na Uy mới có. Với dân số chưa đến 5 triệu dân, nhưng mỗi năm đón 10 triệu du khách. Chỉ bằng con số ấy đã nói lên tất cả về sự phát triển du lịch của vương quốc “mặt trời lặn lúc nửa đêm.”

 Đào tạo báo chí coi trọng tính ứng dụng

Na Uy có nền báo chí phát triển, nhiều nhật báo có số lượng phát hành hàng trăm ngàn bản in mỗi ngày. Hệ thống phát thanh - truyền hình, với gần 10 ngàn phóng viên, kỹ thuật viên, trải đều các đô thị, nông thôn, vùng núi cao.

Các cơ sở đào tạo báo chí ở Na Uy thu hút nhiều sinh viên thế giới. Nhiều giảng viên giảng dạy báo chí là những nhà báo giỏi nghề, đoạt nhiều giải báo chí trong nước và quốc tế. Trong cuộc tọa đàm đào tạo sinh viên báo chí tại Viện Báo chí, Bộ Ngoại giao Na Uy, một nhà báo Pháp, giảng dạy tại Đại học báo chí Oslo cho biết, phương pháp đào tạo báo chí ở Na Uy rất coi trọng tính ứng dụng. Sau một giờ giảng về lý thuyết thường có 2-3 giờ thực hành. Sau một học phần nghiên cứu lý thuyết, sinh viên được cử đến các tòa báo, các trung tâm phát thanh - truyền hình thực tập công việc, thời gian thường kéo dài 1 đến 2 tháng. Thành quả thực tập tại các tòa soạn được sử dụng và trả nhuận bút. Các cơ sở đào tạo báo chí ký hợp đồng cơ bản về các chương trình thực tập nghề, đào tạo nghề. Trách nhiệm đào tạo báo chí về thực tập công việc của các tòa báo rất rõ ràng, có sự ràng buộc cao về tính pháp lý.

Sinh viên báo chí được thử thách, sàng lọc bằng chính công việc. Áp lực hoạt động thực tiễn, tính ứng dụng trong đào tạo coi như một nguyên tắc. Đào tạo theo nhu cầu công việc, nhu cầu thực tiễn, theo đơn đặt hàng của cơ quan báo chí. Nhờ vậy, sau khi ra trường, các phóng viên trẻ có việc làm ngay, đảm nhận các vị trí tác nghiệp, hành nghề thông thạo.

Không chỉ đào tạo báo chí, các lĩnh vực đào tạo khác ở Na Uy đều coi trọng tính ứng dụng, thực hành, thực tiễn, thoát ly kiểu nhồi nhét tri thức sách vở, kinh nghiệm nửa vời. Mọi sinh viên được đào tạo thành nghề ở Na Uy, khi ra trường đều có việc làm, họ thông thạo công việc, ứng dụng thành thạo kiến thức đã học vào thực tiễn, đem lại hiệu quả kinh tế - kỹ thuật cao cho đất nước.

 Oslo xa mà gn

 May mắn, khi tới Oslo xa lạ tôi gặp lại Trần Văn Nhuệ, một người bạn thân, thuở nhỏ cùng chăn trâu cắt cỏ. Chiến tranh và có những điều diễn ra ngoài ý muốn, đã lâu chúng tôi mất liên lạc. Lần  qua Paris, đến đại học báo chí Lille, chỉ là sự may mắn vô tình, qua một người bạn cùng thời, tôi biết được số điện thoại và địa chỉ cư trú của Nhuệ ở Na Uy.

Định cư ở Oslo đã vài chục năm, nên Trần Văn Nhuệ rất thông thạo Oslo và nhiều thành phố Na Uy khác. Nhuệ cùng con trai lái xe đưa tôi khám phá Oslo, đi dọc biển, phóng lên rừng, băng qua thảo nguyên xanh, du thuyền trên sông hồ, ăn tối, cà phê trên tòa nhà cao nhất Oslo.

Anh không có nhiều số liệu để cung cấp cho tôi ghi chép - theo cách mà nhà báo vẫn làm, trong mỗi chuyến đi. Thay vào đó là những câu chuyện làm ăn nơi xứ lạ, quê người, những nét văn hóa bản địa mà anh cảm nhận được, đời sống văn hóa, kinh tế, cuộc sống gia đình. Cộng đồng người Việt ở Na Uy khoảng 20 ngàn người, thuộc hàng đông nhất so với các nước Bắc Âu. Theo cách mà bạn tôi - Trần Văn Nhuệ lý giải, người Việt mình trụ được ở Na Uy, là do “đất lành chim đậu”. Một phần Na Uy có bờ biển dài, vịnh đẹp, tàu bè dễ cập bến; mặt khác, trước đây chính quyền Na Uy không quá khe khắt trong chính sách đối với người nhập cư. Người dân Na Uy sống nhân văn, ít kỳ thị, lịch thiệp, mến khách. Đất nước này, đất rộng người thưa, điều kiện kinh tế khá, giàu tài nguyên, nên dễ sống. Thu nhập người làm thuê cao, công việc nhiều, mặc dù giá cả đắt đỏ, nhưng biết tằn tiện thì cuộc sống hàng ngày không tệ.

Cuộc sống của bạn tôi khá ổn định, 2 con anh tốt nghiệp đại học, có việc làm ở ngành viễn thông và cảng biển, thu nhập ổn định. Tuy vậy, trong cộng đồng người Việt, không ít người nhớ quê, muốn về quê sinh sống, an nhàn nơi quê cha đất tổ, lúc tuổi xế chiều. Trần Văn Nhuệ, bạn tôi cũng vậy.

Từ trên tầng cao, khách sạn Oslo, chúng tôi hàn huyên tâm sự về thời cuộc. Tôi thông tin cho bạn nhiều đổi mới ở quê hương, nhiều chính sách mới của Nhà nước Việt Nam, luôn đón nhận tình cảm tốt đẹp, dang rộng cánh tay với bà con kiều bào ở xa Tổ quốc.

Việt Nam và Na Uy có quan hệ ngoại giao từ năm 1971, là một trong những quốc gia châu Âu đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Quan hệ kinh tế - thương mại Việt Nam - Na Uy giàu tiềm năng, kim ngạch xuất nhập khẩu hiện nay đạt mức trung bình trên dưới 1 tỷ USD/năm. Mỗi ngày càng có thêm nhiều du khách Việt Nam đi du lịch Oslo - Na uy; nhiều du học sinh Việt Nam đến Na Uy du học, thành tài.

Na Uy, Oslo - xa mà gần!

Vịnh hẹp Geiranger, vịnh nổi tiếng nhất ở Na Uy và là vịnh đẹp nhất thế giới, dài khoảng 15 km, là 1 nhánh của vịnh Storfjord.

Triều Dương

Nguồn: Tạp chí Người làm báo

Tin nổi bật