Nhà quản lý trăn trở tìm hướng quản lý game online
(ICTPress) - Quản lý thế nào để phù hợp với xu thế phát triển thần tốc của ngành game online, đồng thời hỗ trợ công nghiệp game Việt Nam phát triển... dường như vẫn là những vấn đề gây tranh cãi.
Mọi biện pháp quản lý hành chính hay kỹ thuật đều không theo kịp, không ngăn chặn được sự xâm nhập nhanh chóng của game vào đời sống xã hội. (Ảnh: VTC cung cấp) |
"Chúng tôi muốn được quản lý, muốn được kinh doanh đúng pháp luật", lãnh đạo 4 doanh nghiệp game online hàng đầu Việt Nam là VNG, VTC Online, FPT Online và VCCorp đã đồng thanh đề nghị như vậy tại Hội thảo nâng cao hiệu quả công tác quản lý trò chơi trực tuyến do Bộ TT&TT tổ chức mới đây. Thế nhưng, quản lý thế nào để thúc đẩy ngành công nghiệp game trong nước phát triển đúng hướng, đúng hành lang pháp lý, đúng chuẩn mực và đủ sức cạnh tranh với ngành công nghiệp game đang phát triển thần tốc ở các nước trong khu vực là những câu hỏi lớn vẫn đang bỏ ngỏ.
Ông Lê Hồng Minh - Tổng giám đốc VNG dự báo, đến năm 2018 Việt Nam sẽ có 60 triệu người dùng Internet trong đó có 70% gamer (người biết chơi game - PV); 40 triệu người dùng smartphone trong đó có 90% gamer và 1 triệu smartTV trong đó có tích hợp tính năng chơi game. Đến năm 2018, doanh thu thị trường game sẽ tăng khoảng 3,5 lần so với hiện nay, ước đạt 20.000 tỷ đồng.
"Quản" không nổi vì sự phát triển thần tốc của game online
Câu hỏi đặt ra là với tốc độ và quy mô phát triển như vậy, có bao nhiêu phần trăm thị trường là của doanh nghiệp nội và bao nhiêu phần trăm game sản xuất trong nước. Game online xuất hiện ở Việt Nam từ khá sớm cùng với sự phát triển của dịch vụ Internet nhưng nó thực sự bùng phát vào năm 2005 và văn bản quản lý đầu tiên là Thông tư liên tịch 60/2006/TTLT-BVHTT-BBCVT-BCA (Thông tư 60) đã nhanh chóng được ban hành để quản lý dịch vụ này.
Vậy nhà nước có thực sự quản lý được ngành game hay không? Ông Nguyễn Huy Toàn - Trưởng phòng Thanh tra Báo chí - Xuất bản (Thanh tra Bộ TT&TT) là người đã gắn bó với công tác quản lý game online ngay từ những ngày đầu tiên đã chia sẻ về khó khăn trong công tác quản lý game. Theo ông Toàn, ngay trong quá trình xây dựng Thông tư 60 đã có rất nhiều ý kiến khác nhau về việc cần quản lý những vấn đề nào. Trong đó, nổi lên 4 vấn đề: kiểm soát nội dung, kiểm soát kỹ thuật, kiểm soát người dùng và quản lý tài sản ảo. Tuy nhiên, sau nhiều cuộc bàn thảo, vấn đề quản lý tài sản ảo không được đề cập trong dự thảo Thông tư 60.
Thế nhưng, Thông tư 60 vừa ban hành đã trở nên lạc hậu, không theo kịp sự phát triển nhanh chóng của game online; và có một số quy định vừa ban hành đã không thể thực hiện được. Rõ nét nhất là quy định về quản lý thông tin người chơi và hạn chế giờ chơi. Về quản lý thông tin người chơi rất khó thực hiện vì Việt Nam chưa có cơ sở dữ liệu CMND điện tử, còn việc hạn chế giờ chơi cũng không hiệu quả vì người chơi có thể lập ra nhiều tài khoản để chơi.
Bên cạnh đó, sự thay đổi quá nhanh của cách thức thu phí game cũng khiến quy định về cách thu phí trong Thông tư 60 bị tụt hậu. Cụ thể, hình thức thu phí bằng cách bán thẻ cào tính phí theo thời gian đã thay đổi bằng cách cho chơi miễn phí và thu phí bằng bán tài sản game. Nếu chiểu theo quy định về cách thức thu phí thì cũng không có doanh nghiệp nào đủ điều kiện để cấp phép game. "Mọi biện pháp quản lý hành chính hay kỹ thuật đều không theo kịp, không ngăn chặn được sự xâm nhập nhanh chóng của game vào đời sống xã hội", ông Toàn nói.
Đề nghị siết chặt phương tiện thanh toán và đại lý Internet
Ông Bùi Việt Dương - Trưởng phòng Bưu chính Viễn thông (Sở TT&TT TP. HCM) cho biết, khi TP. HCM tiến hành thanh, kiểm tra tình hình game không phép thì các doanh nghiệp đã chuyển trụ sở ra khỏi địa bàn nhưng vẫn phát triển dịch vụ mạnh mẽ ở thành phố. Việc quản lý các đại lý Internet rất khó khăn vì bản thân các đại lý đang gặp nhiều hạn chế trong kinh doanh dịch vụ, họ buộc phải duy trì hoạt động bằng cách cho khách hàng chơi game theo ý thích (trong đó có khá nhiều game lậu). Việc phát hiện các trò chơi không phép chủ yếu là thông qua các diễn đàn game, còn thực chất các Sở TT&TT không có cơ sở dữ liệu về game nào đã được cấp phép để theo dõi, cập nhật hàng ngày.
Ông Dương cho rằng, muốn quản lý game chỉ có thể đặt trọng tâm vào quản lý phương tiện thanh toán. Bởi vì bất cứ doanh nghiệp nào muốn phát hành game vào Việt Nam cũng cần 2 điều kiện: Có bản Việt hóa và phương tiện thanh toán. Hiện game lậu chủ yếu được thanh toán qua thẻ cào di động và các cổng thanh toán điện tử của Việt Nam.
Mới đây, Sở TT&TT TP. HCM đã phát hiện một game đánh bài không phép được cung cấp qua máy chủ ở Campuchia nhưng người chơi thanh toán qua thẻ cào di động của Việt Nam. "Cần quản lý chặt các doanh nghiệp cung cấp phương tiện thanh toán, không cho phép thanh toán các game không phép", ông Dương đề xuất.
Tuy nhiên, ông Lê Hồng Minh cho rằng, việc chặn thanh toán qua thẻ cào của các nhà cung cấp dịch vụ di động cũng không khả thi vì chỉ 2 năm nữa, theo cam kết WTO các doanh nghiệp nước ngoài được phát hành thẻ cào thanh toán dịch vụ nội dung miễn thuế vào Việt Nam, hiện nay mức thuế nhập khẩu áp dụng cho thẻ cào thanh toán là 15%. Ông Minh đề xuất, cần quản chặt các phòng Internet công cộng bởi khi trẻ em tự do chơi ở các đại lý thì gia đình không thể kiểm soát cả về nội dung game cũng như giờ chơi.
Minh Quyên