Ngày ấy đang còn đấy

(ICTPress) - Kỷ niệm 66 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2013), ICTPress trân trọng giới thiệu Tùy bút Kỷ niệm chiến trận của một cán bộ, nhà báo ngành Bưu điện, nay là ngành Thông tin và Truyền thông như một lời tri ân tưởng nhớ công lao của các anh hùng liệt sĩ, các thương bệnh binh, các Mẹ Việt Nam Anh hùng.     


Biết cuộc gặp gỡ đầy ý nghĩa, nên sáng đó gần như toàn bộ anh em ở Tòa soạn Tạp chí Tem đều có mặt tại nhà đại tá Trần Đình Long trong một căn hộ chung cư phố mới ở Hà Nội.

…Câu chuyện dần dà cũng có đà. Anh Long, tôi xin phép gọi thế, vì chúng tôi gần như cùng một thế hệ. Anh là người lính chuyên nghiệp. “16 tuổi vào lính. Hết tuổi lính thành cựu chiến binh, còn hết cựu chiến binh thì sẽ….”

Chủ khách còn đang giới thiệu “trích ngang” thì chợt có người hỏi: “…thế bác “ra quân” năm nào ạ?!”. 

“Tôi là “lính chung thân” mà…!” anh khẳng định.

Đáp lại câu “Chắc bác có dự chiến dịch Hồ Chí Minh chứ? ”, anh bảo: “Tôi nghĩ chiến dịch Hồ Chí Minh là cái mốc cuối trên cả một chặng đường dài. Có đánh Quảng Trị, đánh Kontum. Buôn Mê Thuột… mới có điểm đích cắm cờ trên dinh Độc Lập 30/4”.

…Vốn là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 1 của trung đoàn 48 Thạch Hãn Anh hùng, Sư 320B. Sau “81 ngày đêm” đó anh còn lên cả biên giới phía Bắc, rồi vào biên giới Tây Nam… Nhưng rút cục anh bảo rằng: “Quảng Trị vẫn là nơi ác liệt nhất mà tôi gặp”.

Anh kể: “… Trong chiến đấu hy sinh thì cũng mỗi người mỗi kiểu. Còn có sống được đến hôm nay thì cũng mỗi người một cảnh các anh ạ!” - . Anh Long “tóm tắt lại” như vậy.

“Ở mặt trận cái chết bất chợt lắm. Như anh Khuất Bá Văn, người Quốc Oai, đại đội trưởng chủ công của tôi đó. Hầm anh ấy sát hầm tôi, giao ban về ngày nào anh cũng sang tôi nghe tình hình. Sáng đó anh em vừa đứng với nhau. Tôi đi vào, anh ấy bước ra. Vậy mà về đến cửa hầm thì pháo nổ…

… “Ấy thế nhưng cũng có những anh đi đến sát liền cái chết, tưởng chắc là chết  lại không chết. Ấy là hồi đó bữa ăn hàng ngày của chúng tôi chủ yếu là lương khô, thèm rau xanh, thèm lắm mà không có. Thế rồi một hôm trong “hăng gô” chiến sỹ xuất hiện rau xanh. Thì ra hôm trước theo anh em lên công sự, cậu “anh nuôi” phát hiện một vạt muống đạn bom chưa cầy hết. Đêm đến, cậu ta bò ra lấy về cải thiện cho anh em.Vạt rau đó cách địch dễ chừng chỉ mười lăm hai chục mét…”. Rất tiếc sau này anh ấy cũng hy sinh…

“Còn có những người hy sinh thầm lặng, không chói lòa, ít người nói đến nhưng thật oanh liệt. Tôi ví dụ như các chiến sỹ quân y chẳng hạn. Họ không cầm súng mà lại phải luôn có mặt ở những nơi đạn bom ác liệt nhất ”. Anh kể về trường hợp của anh Cao Bá Nhận, người Thái Bình mang thương binh ra bờ sông. “…Tải thương thì làm sao mà bò được. Nghe tiếng rít anh đã vội nằm xuống rồi mà anh vẫn bị dính đạn pháo địch …”

…“Rồi còn có những anh em hăm hở, tự hào lên đường ra trận nhưng chưa kịp chiến đấu đã hy sinh. Lần ấy tôi đi nhận quân số bổ sung. Họ đều là tân binh cả. Cùng đi với anh em về lúc 3 giờ đêm thì 5 giờ đã phải chứng kiến cảnh 3 chiến sỹ đó tử vong. Ba thanh niên hồn nhiên, mạnh khỏe, đầy tin tưởng vừa được giao cho mình chỉ huy, trông còn chưa rõ mặt nhau mà giờ đây lại phải đau đớn nhìn 3 thân hình non trẻ, cường tráng ấy quằn quại trong vũng máu… Một quả M79 rơi giữa đội hình. Tôi còn trông thấy cả thằng địch ngồi trong công sự đối diện bấm cò mà… Đau lắm…! ”

Buổi đó còn có cả thượng tá Vũ Đình Lập. Anh ít tham gia câu chuyện. Dáng vẻ có chiều tư lự. Ngày “72” anh còn là chiến sỹ của một trong 2 trung đội công binh được tách ra phái vào Thành Cổ. “…Đơn vị tôi khi đó nhiều tân binh đến chiến trường mà khí tài bộ binh dùng còn chưa thạo, vậy mà chiến đấu hết sức dũng cảm ngoan cường”. “Ấy thế nhưng do chỉ là đơn vị lẻ được cử đi phối thuộc nên giờ đây cũng ít ai biết đến nó, ngay tên của đơn vị mà  trong bảo tàng  ghi còn sai …”.

…Nhiều năm đã đi qua, anh em trong đơn vị đã chuyển sang các đơn vị mới. Ở các cương vị công tác khác nhau, cũng không ít người đã được cả nước tôn vinh rồi … nhưng trong lòng  không sao quên được  đồng đội cũ. Ngoài anh Long, anh Lập còn các anh Nguyễn Đức Khánh, Đỗ Quang Cường, Đỗ Hùng, Phạm Xuân Nội… Họ vẫn thường xuyên gặp mặt nhau, tìm kiếm, liên lạc với thân nhân các liệt sỹ. Các anh cứ lặng lẽ tưởng niệm và tri ân liệt sỹ như thế đó…

 ***

…Buổi “gặp 2 chiến sỹ Thành cổ Quảng Trị” cuối cùng không đi tới mục tiêu đề ra ban đầu. Các anh không kể về trận đánh lịch sử - trận đánh  làm lệch cán cân đàm phán Paris năm xưa. Các anh cũng chẳng kể gì về các chiến tích của bản thân. Thậm chí mỗi khi có khơi gợi thì các anh còn khiêm nhường tránh …

…Cuối cùng thì tôi cũng hiểu được vì sao. Anh Long người đã bỏ hơn 3 năm trời đi lại, tìm kiếm, chỉnh lý danh sách, địa chỉ… cho khoảng chừng 4.000 liệt sỹ Quảng Trị. Tất nhiên sai sót là điều không tránh khỏi nhưng thế là anh cũng đã góp một phần đáng kể cho để cuốn sách “Huyền thoại Thành cổ Quảng Trị” được ra đời. Chiếc điện thoại di động mà anh đang cầm đây kỳ đó đã cộng thêm vào ngân sách chi tiêu gia đình một khoản hơn 20 triệu….

Ạnh Lập cũng vậy, sau chiến tranh đơn vị ly tán. Cuộc sống dạt mỗi người một phương... Anh vẫn hay về thăm đại đội trưởng cũ. Từ ngày về nhà, cuộc sống của ông không mấy suôn sẻ... Anh còn đi tìm kiếm tin tức về gia đình anh Phúc ở 161 đường Nam Bộ năm xưa [1] rồi cứ băn khoăn nay  chuyển về đâu mà hỏi mãi chẳng ra... Rồi như chợt nhớ anh bảo:

 - À mà này, còn cuốn nhật ký của liệt sỹ Đoàn Văn Ứng nữa. Chị ấy vẫn đang giữ… Các anh là nhà báo thì nên tìm mà viết. Nó cũng chẳng khác mấy “Nhật ký của Đặng Thùy Trâm. Đọc nó các anh sẽ hiểu hết về đơn vị chúng tôi ngày đó…”.

“Vậy mời các anh tới đây là để kể về đồng đội chung chiến hào thuở ấy với tình thương mến, đâu phải để kể về chiến tích của riêng mình, các anh hiểu cho... ” - ánh mắt các anh như muốn nói câu đó.

Thì ra còn lại tới hôm nay, ngoài phận sự hàng ngày đối với gia đình, với xã hội, trên vai các anh còn luôn trĩu nặng thêm những điều gửi gấm không bằng lời của những người đã khuất…

 ***

Giờ đây 40 năm đã trôi qua… Chẳng ai muốn khơi lại những câu chuyện đau thương. Dân tộc mình quen tựa lưng vào những đống đổ nát để đứng dậy ngẩng cao đầu rồi. Nhưng đâu có phải trong những công trình và cuộc sống sôi động hôm nay thiếu bóng dáng các anh…

…Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ.
     Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.
   Có tuổi hai mươi thành sóng nước.
     Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm  [2]

Năm qua kỷ niệm 66 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ, Nhà nước đã ban hành hàng loạt chính sách đối với những người có công. Người ta bảo “chúng ta phải biết ơn thương binh liệt sỹ vì có sự hy sinh của các anh chúng ta mới có được ngày hôm nay”. Nhưng tôi cứ bâng khuâng… Có phải vì cái ơn mà các anh đã mang lại cho mình thì nay phải lo trả không?  “Công trả bao nhiêu… là đủ ?!”.

…Xưa làm trong ngành Bưu điện, chúng tôi thường xây dựng các tuyến đường dây qua rừng… Cùng nhau chuyển những chiếc cột xi măng 5,5 tạ lên đồi cao. Khiêng đòn đầu cột tôi cứ bị ám ảnh bởi một sự hàm ơn, hàm ơn không rõ hình hài đối với những người khiêng chân cột phía sau. Cùng một bổn phận, cùng một sức khỏe… sao họ lại phải gánh phần hơn mình… Rồi tự trong lòng cứ thấy áy náy, cứ thấy như đã làm một “điều gì chưa phải, chưa thỏa đáng”, đối với bạn bè, đồng đội…

Hơn 1 triệu người đã ngã xuống, hơn 2 triệu người để lại một phần cơ thể mình trên chiến trường và còn nhiều triệu người đeo đẳng di chứng của chiến tranh… Có những người đã được thống kê ghi nhận, còn những cái chết mà không ai biết đến… Vì vậy cả xã hội chúng ta chịu ơn các anh - một sự chịu ơn “định tính chứ không định lượng”, một món nợ không có hồi thanh toán.

…Ngày ấy đất nước ta còn nghèo, chưa có tí của nả nào thì “Hội giúp binh sĩ tử nạn” đã thành lập và còn mời được cả Chủ tịch Hồ Chí Minh làm “Hội Trưởng Danh dự”.

… Mùa rét năm đó, Nhà hát Lớn Hà Nội có một buổi “quyên góp quần áo, giầy mũ cho binh lính ở ngoài chiến trường, mở đầu cuộc vận động mùa đông chiến sỹ”. Nhà tôi người lớn đi về bàn tán sôi nổi. Ông tôi bảo, giọng pha chút bùi ngùi: “… Hôm nay thấy Cụ Hồ cũng đến. Cụ cởi ngay chiếc áo rét đang mặc để góp vào chồng quần áo…”.

…Dân ta từ xưa đã có một triết lý nhân sinh thật chí lý “làm ơn thì đừng có nhớ, chịu ơn thì cấm được quên”. Vâng ơn tình ơn nghĩa thì chỉ có thể trả bằng nghĩa, bằng tình. Làm tất cả những gì để giữ cho Đất Nước này vẹn toàn, bình yên, Dân tộc ta được tự hào, tự trọng không cho ai hiếp đáp, cho cuộc sống của tất cả mọi người hưng thịnh …mới thật là cái nghĩa cần lo trả cho các anh…

Cầu chúc vong linh các anh luôn vui mỗi khi nhìn thấy chúng tôi tiếp bước các anh trong đạo lý và lý tưởng sống!

                                                                                                                                           M.C

[1] Đường Lê Duẩn ngày nay.   

[2] Bốn câu thơ của “chiến sỹ Thành cổ” Lê Bá Dương


Tin nổi bật